19/03/2011 02:47 GMT+7

Khi chồng khư khư giữ tiền

MINH THƯ
MINH THƯ

TT - Tài sản gia đình xưa nay được thừa nhận của chồng công vợ. Người được mặc định nhiệm vụ nắm “tay hòm chìa khóa” là vợ, chồng còn tếu táo đùa: vợ là ngân hàng gửi vào thì dễ nhưng rút ra lại khó. Nhưng có những ông chồng cứ khư khư giữ lấy tiền của mình.

YNgVCWza.jpgPhóng to

Ban đầu ai cũng thoải mái với chuyện tiền ai nấy xài, nhưng dần dần... - Minh họa: LAP

Người vợ lại cho rằng chia sẻ tiền nong là chuyện đương nhiên, làm chồng phải biết.

Tiền ai nấy xài

Có những ông chồng ham bia bọt bù khú nên bao nhiêu tiền cũng không đủ “chảy” theo các bữa nhậu. Có ông chồng lại cho rằng khoản chi tiêu trong gia đình chẳng đáng là bao, thu nhập của đàn ông là để tiêu vào những việc lớn lao, trọng đại. Cũng có ông chồng cho rằng khi đưa tiền cho vợ quản lý thì tự dưng mình trở thành đối tượng quản lý của vợ, mất đi “bản lĩnh đàn ông”. Hoặc nhiều ông chồng không am hiểu giá cả thị trường, chẳng biết những chi phí sinh hoạt trong gia đình nên rất khó chịu khi thấy vợ hỏi tiền.

Chị Phương (Đông Hà, Quảng Trị) tâm sự: “Từ khi cưới nhau về đến giờ tôi chưa bao giờ được cầm tiền của chồng. Mọi sinh hoạt phí trong gia đình, quan hệ họ hàng nội ngoại mình tôi cáng đáng hết. Tiền của anh, anh bảo để tích cóp. Khi chỉ là hai vợ chồng son thì mình tôi xoay xở được, nhưng giờ thêm em bé, phát sinh thêm nhiều khoản chi khác nữa thì thật đau đầu. Tôi không muốn vợ chồng sinh sự nhau vì chuyện tiền nong, nhưng cái kiểu phớt lờ của anh ấy thật sự làm tôi mệt mỏi”.

Chị Quyên (nhân viên một công ty cổ phần đầu tư xây dựng) và chồng hiện ở nhờ nhà bố mẹ chị. Thoạt đầu chồng chị cũng tính góp tiền ăn hằng tháng nhưng bố mẹ vợ gạt đi, bảo dành dụm mua nhà. Thu nhập của chị Quyên khá cao nên chị cũng không quan tâm mấy việc chồng có đưa lương hay không. Nhưng đến giờ thằng bé con anh chị đã được 5 tuổi, vợ chồng chị vẫn ở nhờ nhà bố mẹ và chồng mình đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền chị cũng không biết được. Chị ấm ức: “Chồng tôi cứ khư khư giữ tiền như sợ sểnh ra là vợ cướp mất. Tôi có hỏi xem anh để dành được bao nhiêu rồi thì anh cáu bẳn trách tôi tọc mạch. Thú thật tôi rất hoang mang, không khỏi nghi ngờ anh có điều gì giấu giếm”.

Anh Tấn, chồng chị Phương, bộc bạch: “Lương tôi chẳng bao nhiêu, lại đang trả nợ đầu tư mấy vụ làm ăn. Vả lại, đưa tiền cho vợ đến khi có việc cần “xin” lại thì vợ lại tiếc của cằn nhằn, lên lớp”. Anh nói: “Đàn bà mà, đưa tiền về thì không sao nhưng lấy tiền thì khó chịu ra mặt. Nghe mấy bà ở cơ quan than vãn chuyện này suốt nên tôi ớn lắm rồi”.

Còn anh Dũng, chồng chị Quyên, lại bảo vợ mình nghiện mua sắm, càng đưa nhiều tiền chị càng mua sắm nhiều hơn. “Tôi không đưa tiền thì cô ấy sẽ hạn chế mua sắm lại mà lo cho cuộc sống gia đình. Riêng thu nhập của tôi sẽ để dành, khi cần việc gì lớn sẽ dùng”.

Ban đầu chị Quyên cũng như chị Phương đều thấy thoải mái với suy nghĩ tiền ai nấy tiêu, khỏi phải lệ thuộc chồng và gia đình chồng, đến khi phát sinh mâu thuẫn thì ngại va chạm nên cố chịu đựng cho êm ấm. Nhưng rõ ràng “bằng mặt mà không bằng lòng”, người vợ sẽ dằn vặt không hiểu mình thế nào mà chồng mất niềm tin đến độ không đưa tiền, chồng lập “quỹ đen” để làm gì... Những nghi kỵ nhỏ nhặt ngày càng lớn hơn như bóng đen bao phủ lấy cuộc sống gia đình.

Để tình không... bạc như tiền

Các diễn đàn trên mạng như yeucon.net, diendan.eva.vn, webtretho.com, lamchame.com... có rất nhiều chủ đề được mở ra để chị em nhờ tư vấn cách đối phó với những ông chồng “quên” nghĩa vụ.

Nhiều ý kiến cho rằng vợ chồng ngay từ đầu phải thảo luận rõ ràng với nhau về vấn đề tiền nong, trong đó cả hai đều phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với gia đình. Ngoài khoản tiền chung của gia đình thì mỗi người cũng có thể giữ riêng cho mình một khoản để chi tiêu cá nhân.

Thành viên Chickencoi đã chia sẻ trên diễn đàn webtretho: Cách tốt nhất là hai vợ chồng nên tâm sự với nhau, nêu lên các vấn đề để cùng giải quyết, chi tiêu sao cho hợp lý. Trường hợp chồng vẫn không chịu để ý và hay tảng lờ thì cố gắng “lôi kéo” chồng cùng tham gia đi chợ, mua sắm vài lần nhằm giúp chồng hiểu được nhu cầu chi tiêu hằng ngày cũng như giá cả thị trường.

Cô bạn thân của chị Quyên khi nghe bạn tâm sự nỗi ấm ức, bèn khuyên bạn mình nên phân chia các khoản chi tiêu trong gia đình thành những khoản cụ thể, thu nhập hai vợ chồng cứ thế cưa đôi hoặc chia theo tỉ lệ nào đó. Những khoản phát sinh thì cả hai vợ chồng cùng bàn bạc quyết định. Bạn chị Quyên còn chỉ chị cách lập sổ chi tiêu công khai trong gia đình để chồng biết được nhu cầu tài chính mà chia sẻ cùng vợ.

Một chuyên gia tâm lý tư vấn: người vợ hãy tạo hình ảnh là một người biết tiết kiệm, biết chi tiêu để lấy lòng tin nơi chồng. Hãy chia sẻ cùng chồng những dự định trong tương lai để hai vợ chồng cùng tiết kiệm và phấn đấu. Người vợ cũng không nên quản lý tiền nong của chồng chặt chẽ quá. Lạt mềm bao giờ cũng buộc chặt.

MINH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp