Quấy rối tình dục là một vấn đề về giới phổ biến mà đại đa số mỗi người đều từng có trải nghiệm liên đới - là người từng trải qua hoặc là người cố ý, vô tình thực hiện.
Với sự bùng nổ của mạng xã hội, một không gian giao tiếp mới và phổ biến được mở ra, nơi những thảo luận được nêu lên, những trao đổi được diễn ra tức khắc. Đi kèm với đó, quấy rối tình dục bằng lời nói trên không gian mạng cũng có tình trạng gia tăng.
Tổn thương thật từ bình phẩm ảo
Đ.V.N.Thảo (27 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) hiện là giáo viên dạy tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ. Ngoài thời gian dạy trực tiếp, cô được trung tâm lựa chọn làm gương mặt truyền thông, thường xuyên xuất hiện trên các đoạn video hướng dẫn trên mạng xã hội.
Chuyện sẽ là bình thường nếu như hằng ngày, dưới phần bình luận mỗi video, Thảo không phải nhận những lời khen khiếm nhã về ngoại hình của mình.
"Mặc dù tôi cố hết sức để lên nội dung bài giảng hấp dẫn nhưng chẳng mấy ai quan tâm đến việc đó. Ở dưới bài đăng hầu như là bình luận về hình thể của tôi, cả những câu rất khiếm nhã như: "Đi học thế này thì chỉ mải nhìn cô giáo thôi","Cô giáo mlem quá em không tập trung được"...
Thậm chí, nhiều người còn hỏi tôi có phải cô giáo Thảo trong truyện không? Đó là bình luận hết sức vô duyên và khiếm nhã" - Thảo tâm sự.
Không chỉ phụ nữ, nam giới cũng có thể trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục trên mạng.
Hữu Đang (21 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, có một thời gian anh thấy sợ đăng hình lên mạng vì không muốn nhận về những lời bình phẩm khó chịu.
Đang kể ngày trước rất gầy nên anh đi tập gym để tăng cơ, giúp cơ thể khỏe hơn. Trong quá trình đó, anh thường đăng tải hình ảnh trước và sau thời gian tập gym. Thế nhưng không biết vì sao những hình ảnh đó được lan truyền, thu hút hàng trăm lượt bình luận từ người lạ.
"Đọc nhiều lời tưởng chừng là khen của họ mà tôi thấy nóng mặt khi các bạn nhắc tới chuyện tình dục, tới các bộ phận nhạy cảm của tôi. Chưa bao giờ gặp tình trạng này nên tôi phải ẩn các bài đăng đó đi" - Đang kể lại.
Khen ngợi không khiến bạn bất an, quấy rối tình dục thì có
Có thể thấy, lời nói được cho là ảo trên mạng xã hội có thể trở thành "công cụ hữu dụng thật sự" để làm tổn thương người khác.
Không thể phủ nhận, nhiều người cảm thấy căng thẳng và bất an với những lời bình phẩm khiếm nhã, trong khi người nói lại luôn khoát tay xuề xòa: chỉ là khen thôi mà!
Thế nhưng, cũng đã đến lúc lập ra một ranh giới rõ ràng giữa khen ngợi và quấy rối tình dục.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Vân Anh - giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) - nhận định hiện nay rất nhiều người cho rằng khi được khen, ca ngợi thì không được gọi là quấy rối tình dục.
Nhưng với những lời khen không đúng chỗ, không đúng lúc và không đúng mức độ, đó chính là hình thức quấy rối tình dục khi đã làm cho người nghe khó chịu.
"Cách tốt nhất là giữ chừng mực trong giao tiếp. Khi đang làm công việc gì, người nói chỉ nên trao đổi đúng về công việc đó.
Đặc biệt nói về nam giới, nữ giới trong mọi độ tuổi, cần phải lựa chọn, sử dụng ngôn từ cẩn thận đúng với vị trí, mối quan hệ. Không thể dùng những lời khen đụng chạm đến giới tính" - bà Vân Anh nói.
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Tô Anh Đức cũng đưa ra quan điểm, để loại bỏ hoàn toàn việc quấy rối tình dục, cần đề cao sự ứng xử văn minh.
"Không chỉ trong các cuộc giao tiếp giữa người nam và người nữ, mà cả trong những cuộc hội thoại vắng bóng đối tượng nữ hoặc nam, chúng ta đều không được bình phẩm khiếm nhã về họ như một khái niệm "Vật hóa" (Objectification) và "Tình dục hóa" (Sexualization)" - anh Đức nói.
Nghiên cứu trải nghiệm quấy rối tình dục của nữ sinh các trường đại học tại thành phố Đà Nẵng của thạc sĩ Lê Thị Lâm chỉ ra: hơn 73% nữ sinh từng có trải nghiệm bị bình phẩm nhạy cảm về cơ thể. Tương tự, hơn 73% có trải nghiệm quấy rối tình dục qua tin nhắn, email.
Cũng trong một khảo sát thuộc nghiên cứu "Quấy rối tình dục trong thanh thiếu niên ở trường học" do ISDS, TFCF và Actionaid thực hiện, 60% thanh thiếu niên đã ít nhất một lần bị quấy rối tình dục và 50% thanh thiếu niên bị tổn thất về sức khỏe tinh thần sau khi bị quấy rối tình dục.
Một kết quả khảo sát của Microsoft về chỉ số văn minh trên mạng năm 2020 cũng xếp Việt Nam đứng thứ 5 trên tổng số 25 quốc gia có hành xử không văn minh trên môi trường Internet. Trong đó, các rủi ro phổ biến trên không gian mạng tại Việt Nam được chỉ ra gồm có: tin nhắn gợi dục không mong muốn (41%), quấy rối tình dục (30%), gạ gẫm gợi dục (29%).
Đáng chú ý, người tham gia khảo sát đều cho biết họ gặp những hành vi thiếu văn minh trên không gian mạng ngày càng nhiều trong thời gian gần đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận