19/02/2017 07:59 GMT+7

Khen con, không hào phóng cũng không kiệm lời

TẤN KHÔI
TẤN KHÔI

TTO - Trong một cuộc trao đổi của chúng tôi về chủ đề “Bạn có từng khen con nhiều chưa?”, nhiều phụ huynh nói là có, nhưng chưa hình thành thói quen (thường xuyên).

Khích lệ đúng lúc sẽ giúp con trẻ có thêm niềm hứng thú trong những việc trẻ đang thực hiện - Ảnh: T.T.D.
Khích lệ đúng lúc sẽ giúp con trẻ có thêm niềm hứng thú trong những việc trẻ đang thực hiện - Ảnh: T.T.D.

Một số tiết lộ thường khen, nhưng càng khen thấy con càng tệ.

“Người Việt thường ít bày tỏ tình cảm với nhau, kể cả cha mẹ với con cái và ngược lại. Nên nhiều lúc nói thương con hay con thương ba mẹ cũng là điều khó khăn. Theo đó, lời khen cho con bị... tiết chế luôn!

ThS NGUYỄN THANH HUY

Khen đúng lúc như liều thuốc bổ

Đó là nhận định của chị Kim Hoa (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Chị Hoa nói thêm: “Tôi có đứa cháu con của chị ruột, tương đối hậu đậu, thường bị chê nên cháu càng trở nên nhút nhát và làm việc càng thiếu tập trung. Trong một lần đọc báo, tôi thấy chuyên gia khuyên nên dành những lời khen cho con cháu mình để khích lệ bé cố gắng hơn. Thế là tôi áp dụng, rồi vận động cả nhà cùng khen những việc cháu làm được”. Kết quả càng ngày cháu chị càng cẩn thận hơn, vì thế ít đổ bể, hư sự hơn. Chị kết luận: “Ai cũng muốn được khen, chỉ cần mình quan sát để ghi nhận những việc họ làm được dù nhỏ sẽ giúp họ phát huy được sở trường, hạn chế sở đoản”.

Cùng chia sẻ, anh Minh Tâm (Q.Thủ Đức, TP.HCM) bày tỏ: “Tôi thấy nhiều đứa trẻ rất khó ăn, nhưng nếu mình chịu khó động viên con... thể nào các con cũng cố gắng ăn được nhiều hơn là ép buộc hoặc la mắng. Từ đó dạy con thì tôi luôn khích lệ bằng cách khen con để con nỗ lực hơn”.

Chị Mỹ Hạnh ở Quảng Nam cũng bộc bạch bí quyết dạy con là khích lệ: “Tôi hay nói với con rằng má biết con có ưu điểm này, ưu điểm kia, con hãy cố gắng để cho ưu điểm đó được có cơ hội biểu hiện. Khuyết điểm tất nhiên ai cũng có, đừng nhìn vào đó mà thui chột niềm tin vào bản thân”.

Nhưng đừng khen đáo khen để và... chê quá lời

Tuy nhiên, có nhiều bậc phụ huynh lại khen con thái quá. Chị Hoa kể: “Tôi có người hàng xóm khen con mà mình nghe... mắc mệt luôn. Nhiều khi bé đó không giỏi đến mức như vậy, nhưng người lớn khen hoài khiến bé ảo tưởng về bản thân. Điều này sẽ rất nguy hiểm vì bé không nhận ra cái chưa được để hoàn thiện và còn nghĩ mình tuyệt vời quá rồi, không cần nỗ lực thêm”. Một ý kiến khác như của anh Trọng Nghĩa: “Khen mà thiếu định hướng sẽ khiến trẻ dễ tự cao, về lâu dài trẻ có thể không lắng nghe những lời góp ý, những nhận xét chân tình của bạn bè, người thân...”.

Tuy nhiên, chê con quá đà cũng là một phản xạ thường gặp ở không ít bậc phụ huynh. Chị Mỹ Hạnh bày tỏ: “Cũng có những bậc phụ huynh đụng đâu cũng chê con cái. Chúng làm gì cũng la rầy, bảo là phá nhà cửa, gây hại cho gia đình”. Chị kể có trường hợp người quen của mình như thế, nên đứa trẻ đã nghĩ mình vô dụng và tìm tới cái chết để... rảnh nợ cho ba mẹ. “Đó là điều rất đau lòng” - chị Hạnh trầm giọng.

Riêng anh Trọng Nghĩa chia sẻ kinh nghiệm: “Bản thân mình là người lớn, khi nghe phải những nhận xét toàn chê, dù mình đã cố gắng rất nhiều còn chịu không nổi, dễ buồn phiền, đôi khi phải mất nhiều thời gian mới... gượng dậy được thì những đứa trẻ sẽ thế nào đây?”.

Những giọt nước mát lành tưới kịp lúc

Có thể ví von như vậy về những lời khen đúng lúc đúng nơi dành cho con trẻ. Thạc sĩ tâm lý Ngô Minh Duy (Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt) chia sẻ: “Tình yêu thương của cha mẹ từ trong ý nghĩ sẽ bộc lộ thông qua hành vi. Khen con là một cách thể hiện tình yêu thương của cha mẹ. Lời khen đúng thời, đúng mức và đúng sự thật sẽ tiếp thêm động lực cho trẻ, tiếp tục củng cố và duy trì ý nghĩ, lời nói và hành vi mà trẻ được khen”. Cũng theo ThS Duy, lời khen của cha mẹ và người lớn còn giúp trẻ hình thành sự tự tin và góp phần xây dựng cái tôi khỏe mạnh cho trẻ. Như vậy, lời khen rất cần thiết đối với sự phát triển khỏe mạnh của trẻ.

Trong khi đó, ThS Nguyễn Thanh Huy, giáo viên văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho rằng: “Người Việt thường ít bày tỏ tình cảm với nhau, kể cả cha mẹ với con cái và ngược lại. Nên nhiều lúc nói thương con hay con thương ba mẹ cũng là điều khó khăn. Theo đó, lời khen cho con bị... tiết chế luôn!”. Chính vì vậy, ThS Huy chia sẻ đến các phụ huynh: “Là một người làm nghề giáo, tôi cho rằng khen tặng, khích lệ cho con cái, học trò là điều nên làm để các bạn nhỏ trở nên tự tin hơn vào những khả năng của mình, hạn chế bớt những điều chưa hoàn thiện. Khi khen, người khen cũng thấy niềm vui mà, phải không?”...

TẤN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp