Nhóm các cựu danh thủ của Real Madrid gọi điện tán dóc trên Instagram - Ảnh: Instagram
Mạng xã hội là kênh quan trọng để người hâm mộ tiếp cận với các ngôi sao giải trí. Tuy nhiên, đó không thực sự là "bộ mặt thật" bởi các tài khoản Facebook, Twitter, Instagram, cũng như nhất cử nhất động của các ngôi sao trước công chúng đều do người quản lý/người đại diện thực hiện.
"Nhưng trong mùa cách ly này, các VĐV ngôi sao đều không còn bị giám sát chặt chẽ bởi những nhân viên truyền thông của CLB nữa. Họ được tùy ý sử dụng kênh truyền thông của mình và thoải mái nói về những chủ đề khác nhau theo cách chúng ta chưa từng thấy trước đây" - Boris Helleu, một chuyên viên chiến lược kỹ thuật số trong giới thể thao, nhận xét.
Một cái tên nổi bật nhất trên mạng xã hội thời gian qua là Karim Benzema - tiền đạo người Pháp có 33 triệu người theo dõi trên Instagram. Và khi Benzema bắt đầu đăng tải các đoạn video bình phẩm về... đủ thứ chuyện trên đời của anh lên YouTube, tài khoản có tên Nueve Live của anh nhanh chóng thu hút đến 130.000 người xem trực tiếp.
Benzema gây ra nhiều tranh cãi, nhưng cũng khiến nhiều người thích thú vì giọng điệu hài hước khi bình luận về các vấn đề chính trị hay câu chuyện anh bị loại khỏi đội tuyển Pháp.
Một trong số những bình luận "gây bão" của Benzema là câu nói mỉa mai dành cho tiền đạo đồng hương Olivier Giroud. "Mọi người đều biết sự khác biệt giữa xe F1 và xe điện, tôi là F1", Benzema nói. Và Giroud cũng sớm trả đũa: "Tôi là xe điện à? Ừ, là một chiếc xe điện vô địch thế giới (ngụ ý việc Giroud vô địch World Cup cùng tuyển Pháp, trong khi Benzema bị loại khỏi đội)".
Trong khi đó, đội ngũ những huyền thoại "galaticos" đời đầu của Real Madrid khiến người hâm mộ của họ một phen nức lòng với cuộc "tụ tập" trò chuyện trực tuyến trên Instagram. Người khởi xướng là Ronaldo "béo" và anh đã kêu gọi được các đồng đội cũ tham gia gồm Luis Figo, Roberto Carlos, David Beckham, Iker Casillas. Cả năm đã thẳng thắn kể nhiều câu chuyện đời tư thú vị dưới sự theo dõi của hàng chục ngàn người.
Những tay vợt hàng đầu thế giới cũng tranh thủ "tâm tình". Djokovic tỏ ra là người sắc sảo nhất khi bình phẩm về chính trị, kinh tế với độ am hiểu nhất định. Còn Nadal bị gọi là "thảm họa" vì lộ điểm yếu... mù công nghệ khi tìm cách trò chuyện qua Instagram với Roger Federer và Andy Murray.
Nhưng hấp dẫn nhất có lẽ là màn chơi game eSports (thể thao điện tử) kéo dài ròng rã 24 giờ do Antoine Griezmann khởi xướng cùng với sự tham dự của Paul Pogba và Ousmane Dembele. Kết quả những tuyển thủ kiêm "game thủ" của tuyển Pháp đã quyên góp được 31.600 USD cho Hội Chữ thập đỏ nhờ việc chơi game trực tuyến.
"Nhiều VĐV đang chứng minh sự sai lầm của định kiến rằng các ngôi sao thể thao chỉ biết tập luyện và thi đấu. Họ cũng có cá tính, khiếu hài hước và những ý kiến về xã hội. Trước đây, các VĐV thường chỉ thể hiện tiếng nói qua kênh truyền thông chính thống, nhưng bây giờ thì khác", ông Helleu nói.
UEFA chia 236,5 triệu euro cho các liên đoàn
LĐBĐ châu Âu (UEFA) mới đây đã thông báo về khoản 236,5 triệu euro hỗ trợ trong mùa đại dịch cho 55 liên đoàn quốc gia thành viên (mỗi liên đoàn nhận được 4,3 triệu euro). Để có được số tiền khổng lồ này, UEFA đã thành lập một chương trình gây quỹ mang tên HatTrick từ năm 2004 và họ ước lượng đến năm 2024 sẽ có tổng cộng 2,6 tỉ euro.
Trước đó, FIFA cũng thông báo sẽ hỗ trợ 211 liên đoàn bóng đá thành viên số tiền 150 triệu USD (khoảng 138,5 triệu euro).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận