Gia đình anh Lê Trương Thanh Tiến cùng tham gia một hoạt động thiện nguyện - Ảnh: C.K.
Ngay từ khi học phổ thông mình đã thích tham gia các hoạt động cộng đồng. Dần dần máu thiện nguyện khiến mình nghĩ ra nhiều cách để giúp những mảnh đời cần đến sự sẻ chia.
Anh Lê Trương Thanh Tiến
Anh đã được Trung ương Hội LHTN VN tặng bằng khen và Hội thiện nguyện Trái tim yêu thương là một trong 20 CLB, đội nhóm được Trung tâm Tình nguyện quốc gia thuộc Trung ương Hội vinh danh.
Một bờ vai, một cái nắm tay chia sẻ
Là dân tham gia phong trào Đoàn tại địa phương nên Tiến khá giỏi các kỹ năng sinh hoạt tập thể. Chàng nhân viên đã vào forum diễn đàn kỹ năng sống của Nhà văn hóa Sinh viên TP chia sẻ kinh nghiệm với các bạn sinh viên. Rồi Tiến rủ mọi người họp mặt cùng sinh hoạt kỹ năng, tổ chức các hoạt động đến với các em nhỏ khiếm thị tại mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa.
"Mới đầu, mỗi đứa bỏ tiền túi ra mua bánh kẹo đến chơi với các em. Sau đó thành viên trong nhóm bắt đầu tìm kiếm cách gây quỹ, kêu gọi mọi người cùng nuôi heo đất để tổ chức các hoạt động khác cho các em" - anh Tiến nhớ lại.
Cái tên Hội thiện nguyện Trái tim yêu thương với slogan "Sống để sẻ chia" đã được Tiến và mọi người thảo luận và chọn bởi lẽ ai cũng mong muốn được sẻ chia nhân lên những điều yêu thương tốt đẹp trong cuộc sống.
Anh Tiến nói: "Ai trong chúng ta sống trên đời cũng cần có một bờ vai vững chắc để tựa vào lúc khó khăn, cùng đó là một trái tim biết đồng cảm và sẻ chia. Đó chính là tình yêu thương, giúp ta vượt qua bao khó khăn thử thách".
Trong thời gian điều hành Hội thiện nguyện Trái tim yêu thương, Tiến còn có bốn năm làm đội phó đội công tác xã hội thanh niên thuộc Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM.
Ban đầu là những hoạt động đến với các em nhỏ mái ấm, cơ sở xã hội để tổ chức vui chơi, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh.
Hoạt động của hội ngày càng nở nồi và chương trình Trung thu đầu tiên cách đây 10 năm, Tiến đã cùng các tình nguyện viên đến với trẻ em nghèo tỉnh Bến Tre. "Trăng rằm yêu thương" từ đó trở thành một trong những hoạt động thường xuyên của hội. Để có quỹ thực hiện chương trình, các bạn đi bán báo, bán bánh kẹo, đồ lưu niệm, tổ chức đêm nhạc đấu giá gây quỹ...
Ngoài những món quà trao gửi, các em đều được tham gia những trò chơi rộn tiếng cười, gian hàng ẩm thực, thưởng thức những món ăn khoái khẩu.
Những ngày lễ, tết hiếm thấy Tiến ở nhà, anh thường có mặt trên từng cây số với các hoạt động thiện nguyện. Đêm giao thừa bảy năm qua, Tiến rong ruổi cùng các tình nguyện viên cầm theo bao lì xì để trao gửi đến những mảnh đời vô gia cư hay những người vất vả mưu sinh, nhặt ve chai...
"Giao thừa xong là mình đi và trao đến những người thật sự cần sự sẻ chia. Với họ, chỉ cần một cái nắm chặt tay, trao phần quà và cùng cười với nhau chào đón năm mới là đã thấy ấm áp" - anh Tiến nói.
Chuyến đi đáng nhớ
Chuyến đi về với bà con vùng núi huyện Nam Trà My (Quảng Nam) khiến anh nhớ mãi, nhiều đoạn đi bộ dưới mưa và đường sình lầy nhão nhoẹt đất đỏ, nhiều phen bị ngã lấm lem. Sau hơn bốn tiếng đi bộ, cả nhóm cũng đến được điểm trường tiểu học nóc Măng Tó, thôn 2, xã Trà Cang.
Trong giá rét, mọi người đã ở lại qua đêm tại điểm trường vừa được xây mới do chính các bạn vận động kinh phí trị giá hơn 300 triệu đồng, để chuẩn bị nội dung cho buổi khánh thành điểm trường trong mơ ước của thầy và trò nơi xa xôi này.
Anh Tiến nhớ lại hình ảnh bà con và thầy trò tại điểm trường này vui mừng với ngôi nhà xây khang trang thay cho điểm trường phên tre mái lá trước đây. Học trò ở đây nghèo khó nên con đường tìm cái chữ cho các em rất gian truân, nhiều em phải dậy sớm vượt núi đến lớp học.
Trước đây điểm trường tôn tre vách nứa, các em nhiều khi co ro vì lạnh rét. Có được điểm trường khang trang ấm áp này, thầy trò nơi đây đỡ vất vả phần nào.
"Ở vùng quê khó khăn này, kiếm cái ăn đã khó nói chi đến việc lo cho con học hành. Vào mùa lên rẫy, nhiều nhà còn không đưa con đến trường, các bé phải theo chân cha mẹ để phụ chăm em, làm rẫy... Có khoảng 60 bé theo học các lớp tại đây thì phân nửa các em phải tá túc lại trường suốt tuần. Thứ hai các em vượt núi đến trường và cuối tuần mới về nhà" - anh Tiến nói.
Những năm gần đây, Tiến còn kết nối nguồn lực thông qua mạng xã hội để cùng xây nhà tình thương, làm cầu giao thông nông thôn, tặng học bổng cho sinh viên khó khăn... với hàng chục căn nhà và hàng chục cây cầu giao thông đã nối những bờ vui giúp bà con đi lại thuận lợi hơn.
Và mới đây anh cũng đã nhận bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành công tác xã hội ở tuổi 40. "Mình đã có thực tế lăn lộn với hoạt động thiện nguyện, khi theo học đại học mình có thêm kiến thức để làm tốt hơn những chương trình thiện nguyện của hội mình" - anh cho hay.
Nên duyên từ thiện nguyện
Quen biết người bạn gái qua công việc đi làm và một lần Tiến đã rủ cô bạn theo chân anh trong một chuyến thiện nguyện về với trẻ em nghèo tỉnh Đồng Tháp trong chương trình vui Tết thiếu nhi 1-6. Cứ thế, lần nào anh khoác balô lên đường tổ chức hoạt động thiện nguyện, cô bạn lại đi cùng. Và rồi họ đã bén duyên nhau.
Cho đến khi vợ chồng anh có hai cậu con trai thì các chuyến đi thiện nguyện nơi vùng sâu vùng xa đều có mặt cả bốn thành viên. Chị Văn Thị Nhật Tân, bà xã của anh Tiến, cho hay: "Thiện nguyện là đam mê của anh, mình rất ủng hộ. Lâu lâu mình và hai con lại theo anh cùng thực hiện các chuyến đến với bà con vùng sâu, cũng là để các con cảm nhận bài học yêu thương, sẻ chia".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận