Ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM, trao tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng cho bà Phạm Thị Bạch Cúc (Q.Bình Thạnh) tháng 2-2015. Ảnh tư liệu. |
“Chiến tranh gây ra bao nhiêu đau khổ. Hãy cố mà giữ lấy hòa bình”, tôi đã được nghe bao nhiêu bà mẹ nhắn nhủ đằng sau những giọt nước mắt khóc con chảy ngược vào trong, thấm mặn tim mẹ khi con của mẹ, những chàng trai, cô gái khỏe mạnh, giỏi giang, năng động đã ra đi mãi mãi trong chiến tranh.
Tham luận của bà Thân Thị Thư - ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - mở đầu:
“Nói đến dân tộc VN, người ta thường nói đó là một dân tộc thiện chiến, những chiến thắng lẫy lừng năm châu, một dân tộc anh hùng đã sản sinh ra nhiều vị tướng tài danh. Nhưng người ta thường quên rằng chiến thắng đó được đánh đổi bằng bao đau thương mất mát và sự xuất hiện của những tướng tài, những anh hùng đều do tất yếu lịch sử, do sự mất còn của dân tộc thúc bách, chứ đâu phải do dân tộc này lựa chọn”.
Và bà Thư nhắc đến những người mẹ. Mẹ trào nước mắt gửi con còn đỏ hỏn cho người khác để đi vào cuộc kháng chiến. Mẹ tuôn nước mắt vì nhớ con, tuôn nước mắt vì bầu sữa căng nhức phải vắt bỏ.
Mẹ nuốt nước mắt vào trong khi con lớn lên lại theo mẹ lao vào đạn lửa. Mẹ nghẹn đắng khi hoàn cảnh, thời cuộc đẩy con vào thế đối đầu với mẹ, với cha, với anh. Mẹ lặng thinh không còn nước mắt khi nghe tin con nằm xuống...
Có bao nhiêu bà mẹ như thế ở miền Nam, ở VN? Ai đau vì chiến tranh hơn các bà mẹ và ai mong ngóng hòa bình hơn các bà mẹ?
Kể về kinh nghiệm dân vận, binh vận, trí vận, các nhân chứng lịch sử hôm nay đều kể về các mẹ, các chị luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh. Các mẹ đã cầm nón lá lên đứng ngay trước mũi súng của quân đội Sài Gòn đang chuẩn bị cho trận càn ác liệt.
Mẹ mang nước cho lính Mỹ bị thương, đưa xác người chết trận bị bỏ sót ra trả cho quân đội. Được hỏi muốn đền ơn gì, mẹ chỉ nói: “Mấy ông đừng bắn phá, giội bom vào dân”...
“Khát vọng hòa bình đã nuôi giữ sức mạnh cho dân tộc”, các nhà khoa học, sử học, những người đã đi qua chiến tranh kết luận như thế ở cuộc hội thảo và tôi nghĩ đến các bà mẹ.
Hòa bình đã về 40 năm, nhưng chiến tranh vẫn như còn chưa chấm dứt với những bà mẹ đã vĩnh viễn mất con, với những người cựu binh mang những vết đau trên thân thể và trong tâm hồn, chiến tranh lại vẫn còn như đang chờn vờn đe dọa ngoài biên cương, hải đảo.
Khát vọng hòa bình đã sinh ra sức mạnh để những bà mẹ vượt qua chiến tranh, chiến thắng và sống giữa hòa bình như một biểu tượng của nỗi đau.
Biểu tượng ấy không khiến người ta sợ chiến tranh mà chỉ khiến người ta yêu hòa bình hơn, hiểu cái giá của hòa bình hơn và biết sống cho hòa bình hơn.
Vì hòa bình ấy, các mẹ lại có thể hi sinh tất cả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận