Như Tuổi Trẻ Online thông tin, số liệu thống kê năm 2023 cho thấy tỉ lệ người nhập cư TP.HCM chỉ tăng 0,67%, tương ứng khoảng 65.000 người (trong khi trước đó khoảng từ 200.000 - 250.000 người).
Các thủ phủ công nghiệp ở phía Nam đang chứng kiến một sự dịch chuyển lao động chưa từng có: người lao động đang có xu hướng rời các thành phố lớn về quê làm việc ngày càng tăng.
Lương 15 triệu ở thành phố có khi hụt, 10 triệu ở quê lại dư
Nhiều bạn đọc cho rằng sở dĩ công nhân chọn rời phố về quê vì thu nhập ngày càng giảm, trong khi đó vật giá đều tăng.
Bạn đọc Minh Trần chia sẻ hơn 10 năm nay lương công nhân vẫn quanh quẩn ở mức 10 triệu đồng mỗi tháng, trong khi mọi thứ giá cả đều tăng giá.
Lúc trước mức lương này gói ghém có thể gửi về quê, còn hiện nay mức lương này không đủ sống thì về quê là lựa chọn của người lao động.
Theo bạn đọc Thanh Binh, hiện nay giá cả mọi thứ đều tăng, thế nhưng lương công nhân lại không tăng, khó gồng gánh được các mức sống, chi phí nhà trọ.
Bạn đọc chau****@gmail.com cũng cho rằng, vật giá leo thang. Dù vậy người lao động cũng sống được (hơi vất vả), thế nhưng doanh nghiệp lại tiếp tục không tăng lương...
Tương tự bạn đọc Minh Tiến chia sẻ: "Tôi ở Bình Dương hơn 20 năm, thấy mấy năm nay kinh tế khó khăn hầu hết ở các lĩnh vực.
Việc làm của công nhân bị cắt giảm và lương giảm, trong khi tiền thuê nhà trọ thì đắt đỏ. Công nhân bỏ về quê cũng là điều dễ hiểu".
"Ở quê lương tháng 10 triệu là dư sống, còn ở thành phố lương tháng 15 triệu có khi hụt. Giờ ở quê phát triển lắm", theo bạn đọc Bánh Bao.
Bạn đọc Khang Uy lấy ví dụ làm lương 10 triệu mỗi tháng ở TP.HCM không bằng làm 7 triệu ở tỉnh. Vào thành phố phải bon chen, về quê làm tháng 7 triệu, không phải thuê nhà chen chúc.
Bạn đọc Cửu Ngũ thì cho rằng chỉ khi mức lương được từ 20 triệu đồng/tháng trở lên thì người lao động mới nên ở lại thành phố.
Công nhân có nhiều lựa chọn ở quê nhà hơn
Nhiều bạn đọc cũng chỉ ra việc công nhân rời phố về quê cũng không hẳn là tín hiệu đáng buồn, vì hiện nay ở quê người lao động có nhiều lựa chọn hơn.
Bạn đọc Phạm Hát cho rằng: "Cần phát triển toàn diện ở các tỉnh nên lao động có tay nghề về quê là mừng. Đừng lo các thành phố thiếu lao động.
Các tỉnh cũng nên hồi hương lao động có tay nghề về xây dựng quê hương, chuẩn bị cho phát triển sau khi các cao tốc hình thành trong 2 - 3 năm nữa".
Bạn đọc Tuấn Trần phân tích: "Mục tiêu là phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội đồng đều giữa các tỉnh, thành phố; xóa chênh lệch thu nhập giữa các nơi.
Do vậy, rất cần lãnh đạo sở ngành quan tâm thu hút, phát triển mới các khu công nghiệp, khu chế xuất tại từng tỉnh thành, kết hợp đào tạo, hướng nghiệp, dạy nghề... để giải quyết việc làm cho người địa phương, tạo thu nhập, nâng cao đời sống...
Bên cạnh đó, giảm dần tình trạng người lao động đổ dồn về đô thị lớn, trung tâm gây nhiều áp lực về dân số, giao thông, giáo dục, y tế, môi trường".
Bạn đọc Trường Dân kiến nghị TP.HCM nên tập trung phát triển các ngành nghề đòi hỏi lao động kỹ thuật cao, lao động chất xám, trả lương cao.
Tương tự bạn đọc Hải An chia sẻ thêm: "Đất nước ta còn nhiều vùng trù phú. Hãy mở rộng không gian phát triển, liên kết vùng và giao thông công cộng để người dân có thể làm việc ở quê, gần nhà".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận