Với không ít nhà, bữa cơm là thời khắc ấm áp để các thành viên gắn kết, chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống, cha mẹ lắng nghe tâm sự của con cái, chồng vợ kể cho nhau nghe việc cơ quan…
Nghe đơn giản nhưng việc duy trì bữa cơm gia đình như một thói quen với đầy đủ các thành viên dường như ngày càng khó trong cuộc sống hối hả.
Thiên chức đè nặng đôi vai phụ nữ
Ái tình ngoài hôn nhân mở màn với hình ảnh Ngọc (Mỹ Uyên đóng) tan giờ làm, không kịp thay quần áo đã vội vội vàng vàng lao vào bếp nấu nướng. Tay làm mà mắt cứ canh đồng hồ sợ không kịp hoàn thành bữa cơm tối.
Đổi lại sự hối hả chạy đua với thời gian của người vợ, người mẹ là sự thờ ơ của cô con gái đang mải lướt mạng vì cô thấy chuyện ăn uống chẳng có gì quan trọng, con trai thì bảo ai cũng có việc khó mà ăn cơm chung.
Còn anh chồng (Trọng Hiếu) tối mịt mới về trong hơi men. Tình trạng đó kéo dài khiến người vợ cảm thấy bức bối và cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.
Và một ngày, cô đã "bùng nổ", bởi mong muốn cả gia đình đầm ấm trong bữa ăn lại trở thành điều… vô lý, gánh nặng với chồng con. Không ai để ý chia sẻ tâm tư của Ngọc. Mọi người đã quen với việc ỷ lại vào người vợ, người mẹ, áp đặt cho họ thiên chức, trách nhiệm và bổn phận phải chu toàn, chăm sóc gia đình.
Và khi họ muốn thay đổi, làm cuộc "cách mạng", họ trở nên kỳ dị trong mắt các thành viên khác… Tất cả sự nỗ lực của Ngọc đã không được gia đình ghi nhận. Cô mệt mỏi và cảm thấy sự hy sinh của mình là vô nghĩa, bi kịch từ đó cũng xảy ra…
Xem kịch, rất nhiều người phụ nữ thấy bóng dáng của mình trong đó.
Lằn ranh nguy hiểm của đời sống hôn nhân
Ái tình ngoài hôn nhân là kịch bản của tác giả Lê Thu Hạnh, từng được Đoàn kịch nói Hải Phòng dàn dựng. NSƯT Mỹ Uyên, giám đốc nhà hát, cho biết tiếp nối truyền thống của "thương hiệu" sân khấu nhỏ 5B trước đây, mỗi năm nhà hát cố gắng dàn dựng một vở diễn chính kịch, có tính thể nghiệm một cách nghiêm túc dù biết vở có thể kén khán giả.
Lần này chị giữ luôn vai trò đạo diễn dàn dựng cùng với Quốc Thịnh. Vở nhiều lời thoại mang tính triết lý, phản ánh đời sống gia đình nhưng chạm đến những vấn đề xã hội mà nhiều người quan tâm nên quá trình tập vở kéo dài đến hơn hai tháng.
So với kịch bản gốc mang tên Đường chân trời, ê kíp nhà hát 5B đã bổ sung nhân vật ông Đồng Hồ. Nhân vật đặc biệt này xuất hiện để đối thoại, cật vấn từng thành viên, để họ suy gẫm về trách nhiệm của mình với gia đình.
Trong vở diễn, đã có rất nhiều cuộc đối thoại gay gắt giữa các nhân vật. Thể loại kịch như thế lại là một thử thách của ê kíp để mỗi cuộc đối thoại khiến người ta thấm thía, chứ không sa vào kiểu "nói đạo lý". Điều này đòi hỏi qua mỗi suất diễn, ê kíp phải nỗ lực nhuần nhuyễn để ý tứ mỗi lời thoại tác động sâu hơn vào người xem.
Mỹ Uyên không chỉ là đạo diễn mà còn gánh vai diễn chính, vì vậy trọng trách của chị trong vở rất nặng. Nhưng có lẽ người xem vẫn còn kỳ vọng nhân vật Ngọc của chị thuyết phục hơn. Ngọc từ một phụ nữ toàn tâm toàn ý cho gia đình bỗng thay đổi chóng mặt dường như quá vội khiến người xem… ngơ ngác.
Tuy nhiên, trên tất cả việc cố gắng dàn dựng một vở chính kịch, không hài nhảm câu khách là điều đáng ghi nhận của Nhà hát kịch 5B. Vở không chỉ là câu chuyện đơn giản về bữa cơm gia đình mà ở đó còn là những vấn đề của mỗi cá nhân trong cuộc sống hôm nay.
Như thế nào là hạnh phúc? Sự sao lãng, không trân trọng giá trị gia đình sẽ tạo ra hệ lụy gì? Và trong đời sống hôn nhân, có những lằn ranh cực kỳ nguy hiểm mà khi lỡ bước qua sẽ khó cứu vãn…
Cùng với Mỹ Uyên, Ái tình ngoài hôn nhân còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ Quốc Thịnh, Hạnh Thúy, Thu Hiền, Khánh Đăng, Phương Linh… Vở được sắp lịch diễn vào các ngày cuối tuần tại Nhà hát kịch 5B.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận