Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị rút giấy phép kinh doanh các cửa hàng, hiệu thuốc tăng giá khẩu trang, thiết bị y tế - Ảnh: TTXVN
Tuy vậy, nếu cơ sở kinh doanh không niêm yết giá, hoặc bán cao hơn giá niêm yết sẽ bị xử phạt 10-15 triệu đồng.
Rà soát thiết bị, vật tư chống dịch
Tuy nhiên trả lời về việc tại sao không đưa mặt hàng này vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, phía Cục Quản lý giá cho rằng theo Luật giá, khẩu trang y tế không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá.
Để đưa khẩu trang vào danh mục bình ổn giá, Bộ Y tế phải rà soát, đánh giá, báo cáo số lượng sản phẩm này, khả năng cung ứng, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước và có những đề xuất cụ thể lên Chính phủ. Trường hợp thấy thực sự cần thiết, cấp bách, Chính phủ sẽ báo cáo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và chấp thuận đưa mặt hàng khẩu trang vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá.
Được biết, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ có chỉ đạo cụ thể đối với Bộ Y tế trong công tác chống dịch cúm chủng mới nCoV. Cụ thể, bộ này phải khẩn trương có báo cáo về tình hình, khả năng cung ứng vật tư trang thiết bị chống dịch, trong đó có khẩu trang y tế.
Nguyên liệu sản xuất khẩu trang, kẹt từ Trung Quốc
Theo Bộ Công thương, tại Việt Nam có 38 đơn vị sản xuất khẩu trang y tế, với 1,24 triệu chiếc/ngày, đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước, cùng 2 đơn vị sản xuất khẩu trang N95 - chuyên dụng cho người đi làm việc, tiếp xúc tại vùng dịch, với khả năng cung ứng 32.000 chiếc/ngày.
Tuy nhiên từ 30-1 đến nay, giá khẩu trang đã nhảy múa. Ngay cả khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu rút giấy phép cửa hàng bán khẩu trang cao hơn giá niêm yết, đến chiều 1-2, vẫn còn nhiều người dân phàn nàn phải mua khẩu trang bình thường với giá cao gấp 6 lần.
Trước đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo quyết liệt: "Người dân có bằng chứng về việc tăng giá bán khẩu trang có thể báo ngay cho cơ quan chức năng, Bộ Y tế rút giấy phép các hiệu thuốc bán khẩu trang với giá bất hợp hợp lý mà không cần thanh tra. Tên tuổi và giấy chứng nhận hành nghề của dược sĩ đứng tên nhà thuốc cũng cần có biện pháp để sau này không tiếp tục mở nhà thuốc được nữa".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết việc quản lý giá bán khẩu trang bất thường là thẩm quyền của cơ quan quản lý thị trường, số điện thoại nóng của Tổng cục Quản lý thị trường là 1900 888655. Ông Hiền cũng cho biết trong tình huống khẩn cấp, có thể báo tin về Sở Y tế tới số điện thoại nóng.
Tuy nhiên điều khó khăn với sản xuất khẩu trang hiện nay, theo ông Nguyễn Minh Tuấn - vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) - là nhiều nguyên liệu sản xuất phải nhập từ Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đang có dịch nên họ cũng giữ nguyên liệu lại sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước.
Người dân dùng tạm... khẩu trang vải
Tại Hà Nội, nhiều cửa hàng không còn khẩu trang, thuốc sát khuẩn. Một số người dân đã dùng khẩu trang vải. Bà Phạm Thị Ngọc (Bạch Mai) cho hay trước mắt đã mua khẩu trang bằng vải cho cả gia đình sử dụng. Tình hình khan hiếm khẩu trang cũng diễn ra tại Cần Thơ, Kiên Giang do sức mua quá lớn. Rất nhiều điểm bán cho biết đang chờ cơ sở sản xuất hoạt động trở lại sau tết. Vì thế có nơi chỉ bán tối đa 20 cái/người. Tuy vậy, tại Cần Thơ đã có nhiều người dân, cửa hàng phát khẩu trang y tế miễn phí cho người cần.
L.THANH - T.LŨY - K.NAM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận