100.000 lọ Thiotepa quá hạn được sử dụng cho các bệnh nhân ung thư ở Thụy Sĩ và Pháp từ năm 2007-2011 - Ảnh: MAXPPP
Kỳ 1: 7 năm chưa xong vụ kiện
Tháng 3-2011, gia đình ông Patrick Saint-Aubin đưa con gái Tacia 5 tuổi bị ung thư đến điều trị tại Viện Gustave-Roussy ở tỉnh Val-de-Marne (Pháp). Họ đặt hết hi vọng vào các bác sĩ.
Nhưng phải đến tháng 11-2011 khi báo chí phanh phui họ mới bật ngửa.
Ông Patrick nói: "Các bác sĩ thừa nhận cho con gái chúng tôi dùng thuốc Thiotepa quá hạn. Các doanh nghiệp dược hám lợi đã coi thường sức khỏe con gái tôi".
Nếu đúng như thế thì thuốc quá hạn Thiotepa quả là vấn đề nghiêm trọng
XAVIER BERTRAND (bộ trưởng y tế Pháp)
100.000 lọ thuốc bán sang Pháp
Vụ án Thiotepa gây chấn động Pháp và Thụy Sĩ vì rất nhiều bệnh viện nhập thuốc Thiotepa quá hạn. Thế nhưng vụ án kéo dài đã bảy năm nhưng đến nay Pháp và Thụy Sĩ vẫn chưa giải quyết rốt ráo.
Thuốc Thiotepa điều trị các bệnh ung thư vú, buồng trứng, bàng quang và một số bệnh ung thư trẻ em. Thuốc do Hãng dược phẩm Riemser của Đức sản xuất, có hạn sử dụng ngắn (chỉ 18 tháng).
Năm 2011, Riemser bất ngờ phát hiện nhiều lọ Thiotepa quá hạn không đủ hoạt chất lưu hành trên thị trường. Dư luận xôn xao bởi lâu nay chuyện bán thuốc quá hạn chỉ xảy ra ở châu Phi chứ rất hiếm tại các nước phát triển châu Âu.
Kết quả điều tra cho thấy Hãng Riemser chuyển thuốc Thiotepa cho Công ty Alkopharma ở Thụy Sĩ đóng gói. Song Alkopharma lại sửa hạn sử dụng thuốc kéo dài thêm đến bảy năm rồi phân phối ở Thụy Sĩ và chuyển thuốc cho Công ty Genopharm ở Pháp phân phối tại Pháp.
Hai công ty Alkopharma và Genopharm cùng chung một tập đoàn. Hai chủ công ty lại có quan hệ cậu cháu với nhau.
Theo điều tra của Viện Dược phẩm Thụy Sĩ, trong bốn năm từ 2007-2011, Công ty Alkopharma đã phân phối hơn 100.000 lọ thuốc Thiotepa quá hạn gồm 2.119 lọ (trị giá 176.000 euro) bán cho các bệnh viện Thụy Sĩ và 98.820 lọ bán ở thị trường Pháp (trị giá 3.278.425 euro).
Tại Thụy Sĩ, chỉ riêng Bệnh viện Đại học Berne đã tiếp nhận 1.452 lọ thuốc Thiotepa quá hạn. Hơn 50% bệnh nhân sử dụng thuốc là trẻ em.
Con gái của vợ chồng ông Patrick Saint-Aubin đã bị bệnh viện cho dùng thuốc Thiotepa quá hạn - Ảnh: Le Matin
Điều tra của Pháp
Tại Thụy Sĩ, đây là vụ tai tiếng lớn nhất về dược phẩm từ trước đến nay. Song kết quả điều tra lại kết luận không tìm thấy yếu tố nghi ngờ Công ty Alkopharma làm giả thuốc điều trị ung thư Thiotepa.
Trong phiên tòa vào tháng 6-2016, một nữ nhân viên của Alkopharma phụ trách dây chuyền hậu cần bị kết án làm giả hạn sử dụng của một số lô thuốc Thiotepa và không quản lý được khâu đóng gói sản phẩm, còn chủ công ty bị kết án thiếu tinh thần trách nhiệm.
Cuối cùng tòa tuyên bốn người của Alkopharma phải nộp tiền thay vì ngồi tù. Viện Dược phẩm Thụy Sĩ đã đề nghị kháng án với lý do tòa xử quá nhẹ và không kết tội gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Công ty Alkopharma sau đó đã phá sản.
Còn tại Pháp, nhà sản xuất Riemser của Đức đã kiện Công ty Genopharm ra tòa. Tháng 11-2011, Viện Công tố Paris đã mở cuộc điều tra về tội lừa dối nghiêm trọng, làm giả thuốc trị bệnh, làm và sử dụng hàng giả.
Kết quả xét nghiệm của Cơ quan Quốc gia về an toàn dược phẩm và sản phẩm y tế cho thấy một số thuốc Thiotepa quá hạn không đủ hoạt chất điều trị. Một số lô thuốc Thiotepa đã bị rút khỏi thị trường.
Vài tháng sau, các chuyên gia khoa học khẳng định thuốc Thiotepa quá hạn không ảnh hưởng đến mạng sống các bệnh nhi. Đến tháng 8-2016, giai đoạn điều tra kết thúc nhưng chưa rõ vụ án có được chuyển sang tòa án hay không.
Hãng Riemser bị kiện ngược
Trong hai người bị điều tra ở Pháp có ông Valéry Monin (năm nay 54 tuổi), chủ cũ của Công ty Genopharm. Công ty Genopharm với 250 nhân viên đóng cửa từ năm 2011. Tài sản và uy tín của ông bị hao tổn.
Ông khẳng định Genopharm vô tội nên năm 2011 đã kiện ngược nhà sản xuất Riemser về tội lừa đảo nghiêm trọng, khai báo gian dối và vu khống. Hồ sơ không được giải quyết vì thiếu chứng cứ.
Đến tháng 3-2018, ông tiếp tục kiện với lập luận các chuyên gia tư pháp đã phân tích về hóa học và không tìm thấy mối liên hệ nhân quả giữa hành vi sửa hạn sử dụng thuốc với hoạt chất giảm trong thuốc Thiotepa. Từ đó ông quy kết rõ ràng Hãng Riemser đã có lỗi trong sản xuất.
Ông Valéry Monin khẳng định không biết thuốc Thiotepa là thuốc quá hạn vì Công ty Genopharm là nơi mua đi bán lại nên chỉ kiểm tra giấy phép lưu hành kèm theo thuốc mà thôi.
Người có thể minh oan cho ông là dược sĩ phụ trách nhãn thuốc của Genopharm đã qua đời không lâu sau vụ thuốc Thiotepa quá hạn bùng nổ.
Luật sư của Hãng Đức Riemser khẳng định ông Valéry Monin kiện không có căn cứ, thuốc Thiotepa không đủ hoạt chất do đã quá hạn chứ không phải do lỗi sản xuất của Riemser.
Luật sư giải thích kết quả xét nghiệm cho thấy thuốc Thiotepa quá hạn giảm từ 10%-20% hoạt chất so với thuốc gốc vì một phần hoạt chất đã bị lớp cao su của lọ thuốc hấp thụ, chính vì vậy Hãng Riemser mới quy định hạn sử dụng thuốc tương đối ngắn, chỉ trong 18 tháng.
Vụ án thuốc Thiotepa quá hạn đến nay vẫn "giậm chân tại chỗ". Vấn đề quan trọng là vẫn chưa biết có bao nhiêu bệnh nhân dùng thuốc Thiotepa quá hạn bị ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thế nào là ?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một sản phẩm y tế là giả khi biểu thị dối trá về đặc tính hoặc nguồn gốc liên quan đến sản phẩm, gia công hoặc mọi thông tin khác về bao bì hay nhãn hiệu.
Tháng 5-2017, WHO đã chính thức thay thế các thuật ngữ thuốc "kém tiêu chuẩn/ lậu/ giả mạo/ giả nhãn hiệu/ làm giả/ sao chép" bằng thuật ngữ thuốc "kém chất lượng và làm giả".
Liên quan đến hạn sử dụng thuốc, WHO khuyến cáo nên nhận dạng thuốc giả bằng cách xem ngày sản xuất và hạn sử dụng, so sánh ngày ghi trên vỏ ngoài của thuốc phải phù hợp với bao bì bên trong.
________
Kỳ tới: Hai bà mẹ can trường
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận