04/09/2015 13:11 GMT+7

​Tuổi Trẻ đã mở ra nhiều cánh cửa…

TRẦN LƯƠNG CÔNG KHANH
TRẦN LƯƠNG CÔNG KHANH

TTO -Tôi tin rằng những đóng góp quý báu của Tuổi Trẻ cho xã hội trong 40 năm qua là một câu thần chú “Vừng ơi, mở ra!”, giúp nhiều người vượt qua khó khăn…

Các vị khách mời và tổng biên tập Tuổi Trẻ các thời kỳ mừng sinh nhật lần thứ 40 báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Th.Thắng
Các vị khách mời và tổng biên tập Tuổi Trẻ các thời kỳ mừng sinh nhật lần thứ 40 báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Th.Thắng

Tôi lớn lên bên một làng chài ven biển Nam Trung bộ. Ba tôi là thợ hồ và má tôi là nông dân. Thời học sinh tôi không đọc Tuổi Trẻ vì không có tiền mua báo.

Ở đại học, khi ban quản lý ký túc xá dán Tuổi Trẻ lên bản tin để sinh viên đọc chung, tôi mới bắt đầu theo dõi Tuổi Trẻ. Những số báo đã đọc tôi lưu giữ cẩn thận và xem đó là một gia tài thật sự theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Bonjour Vietnam và trở lại làng chài

Năm 1996 tôi được cử đi làm thực tập sinh tại Cộng hòa Pháp. Năm ấy chưa có mạng internet. Lần đầu tiên đến cửa hàng Thanh Bình Jeune ở quận 5, Paris, tôi phát hiện có báo Tuổi Trẻ (thứ ba, năm, bảy và chủ nhật).

Lúc ấy, Tuổi Trẻ là tờ báo tiếng Việt duy nhất được bán ở đây. Tôi thường nán lại lâu hơn ở quầy báo để đọc lướt tin tức. Quầy báo nằm chung với quầy bánh. Cô bán hàng dễ thương chắc buồn tôi lắm vì chưa mua cái bánh nào trong ngần ấy năm “xem cọp”!

Khi làm nghiên cúu sinh tại Grenoble - một thành phố ở đông nam nước Pháp, vào năm 2003, tôi bắt đầu viết cho Tuổi Trẻ.

Nếu bài đầu tiên của tôi trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật (Tem thư và toán học) và Tuổi Trẻ Online (Bức ảnh chính thức đầu tiên của… Daniel Bond) còn mang tính tình cờ thì bài đầu tiên trên Tuổi Trẻ (Bonjour Marc Lavoine, chàng nghệ sĩ đa tài) lại là “duyên nợ” mà tôi sẽ nói rõ ở đoạn dưới.

Bảo vệ xong luận án tiến sĩ tại Grenoble, tôi về lại làng chài quê hương. Quyết định của tôi được nhen nhóm từ nhiều sự kiện vô cùng gần gũi, đằm thắm nhưng không kém phần mãnh liệt.

Đó có thể là trên đường đi học về, tôi sững người nhìn thấy cha mình đang thông cống cho một công trình xây dựng, khi những giọt bùn đen trên thân cha làm chiếc áo học sinh của tôi thêm trắng.

Đó có thể là lúc tôi thẫn thờ đi khắp Grenoble khi nghe tin mẹ mất mà không về được, nức nở vì nhớ đến lời Bonjour Vietnam từng âm vang trên Tuổi Trẻ: Chào những bà mẹ đang oằn người trên ruộng lúa; trong tiếng kinh cầu và trong ánh sáng, con gặp lại anh em, con chạm vào hồn con, cội nguồn và đất nước.

Tuổi Trẻ đã ảnh hưởng đến quyết định của tôi như thế. Đó cũng là lý do khiến tôi xem Bonjour Marc Lavoine, chàng nghệ sĩ đa tài và loạt bài sau đó về Phạm Quỳnh Anh là “duyên nợ”.

Từ “bán món” đến nhân vật của Tuổi Trẻ

Trong một bức thư gửi Quách Tấn sau này được đưa vào tuyển tập Những bức thư đầm ấm, Nguyễn Hiến Lê dùng từ “bán món” để chỉ cảnh túng tiền, phải đem đồ đạc trong nhà bán từng món, sống cầm hơi. Những năm đầu về lại quê hương, tôi cũng “bán món” như vậy.

Albert Einstein nói vui rằng mỗi nhà khoa học phải có một nghề làm thêm khiến “tay chân bận rộn nhưng trí óc tự do”. Với tôi, việc tiếp tục viết bài cho Tuổi Trẻ giúp tôi bớt “bán món” và có thể theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học ở quê nhà.

Sau khi Nhà xuất bản Đại học châu Âu phát hành một quyển sách của tôi trên hệ thống Amazon, tôi trở thành một nhân vật của Tuổi Trẻ qua bài "Người gửi những trăn trở giáo dục vào toán học" của Lan Phương.

Cùng với những bài viết liên quan đăng trên một số báo khác, bài của Lan Phương mang lại cho tôi cơ hội mới: một số cơ sở đào tạo trong nước mời tôi giảng dạy và hướng dẫn học viên cao học. Tôi vẫn nợ các anh chị em phóng viên, trong đó có Lan Phương và Tuổi Trẻ, một lời cảm ơn chính thức mà hôm nay tôi chân thành nói lên từ đáy lòng mình.

Nhớ về quá khứ, nghĩ đến tương lai

Tôi là một bạn đọc của Tuổi Trẻ. Nếu cần bổ sung vào danh từ “bạn đọc”, tôi thích tính từ “tận tụy” hơn bất cứ từ nào khác. Tôi không dám tự nhận là cộng tác viên của Tuổi Trẻ, chỉ xem mình là người thỉnh thoảng viết bài và may mắn được Tuổi Trẻ chọn đăng. Sự diệu kỳ của cuộc sống đã khiến tôi thành một nhân vật của Tuổi Trẻ và mở ra cho tôi nhiều cơ hội mới.

“Biết ơn dấu chân bấm mặt đường xa/ Những dấu chân trần, bùn nặng vết/ Ta đi học quen giẫm vào, không biết/ Dáng cuộc đời in mãi dáng ta đi” (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm).

Con đường tôi đã đi là con đường bình thường của một cậu bé xóm chài - con trai của một người thợ hồ và nông dân như bao người lao động bình thường khác trên đất Việt Nam. Tôi cảm ơn cha mẹ, người thân, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp và sách, báo - trong đó có Tuổi Trẻ - đã khuyến khích tôi ước mơ và hành động. Tôi cảm ơn cuộc đời đã cho tôi ướm chân trên con đường thiên lý và cưu mang tôi từ đó.

Nhớ về quá khứ có lẽ là một hình thức nghĩ đến tương lai. Tôi tin rằng những đóng góp quý báu của Tuổi Trẻ cho xã hội trong 40 năm qua là một câu thần chú “Vừng ơi, mở ra!”, giúp nhiều người vượt qua khó khăn, khiến họ thêm tin vào tình người và khuyến khích họ hành động vì một tương lai tốt đẹp hơn.

 

TRẦN LƯƠNG CÔNG KHANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp