Các kỹ sư phần mềm của FPT làm việc tại Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Có chủ đề Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường, diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên tổ chức được kỳ vọng sẽ là sự kiện khởi đầu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với khát vọng đưa Việt Nam thành cường quốc về công nghệ.
Diễn đàn đã đưa ra tuyên bố "Make in Vietnam" với mục tiêu các doanh nghiệp công nghệ sẽ "Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam".
Chúng ta cần xây dựng và tuyên bố một cách dứt khoát, rõ ràng một chiến lược phát triển DN công nghệ Việt Nam: Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất (Make in Vietnam). Đây là tuyên bố của chúng ta tại diễn đàn hôm nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Giúp thoát bẫy thu nhập trung bình
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng rằng với không ít lợi thế về phát triển công nghệ thông tin và nguồn lực dân số vàng, Việt Nam dù đi sau vẫn có thể thành công nếu nắm được cơ hội, có chiến lược đúng đắn, chương trình hành động cụ thể, kịp thời triển khai, thực thi quyết liệt, hiệu quả.
"Một thị trường gần 100 triệu dân, công nghệ sẽ đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, sẽ tạo ra một quốc gia thông minh" - Thủ tướng nói.
Đồ họa: NHƯ KHANH
Thủ tướng khẳng định công nghệ là nhân tố chính để tăng trưởng kinh tế, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển.
Muốn thoát bẫy thu nhập trung bình, điều đầu tiên là phải làm chủ công nghệ và quản lý, có năng lực phát minh, sáng chế ra những công nghệ mới, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tiến lên trình độ đi đầu trong thiết kế, sản xuất sản phẩm chất lượng cao.
Thời gian tới, theo Thủ tướng, Việt Nam không chỉ hấp thụ công nghệ để làm chủ công nghệ và tích lũy năng lực mà cần phải phát minh, sáng chế công nghệ. Đó là con đường duy nhất và tất yếu dẫn đến một quốc gia hùng cường. Dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ này sẽ đi ra toàn cầu, giải quyết các bài toán toàn cầu.
Trong tiến trình này, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ thực hành khẩu hiệu hành động: Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất. Sau 30 năm lắp ráp, gia công, đã đến lúc và chúng ta có đủ điều kiện cơ bản để chuyển sang sáng tạo, làm ra các sản phẩm và công nghệ Việt.
Theo Thủ tướng, thời gian không chờ đợi, cơ hội không tự đến cho nên phải hành động và hành động kịp thời hơn, quyết liệt hơn trong thời đại kỹ thuật số.
Việc bứt phá từ tư duy đến hành động, những phương thức kinh doanh cũ kỹ cần phải nhường chỗ cho phương thức kinh doanh dựa trên công nghệ và sáng tạo là một yêu cầu đặt ra tại diễn đàn lần này.
Khẳng định chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp lớn đã thành công trong môi trường quốc tế về Việt Nam thể hiện tinh thần trách nhiệm dẫn dắt phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cần đặt sứ mạng doanh nghiệp gắn liền với sứ mạng quốc gia.
Nhân viên làm việc tại Công ty Global Cybersoft Việt Nam trong Công viên phần mềm Quang Trung, Q.12, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tránh để cái cũ kéo lùi cái mới!
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Tân - tổng giám đốc VCCorp - cho rằng: "Các doanh nghiệp công nghệ sáng tạo Việt Nam đang không dám "chạy" hết tốc độ".
Theo ông Tân, "các doanh nghiệp này rất muốn làm, đầy đủ nguồn lực để làm, thừa quyết tâm để làm nhưng không dám làm, không dám "chạy" hết tốc lực, không huy động được nguồn lực xã hội vì nghi ngại".
Từ thực tế, ông so sánh trong khi các doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc, Mỹ đều được ưu đãi về thuế thì doanh nghiệp công nghệ Việt vẫn đang chịu thuế doanh thu 15 - 20%, cộng với thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ông Tân đề xuất ba cơ chế ứng xử hỗ trợ cái mới phát triển mà theo ông, là để các doanh nghiệp công nghệ được làm, dám làm mà vẫn có thể quản lý, kiểm soát được. Theo đó, mỗi bộ ngành đều tách riêng kinh tế số để quản lý, ví dụ như tách riêng taxi điện tử như mô hình Grab, Uber..., để tránh cái cũ kéo lùi cái mới.
Bên cạnh đó có cơ chế dành cho cái mới, có "đặc khu ảo" cho những cái quá hóc búa, cần kiểm soát hoặc có rủi ro lớn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Chính - chủ tịch Tập đoàn CMC - kiến nghị: "Nhà nước cần có lộ trình và chiến lược để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trở thành trụ cột nền kinh tế quốc dân, vươn tầm thế giới".
Ông Chính nêu dẫn chứng: "Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc trên thị trường toàn cầu như Huawei, ZTE, Alibaba, Tencent là một ví dụ. Về phần mình, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng tới chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế, vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước, vừa nâng cao sức cạnh tranh, xuất khẩu" - ông Chính nhìn nhận.
TS Nguyễn Xuân Thành - chuyên gia đến từ ĐH Fulbright Việt Nam - cũng cho rằng để phát triển các cụm ngành công nghệ sáng tạo, ngoài các yếu tố nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, yếu tố tài chính cũng rất quan trọng.
Chính phủ không cần phải hỗ trợ tài chính, rót vốn trực tiếp mà có thể hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp công nghệ phát triển bằng chính sách thuế, chẳng hạn như ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho lực lượng nhân lực công nghệ, hay ưu đãi thuế cho các hoạt động R&D của doanh nghiệp...
"Khi tôi trao đổi với nhiều doanh nghiệp công nghệ trong nước, đó là chính sách ưu đãi thuế có thể đã ban hành, nhưng riêng việc họ đi xin cho đủ giấy tờ chứng minh mình thuộc diện được hưởng ưu đãi cũng rất mệt mỏi, tốn kém.
Ngược lại, các chính sách ưu đãi thuế mà chúng ta đang dành cho doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI lại đang làm rất tốt, rất nhanh. Chúng ta cần phải ưu đãi thuế một cách thông minh hơn" - TS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận