Bóng đá là một môn thể thao rèn luyện sức khỏe lẫn ý chí - Ảnh: T.T.D.
Thể thao bao giờ cũng có "người thắng kẻ bại" nhưng không phải mọi chiến thắng đều có ý nghĩa tích cực, ngược lại không phải mọi thất bại là tiêu cực, có thất bại mang lại cho chúng ta rất nhiều bài học lớn.
Thắng dễ kiêu, bại dễ đổ lỗi
Sau trận chung kết bóng đá giữa tuyển U22 Việt Nam và Indonesia vừa qua, đứa cháu trai (12 tuổi, con chị cả tôi) nói với mẹ: "Trận này, đội Indo hết đường mẹ nhỉ?". Rồi trên Facebook của cháu cũng có bao nhiêu câu nói, lời bình phẩm không hay khi nói về đội Indonesia.
Cũng không ít trẻ khi bị thất bại thì chán nản, bao biện và tìm cách để đổ lỗi. Sau trận đấu bóng thất bại, cậu bé N.H. (13 tuổi, Long Thành, Đồng Nai) bực dọc chia sẻ với mẹ: "Đội bạn đứa nào cũng chơi xấu, bọn con bị thương, bàn thắng chẳng hợp lệ vẫn được trọng tài công nhận". Sự ấm ức, tức giận là biểu hiện thái độ bình thường trong cuộc sống nhưng nếu trẻ không biết kiểm soát và quản lý cảm xúc, để cảm xúc tiêu cực chi phối, có thể dẫn đến hành vi tiêu cực.
Biết mình, biết ta để cân bằng tâm lý
Con trẻ ở độ tuổi cấp I, II, đôi lúc biểu lộ cảm xúc một cách hời hợt và tùy hứng. Các bậc cha mẹ cần chú ý hướng dẫn con thêm:
1 Trước các sự kiện hiện tượng trẻ muốn đưa ra những lời bình phẩm, cha mẹ giúp con phân tích các sự kiện một cách cụ thể. Giúp con hiểu rõ vấn đề, tạo điều kiện cho con thấu hiểu tương đối đầy đủ về điều con muốn quan tâm. Hướng dẫn trẻ nếu muốn nói hay có hành động nào đó cần cân nhắc kỹ càng và trao đổi thêm với cha mẹ hoặc những người mà con tin cậy.
2 Luôn tạo cho trẻ biết cách biểu lộ cảm xúc thích hợp trong mọi tình huống, biết đặt mình vào hoàn cảnh người khác để lắng nghe, chia sẻ, để động viên mà không phải là sự miệt thị, coi thường. Khi thành công, khi chiến thắng, ai cũng dễ thăng hoa, song cũng biết kiềm chế vừa phải và biết dừng đúng lúc để không khiến người khác bị tổn thương. Cổ nhân có dạy "Điều kiêu ngạo chớ nên nuôi lớn" là vậy.
3 Cho con cảm nhận được khi người khác thất bại là thế nào. Khi đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam giành thắng lợi đêm chung kết SEA Games 30 thì các cầu thủ Indonesia tỏ ra mệt mỏi, thất vọng, rồi có cả cầu thủ phải ôm mặt khóc, có cầu thủ còn phải ngồi xe lăn vì chấn thương nặng... Vì thế cha mẹ có thể dạy con quan sát và nói cho con biết được rằng họ buồn bã ra sao. Họ cống hiến hết mình vì tổ quốc của họ... Từ đó giúp con biết đánh giá hay biểu lộ cảm xúc một cách phù hợp.
Mong muốn con trở thành cầu thủ bóng đá
Vợ chồng anh chị H. (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) rất "mê" coi bóng đá, anh chị có hai con đang tuổi ăn học. Con trai anh, cháu T., năm nay đang học lớp 5, ngoài việc hằng tuần cháu phải đi học ở trường lớp, hơn 2 năm nay những ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) vợ chồng anh thay phiên nhau chở con đi học bóng đá.
Có lần anh chia sẻ rằng anh hi vọng khi lớn hơn chút nữa con anh sẽ có khiếu và đam mê bóng đá nhiều hơn. Anh cũng khẳng định chắc nịch, nếu sau này con không thích học nữa, anh chị sẽ định hướng cho con theo nghề bóng đá, đăng ký cho con vào "lò" đào tạo nào đó. Anh chị mong muốn con trai có thể trở thành cầu thủ "nổi tiếng" với... trái bóng.
Tôi thấy cháu Thành, con anh chị, có đôi chút năng khiếu về bóng đá. Nhưng có lần cháu tâm sự ngày nghỉ cuối tuần cháu muốn ngủ ráng thêm chút xíu vì mệt nhưng phải thức dậy để đến trung tâm đào tạo bóng đá cho kịp giờ - nếu không sẽ bị ba mẹ la mắng.
Còn vợ chồng anh chị D. (ở quận 10) cũng có con trai đang học lớp 4 và gần 2 năm nay anh chị cho con đi học bóng đá ở một trung tâm chuyên về đào tạo bóng đá với niềm hi vọng là ngoài việc rèn luyện thể lực, con sẽ đam mê, yêu thích trái banh hơn. Tôi cũng có người cháu ruột (con của em trai tôi, gọi tôi bằng bác) đang học lớp 8 ở quê (Quảng Ngãi). Hiện cháu đang tham gia đội bóng đá của trường và thường xuyên dự các giải thi đấu bóng đá ở địa phương. Có lần tôi về thăm quê, cháu tâm sự là không thích học nữa và mong muốn sẽ theo nghề... bóng đá. Tôi tôn trọng sự lựa chọn cũng như sở thích, niềm đam mê của cháu nhưng không quên nhắc rằng cháu vẫn cần chú ý việc học tập, để có thể tốt nghiệp lớp 9 rồi sau đó theo nghiệp trái bóng cũng chưa muộn.
Mong muốn con yêu thích, đam mê một bộ môn thể thao hay con đam mê bóng đá và sẽ theo nghiệp bóng đá sau này như mong muốn của nhiều bậc phụ huynh tôi nghĩ là những mong muốn chính đáng. Thế nhưng thiết nghĩ người lớn cần cân bằng cả việc học hành cũng như thể chất, sức khỏe của con, cần chú ý, chăm chút đến sức khỏe, dinh dưỡng cũng như thời gian nghỉ ngơi của con trẻ.
NGUYỄN ĐƯỚC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận