Cô giáo Nguyễn Thị Lệ My (bìa phải) và thầy giáo Huỳnh Bảo Thiên (bìa trái) cùng một số học sinh khối 10 giới thiệu về những cuốn sách - kết quả từ dự án truyện dân gian - Ảnh: Xuân Bình |
“Em không đồng tình với kết thúc của truyện Tấm Cám. Tấm cũng có lỗi mà sao chỉ một mình Cám bị trừng phạt?” - Lê Đan Châu, học sinh lớp 10I3 Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (TP.HCM), nói về lý do để nhóm của mình viết tiếp truyện Tấm Cám.
Đây là một trong những hoạt động của “Dự án truyện dân gian” - dạy học theo hướng tích hợp, liên môn do bốn giáo viên trẻ: Nguyễn Thị Lệ My, Nguyễn Thị Mỹ (giảng dạy môn văn), Huỳnh Bảo Thiên, Nguyễn Thị Ngọc Chuyển (giảng dạy môn tin học) thực hiện tại Trường Đinh Thiện Lý.
Nói về việc thực hiện dự án, Đan Châu chia sẻ: “Sự trả thù của Tấm đối với Cám quá kinh khủng và dã man: lừa cho em gái tắm nước sôi để nhận lấy cái chết. Em nghĩ sống ở trên đời cần phải có lòng vị tha. Chưa kể trong truyện bản gốc thì Tấm là biểu tượng của sự hiền lành, nết na...”.
Do vậy, nhóm của Châu đã cho ra đời tác phẩm Vụ án xuyên thời gian với cách hành văn như một câu chuyện trinh thám thực thụ bằng những tình tiết gay cấn, đầy kịch tính.
Câu chuyện dẫn dắt người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với mạch truyện là hành trình đi tìm sự thật của một công tố viên. Để đến kết truyện, Tấm và Cám hiểu nhau và biết thương nhau, hóa giải mọi hận thù.
Cám trả thù
“Từ đầu năm tới giờ tụi em đã và đang làm bốn dự án khác nhau thuộc liên môn lý - tin học, hóa - tiếng Anh, và môn công nghệ... Tuy nhiên tụi em cảm thấy vui nhất khi làm dự án truyện dân gian vì được sáng tạo nhiều nhất, nghĩ sao viết vậy chứ không cần phải theo khuôn khổ kiến thức như môn lý, hóa” - đó là câu trả lời giống nhau của các học sinh khối 10 Trường Đinh Thiện Lý khi chúng tôi hỏi về dự án. |
Trong khi đó, cũng với giả thuyết như nhóm của Đan Châu nhưng nhóm của Nguyễn Thị Thùy Minh (lớp 10I3) lại viết câu chuyện của mình như một tiểu thuyết tâm lý - tình cảm: “Tụi em bàn với nhau mỗi người một ý: nếu Cám chết thì câu chuyện trớt huớt”.
Có bạn cảm thán: “Hành động của Tấm dã man quá. Phải cho Cám sống chứ”.
Rồi mấy đứa tự hỏi nhau: “Nếu Cám sống thì làm sao như xưa được, bị giội nước sôi mà” - “Vậy thì khuôn mặt Cám phải thay đổi xấu xí hơn xưa” - “Như thế Cám sẽ rất hận chị mình” - “Ôi, hận thì phải trả thù chứ”. Và nhóm “Linh - Dương - Ân - Hận - Thông - Minh” đã cho ra đời tác phẩm Sự trở lại của Cốm dày gần 100 trang theo đúng những tình tiết đã bàn.
Minh giới thiệu: “Tụi em đã thống nhất lấy mạch truyện là sự mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu để cho Cám trả thù Tấm. Sau khi bị giội nước sôi Cám được hoàng thái hậu cứu sống và hai người liên kết với nhau để hại Tấm, làm cho Tấm khổ sở, đau đớn hết phen này đến phen khác. Tuy nhiên, nhóm tụi em vẫn giữ cốt truyện dân gian với kết thúc phải có hậu: cả Tấm và Cám đều được hưởng hạnh phúc sau nhiều biến cố”.
Theo cô Nguyễn Thị Lệ My - giáo viên môn văn Trường Đinh Thiện Lý: “Dự án truyện dân gian đã được thực hiện tại Trường Đinh Thiện Lý cách đây hai năm. Lúc ấy chỉ một mình tôi hướng dẫn học sinh nên không đạt được kết quả như ý.
Từ đầu năm học 2014-2015 dự án được triển khai cho tất cả học sinh khối 10 (131 em), lần này có thêm ba giáo viên nữa cùng trực tiếp giảng dạy, định hướng cho học sinh. Dự án là sự kết hợp của hai bộ môn ngữ văn và tin học.
Ở bộ môn văn, các em được trang bị kiến thức văn học dân gian và kỹ năng viết văn tự sự. Ở bộ môn tin học, các em sẽ được làm quen với phần mềm thiết kế, phần mềm làm phim, kỹ năng soạn thảo văn bản...
Học sinh sẽ dựa vào kiến thức văn tự sự và văn học dân gian để viết tiếp các câu chuyện dân gian (từ hai truyện: An Dương Vương và Mỵ Châu - Trọng Thủy, Tấm - Cám trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 10).
Từ câu chuyện đã sáng tác đó, học sinh sẽ soạn thảo thành văn bản và thiết kế thành sách truyện có nội dung, hình ảnh minh họa, một đoạn video khoảng hai phút và một poster giới thiệu sách”.
Sự sáng tạo không bờ bến
“Sau mười tuần, thành quả thu được vượt lên trên sự mong đợi của giáo viên” - nói như giáo viên Huỳnh Bảo Thiên. 24 nhóm xuất bản 24 cuốn sách với cách trình bày bìa, hình ảnh minh họa đẹp mắt và khá hấp dẫn theo đúng tiêu chí tự thiết kế chứ không được tải trên mạng xuống.
Các truyện được trình bày rõ ràng theo từng chương cho độc giả dễ theo dõi. Còn nội dung thì: “Tôi rất bất ngờ bởi sự sáng tạo không bờ bến của các em. 24 tác phẩm là 24 hướng phát triển câu chuyện khác nhau theo suy nghĩ của những người trẻ, hiện đại.
Ví dụ, từ truyện Tấm Cám, có nhóm đã viết về sự trăn trở, dằn vặt của Tấm sau khi giội nước sôi lên người Cám. Với khát vọng hướng thiện, Tấm luôn mong muốn được đưa Cám trở về nhân gian. Nhờ sự trợ giúp của Bụt, Tấm đã vượt qua muôn vàn thử thách để đi tìm cây cỏ bảy lá và hội ngộ với Cám. Nhóm khác lại cho Tấm đi phiêu lưu, lạc vào rừng sâu rồi gặp nạn. Có nhóm cho Tấm đi lạc sang Trung Quốc...”.
Đọc các tác phẩm của học sinh, chúng tôi thấy một điểm giống nhau đó là tinh thần hướng thiện, là mong muốn một xã hội tốt đẹp, người với người đối xử với nhau tốt hơn, công bằng hơn. Có lẽ vì thế mà hầu hết truyện đều kết thúc có hậu.
Như nhóm học sinh lớp 10I2 với tác phẩm Khôi Vĩ: cho nàng Mỵ Châu hóa thân thành chàng trai Khôi Vĩ, quay trở lại phục thù và giành lấy đất nước Âu Lạc đã mất. Cuối cùng, ngoài mục đích giành lấy Âu Lạc, sự yêu thương của Mỵ Châu còn hóa giải được mối tình thù giữa nàng và Trọng Thủy.
Hoặc tác phẩm Giấc mơ điềm báo cũng vậy: việc An Dương Vương bị mất nỏ thần, bị giặc truy đuổi và giết Mỵ Châu chỉ là một... giấc mơ của Mỵ Châu. Khi Mỵ Châu tỉnh dậy cũng là lúc Trọng Thủy bước vào hỏi về cây nỏ thần.
Mỵ Châu đã kể về giấc mơ của mình cho chồng nghe và Trọng Thủy đã thú nhận sự thật về âm mưu của cha mình. Bằng tình yêu chân thành, cả hai đã cùng bàn tính kế hoạch để tránh được chiến tranh, giữ được sự hòa hiếu giữa hai nước.
Để học sinh được trải nghiệm “Quá trình thực hiện dự án truyện dân gian là dịp để học sinh trải nghiệm các vai trò xã hội: nhà văn, nhà thiết kế, nhân viên nhà xuất bản, nhà phê bình văn học, nhà làm phim, nhân viên in ấn... Mục tiêu của dự án vừa giúp các em vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn vừa giúp các em phát triển các kỹ năng mềm, đồng thời hình thành thái độ trân trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân gian của dân tộc. Các giáo viên sẽ chấm điểm nội dung các cuốn sách để lấy điểm kiểm tra 1 tiết môn văn, cách trình bày cuốn sách để lấy điểm kiểm tra 1 tiết, chấm điểm các poster và đoạn phim để lấy điểm kiểm tra 15 phút môn tin học”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận