Bạn đọc Dương Đăng Khoa (phải) đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ đóng góp cho đồng bào miền Trung ngày 3-11 - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Cuộc gặp gỡ cà phê lần này những người bạn của tôi không bàn chuyện con cái, thời trang, ăn uống như mọi khi. Họ nói về sạt lở đất, bão lũ miền Trung và bàn nhau cách đóng góp để chia sẻ mất mát với người dân gặp nạn. Cuộc bàn luận trở nên sôi nổi hơn khi mỗi người nêu ra quan điểm về cách quyên góp.
Vài người nói rằng sẽ chuyển tiền ủng hộ vào tài khoản những nghệ sĩ đang có quyên góp cho miền Trung. Hai người khác tính vận động thêm người quen, bạn bè, thuê xe để làm chuyến đi cứu trợ trực tiếp.
Tôi bất ngờ và cảm kích những người bạn thường ngày vốn chẳng mấy khi quan tâm đến chuyện công tác xã hội nay lại trở nên nhiệt thành. Những hình ảnh, thông tin về mất mát, đau thương của đồng bào sau những thiên tai liên tiếp đã tạo nên hiệu ứng kết nối cảm xúc mạnh mẽ. Ai cũng thấy mình cần phải có trách nhiệm đóng góp sẻ chia với đồng bào.
Tôi gửi ảnh chụp màn hình giao dịch thông tin chuyển khoản ủng hộ đồng bào bị bão lũ mà tôi vừa thực hiện mười ngày trước. Bạn tôi bảo rằng họ quên mất chuyện quyên góp thông qua các báo, vì thường xem thông tin qua mạng xã hội nhiều hơn đọc báo!
Tôi vẫn luôn nghĩ chính những phóng viên đi tác nghiệp tại hiện trường mới là những người chứng kiến và sâu sát nhất những mất mát, tổn thất của người dân ở những địa phương xảy ra thiên tai.
Họ biết rõ người dân nơi nào đang cần hỗ trợ gì và tái thiết cuộc sống cho người dân sau thiên tai như thế nào. Các cơ quan truyền thông có mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền để nắm rõ thông tin những hộ dân cần hỗ trợ và có phương cách hỗ trợ thiết thực nhất.
Thi thoảng tôi vẫn gửi những khoản đóng góp nhỏ của mình đến những chương trình của báo Tuổi Trẻ. Không chỉ khi xảy ra thiên tai, bão lũ mà thường xuyên quanh năm về những cảnh đời khó khăn, những tấm gương vượt khó trên cả nước.
Cũng có một vài trường hợp rất xúc động khi nhân vật trong các bài viết của tôi đăng trên Tuổi Trẻ nhận được những khoản đóng góp của bạn đọc. Có những bài đăng đã nhiều năm qua vẫn có bạn đọc đóng góp chia sẻ, ban công tác xã hội của Tuổi Trẻ đã gọi tôi để tìm nhân vật, xin thông tin để chuyển tiền đóng góp của bạn đọc.
3. Tôi không khỏi xúc động khi nhận được thư cảm ơn từ ban biên tập báo Tuổi Trẻ cho những đóng góp của mình dù không nhiều nhưng lại nhận được hồi đáp một cách rất trân trọng! Tôi cất những thư cảm ơn của Tuổi Trẻ, thi thoảng mở ra xem để nhắc nhớ bản thân phải có trách nhiệm với xã hội nhiều hơn.
Chia sẻ nỗi đau với đồng bào mình, đóng góp thông qua các cá nhân, tổ chức nào trước hết cũng là gửi gắm những khoản đóng góp bằng niềm tin. Mỗi người chọn cách quyên góp theo cách riêng của mình, đều là chung tay cho bà con trong cảnh khó.
Và như thói quen, cả khi chuyển khoản, tôi luôn nói lời cảm ơn đến số tài khoản, đơn vị nhận sau mỗi lần đóng góp. Cảm ơn vì họ đã giúp tôi có cơ hội thực hiện những đóng góp và sẻ chia.
18,4 tỉ đồng
Đó là số tiền mà Tuổi Trẻ đã tiếp nhận được từ các nguồn đóng góp hỗ trợ của người dân và doanh nghiệp tính đến chiều 3-11.
Tuổi Trẻ đã phối hợp cùng Thành đoàn TP.HCM và các đơn vị để thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp với số tiền đã chi ra là hơn 8,5 tỉ đồng gồm hơn 6.000 suất quà (400.000 - 2 triệu đồng/suất), trên 14.000m2 tôn để lợp lại mái nhà, khám bệnh và cấp phát thuốc cho khoảng 1.800 người dân tại Quảng Ngãi, Quảng Nam...
CÔNG TRIỆU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận