11/06/2020 12:22 GMT+7

Khi con gái theo nghề điện tử

NGÔ THỊ THẢO (Hà Nội)
NGÔ THỊ THẢO (Hà Nội)

TTO - LTS: Chịu “hai tầng” định kiến: “Sao lại đi học nghề?” và “Con gái sao học nghề của con trai?”, Ngô Thị Thảo (Hà Nội) vẫn quyết định đi con đường riêng của mình để hướng đến thành công.

Khi con gái theo nghề điện tử - Ảnh 1.

Ngô Thị Thảo đang hiện thực hóa ước mơ trở thành kỹ thuật viên điện tử - Ảnh: TRẦN TRỊNH

Tôi sinh ra trong gia đình thuần nông, ông bà, bố mẹ đều vất vả "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Nhà có ba chị em, tôi là chị cả nên từ nhỏ đã gánh vác một phần việc nhà, ruộng vườn cùng bố mẹ. Dẫu vậy, tôi không lúc nào nguôi ngoai giấc mơ học nghề điện hoặc điện tử.

Bỏ nhà đi học nghề

Ông nội tôi là thợ điện, chuyên sửa chữa điện trong thôn nên từ bé tôi đã tiếp xúc với tuavit, dây điện, bảng điện... Là con gái nhưng tôi bị thu hút và rất hay nghịch ngợm, dù lúc đó chẳng biết gì về điện.

Tốt nghiệp THPT năm 2013, tôi chọn học ngành điện tử tại một trường cao đẳng nghề ở Hà Nội. Dù tôi vỡ òa với niềm vui trúng tuyển, mọi người trong gia đình lại phản đối quyết liệt: "Con gái ai lại đi học điện?", "Ra trường rồi có xin được việc không?".

Thời gian đó gia đình gặp cảnh kinh tế khó khăn nên ước mơ học hành của tôi đành dang dở. Dẫu vậy, không phải vì thế mà tôi đánh mất ước mơ. Tôi xin vào làm ở một công ty gần nhà để có tiền đi học. Năm 2014 tôi thi lại và tiếp tục chọn học nghề bằng tiền của mình, dù gia đình vẫn tiếp tục phản đối.

Có lúc tôi phải bỏ nhà một thời gian để được học nghề. Với tôi, học nghề vừa tiết kiệm chi phí và thời gian rút ngắn hơn, lại được đào tạo vào đúng chuyên sâu, học thật làm thật.

Trưởng thành theo thời gian

Khi còn là sinh viên, tôi phụ việc theo giờ cho một gia đình để có tiền trang trải việc học tập. Chủ nhà có điều kiện nên đồ gia dụng và các thiết bị trong nhà đều có giá trị và đắt tiền. Tôi nhớ có lần miệt mài vệ sinh lại cái máy hút mùi trong bếp bị hỏng lâu ngày, tôi phải lau chùi mất tới 3 buổi và sửa được đường dây cấp nguồn. Cho tới bây giờ, chủ nhà vẫn thường nhờ tôi đến nhà "bảo dưỡng" các thiết bị khi có vấn đề. Chỉ đơn giản là mình được tín nhiệm đã là một thành công trong nghề rồi.

Nhiều người hỏi tôi: "Tại sao em chọn nghề này?". Tôi chọn nó bởi vì đó là mơ ước của tôi, là nguồn động lực để tôi cố gắng, là niềm đam mê khiến tôi có mục đích trong cuộc sống, để tôi có ngày hôm nay. Nghề cho tôi cuộc sống đầy đủ hơn. Điều cuối cùng khiến tôi yêu và trân trọng nghề bởi nghề đã cho tôi gặp các thầy cô, đặc biệt là những giảng viên ở Trường CĐ Điện tử - điện lạnh Hà Nội, Trường CĐ Công nghệ Hà Nội, trao cho tôi cái nghề bằng cả tâm huyết của nhà giáo.

Cho tới tận bây giờ khi đã có gia đình, tôi vẫn tiếp tục theo đuổi việc học nghề, chỉ đơn giản học thêm để nâng cấp tay nghề, để có một công việc theo đúng với mong ước bao lâu nay là trở thành một nữ kỹ thuật viên điện tử.

Lời nhắn gửi chân thành

Tôi luôn mong muốn các bạn trẻ - đặc biệt là các bạn học sinh chuẩn bị tốt nghiệp lớp 12 hay những bạn sinh viên đang đi học và chuẩn bị ra trường - hãy kiên cường, nên có một mơ ước về một công việc, nên chọn lấy một nghề mà bản thân các bạn muốn làm nhất và lấy đó làm mục đích, bởi chỉ có theo đuổi mục đích chính của bản thân thì cuộc sống mới thay đổi được.

Tôi tin nếu bạn hết lòng thì sẽ không gì có thể phụ được bạn. Với các bậc phụ huynh, tôi muốn nhắn gửi hãy tự tin trao đôi cánh cho con em mình để các bạn có thể tự đứng lên, tự lập và tự chịu trách nhiệm với bản thân.

Thi viết Thi viết 'Tôi chọn nghề': Chọn học nghề để giúp buôn làng

TTO - Làng của H’Men nằm vắt vẻo trên đỉnh đồi bazan chờn vờn mây trắng chỉ có người dân tộc Ba Na sinh sống. Hàng trăm năm nay, thi đậu ĐH là điều quá xa lạ, đặc biệt với con gái. Thế nhưng H’Men đã làm được.

NGÔ THỊ THẢO (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp