03/04/2004 06:02 GMT+7

Khi "anh hùng sân trường" gặp... hiệp sĩ đường phố

CÙ MAI CÔNG ghi
CÙ MAI CÔNG ghi

TT - Đây là buổi gặp gỡ đặc biệt giữa 20 sĩ quan, chiến sĩ cảnh sát hình sự (CSHS), trinh sát trẻ với 45 HS từng có nhiều kinh nghiệm “uống nước trà” với... giám thị.

VjNonNOv.jpgPhóng to
Tất cả đã ngồi với nhau như những người bạn cùng trang lứa - Ảnh: C.M.C.

Buổi gặp gỡ do chi đoàn phòng CSHS TP.HCM và Đoàn Trường THPT Bán công Marie Curie (TP.HCM) tổ chức tuần qua.

Đối thoại thay đối đầu

Những phút đầu tiên, 45 gương mặt HS có mặt hôm ấy đã tự “thủ thế” bằng cách dồn xuống hai dãy bàn cuối và ngay lập tức tìm cách chứng minh “bản lĩnh” của mình: phanh áo ngực, ném bánh từ dãy này sang dãy kia cho “chiến hữu”, lăn chai nước lông lốc trên mặt đất...

Có bạn khoe cả những chiếc nhẫn to sù ở ngón tay cái (một thể hiện sành điệu?!), rồi những mái đầu được cắt tỉa theo môđen đủ kiểu; có gương mặt còn nguyên vết băng bó không rõ vì sao...

Một thái độ mà hẳn không ai lại không ngầm hiểu: họ đã chuẩn bị một cuộc đối đầu bằng sự phản kháng cố hữu của lứa tuổi mới lớn. Thái độ chống đối cũng dễ hiểu khi bảng “thành tích” của giám thị cho thấy đây đều là những HS có cá tính mạnh với những hành động ngông nghênh nổi tiếng khắp trường: “tính tình hung hăng, hay dùng bạo lực để đùa giỡn” (!); “đánh bài ăn tiền”; “đánh bạn gây thương tích”; “có hiện tượng cá độ bóng đá ăn tiền”...

Để đối đầu lại, thật bất ngờ đối với tất cả cử tọa khi những gương mặt trẻ CSHS, trinh sát vốn đã và đang làm những hiệp sĩ thật sự trên đường phố để “trừ gian, diệt bạo” đã tràn vào, xen kẽ giữa chỗ ngồi của HS, trao tặng những cành hoa hồng rất tươi như một thông điệp “hòa bình”. Những cuộc tâm sự rủ rỉ “tay đôi tay ba” đã diễn ra tự nhiên ngoài dự đoán.

Có “đôi bạn” đã rủ rỉ hơn hai giờ suốt từ đầu buổi đến cuối buổi như trung úy CSHS Minh Huy với một thành viên “đặc biệt” thuộc lớp 11A2. Cuối buổi, thành viên này tiết lộ: “Ảnh chỉ hỏi thăm mình chuyện học hành, gia đình... Hiền khô hà, vậy mà tưởng CSHS là ghê lắm”...

Đi tìm chân dung... anh hùng

“Hai nam sinh đánh nhau vì một... nữ sinh”, trung úy Trần Ngọc Đoàn đã hỏi thẳng một bạn gái có mặt trong buổi gặp gỡ: “Nếu là bạn, bạn sẽ chọn bạn trai đánh thắng hay thua?” và cô bạn này trả lời “đanh thép”: “Không chọn ai cả! Chẳng hay ho, anh hùng gì chuyện này!”.

Thật ra, với không ít bạn có mặt ở đó thì khái niệm muốn thành “anh hùng” khá đơn giản, như chính một bạn nêu lý do “vì ngó mặt thấy ghét” nên đã “uýnh” một người bạn khác. Theo lời kể của bí thư chi đoàn phòng CSHS TP - đội phó đội trọng án của phòng, đó cũng là lý do cuộc chiến giữa hai nhóm bạn trẻ của một phường ở quận 4 và một phường ở quận 1.

Họ chuẩn bị ống sắt, dao, gậy..., “trước đó nghênh nhau trong quán nước vì ngó mặt thấy ghét”. Chỉ vậy thôi nhưng 11 đối tượng đã bị tạm giữ, trong đó có cả HS.

“Anh hùng gì ở đây?” là câu hỏi tranh luận của trung úy Trần Ngọc Đoàn với một nam sinh đã cùng bạn bè đánh hội đồng một bạn khác.

Giọng trung úy Đoàn trầm xuống như tâm sự: “Xét về mặt giang hồ, điều đó không anh hùng, không quân tử; xét về mặt luật pháp, dù chỉ “một chơi một”, nếu tỉ lệ thương tật nạn nhân từ đủ 11% là “anh hùng cá nhân” kia sẽ buộc các “hiệp sĩ” phải bắt giữ bằng mọi biện pháp để có thể truy tố về tội cố ý gây thương tích”. Chỉ với những chuyện quá nhỏ như thế; hoặc cố tìm cách chứng minh “bản lĩnh anh hùng” bằng chơi ma túy, thuốc lắc..., tương lai những “anh hùng” đó sẽ đi về đâu?

Có mặt tại buổi gặp gỡ, trung tá Nguyễn Hữu Toàn, Phó phòng CSHS TP, công bố một kết quả không vui về số phận của hơn 1.000 “anh hùng” tuổi vị thành niên trong năm 2003 có những hành vi trái pháp luật (như đánh nhau gây thương tích, sử dụng ma túy, cướp giật...), gần một nửa số đó đã bị khởi tố, bắt giam. Anh cho biết thêm: HS không thể nằm ngoài vòng luật pháp của xã hội và từ 16 tuổi trở lên đã phải chịu một phần trách nhiệm hình sự rồi.

Thật ra buổi đối thoại cũng không qui kết một chiều. Cả trung tá Nguyễn Hữu Toàn lẫn đại diện ban giám hiệu Trường Marie Curie cũng băn khoăn nêu ra một thực tế: nhiều bạn trẻ quậy phá, cá biệt, vi phạm pháp luật vốn được sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh gia đình “bất túc” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng (mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ; gia đình bất hòa; cha mẹ chỉ lo làm ăn...).

Một sĩ quan CSHS đã nêu ra suy nghĩ của mình và hẳn nhà trường cũng đồng ý: nhà trường nên hạn chế tối đa việc đuổi học một HS, vì như thế chẳng khác nào đẩy các em ra đường, cùng với mặc cảm và sự thiếu giáo dục càng làm tăng thêm nguy cơ xã hội phải đón nhận thêm một phần tử đặc biệt. Và như thế gánh nặng trách nhiệm đã được đặt một phần lên vai các thầy cô.

Buổi gặp gỡ thú vị này đã là biểu hiện tích cực trong việc tham gia cảm hóa tâm lý HS của Trường Marie Curie. Một giáo viên cho biết ngoài thầy cô giáo, giáo viên chủ nhiệm, nhà trường còn có hơn 20 giám thị chuyên trách tìm hiểu, theo dõi tình hình đạo đức HS; và nhà trường đang hướng tới một phòng tư vấn tâm lý cho HS trong thời gian tới...

Mong muốn của trung tá Nguyễn Hữu Toàn là một lời nhắn nhủ HS: “Muốn thành anh hùng, điều ấy thật tốt đẹp. Nhưng phải là anh hùng thật sự. Tại sao các bạn không nghĩ đến một ngày nào đó các bạn sẽ trở thành CSHS, trinh sát hình sự để tha hồ thi thố tài năng, trừ gian diệt bạo. Mà anh hùng hôm nay cũng phải có trình độ, học vấn và đạo đức...”. Hẳn đó cũng là mong muốn của nhiều gương mặt học trò trong một buổi chiều chắc chắn sẽ là một kỷ niệm khó quên của họ...

CÙ MAI CÔNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp