Cô Nguyễn Thị Ứơc với học sinh lớp 6/2 Trường THCS Cửu Long, Bình Thạnh, TP.HCM trong giờ giải lao - Ảnh: NHƯ HÙNG
"Cô có xem đá bóng không cô, bóng vào lưới cô có la hét như... la chúng em không?". "Có chứ, Messi đẹp trai của cô mà sao không xem được, hét lên là thương, là ủng hộ, quan tâm đấy".
Đó là cuộc trò chuyện hóm hỉnh trong giờ giải lao của cô Nguyễn Thị Ước, giáo viên ngữ văn Trường THCS Cửu Long (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), với "các bạn" của mình.
Tuy chỉ mới bốn năm đứng trên bục giảng nhưng cô Ước như đã gắn bó rất lâu với trường lớp và hết mình vì cho xứng đáng với những gì cô đánh đổi để được đi dạy.
"Thời gian có quay trở lại, tôi vẫn chọn nghề"
Xuất thân trong gia đình có ba theo nghề giáo, nhưng điều đó không phải là lý do để ngay từ nhỏ, khi còn là cô bé lớp 2, cô Ước đã mơ mình làm .
Bắt nguồn của ước mơ rất bất chợt: "Khi học tập làm văn bài "Cây dừa" đã gợi ngay trong tôi suy nghĩ mình phải làm cô giáo vì lúc đó cô tôi dạy và đọc diễn cảm quá hay, truyền cảm hứng thích thú ngay lập tức. Từ đó tôi quyết thi vào sư phạm ngành văn" - cô chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Đà Lạt năm 2009, ra trường duyên hồng đến sớm hơn duyên nghề nên cô lập gia đình và sinh hai con, chồng là bộ đội nên xa nhà triền miên.
Những tưởng ước mơ đứng trên bục giảng đã khép lại vì điều kiện quá khó nhưng cô cố vượt qua, đánh đổi sự chăm sóc con để được làm nghề mình mơ ước từ bé.
Ngậm ngùi, đỏ hoe đôi mắt, cô kể lại: "Lúc ở nhà một tay chăm hai con nhỏ, chồng thì ở xa, ngoại trong Nam, nội ngoài Bắc, tôi cuồng chân và stress về kiến thức kinh khủng.
Tôi khát khao được đi dạy dù hoàn cảnh có khổ mấy cũng chấp nhận. May mắn có đợt tuyển giáo viên, tôi thi và trúng tuyển. Lúc đó vui mà mất ăn mất ngủ cũng chỉ vì đếm ngược ngày đến trường".
Nhưng niềm mong đợi của cô lại là câu chuyện ngoài ý muốn của chồng. Hai vợ chồng giận nhau chỉ vì tại sao phải bỏ con còn quá nhỏ để đi dạy. Từ đó, "cơm không lành canh không ngọt", chồng đi mấy tháng liền không về nhà vì quyết phản đối.
Cô nói: "Không khí trong nhà lúc đó nặng nề lắm, vì xót cảnh con nhỏ nên chồng cản cũng phải thôi. Mất thời gian rất dài vợ chồng mới giải hòa. Lúc ấy tôi chỉ nói với chồng một câu: Em sẽ làm tốt hai việc, anh cứ yên tâm công tác xa, em sẽ chứng minh mình đang đi đúng đường".
Cô Ước tâm tư: "Thật lòng tôi đi dạy vì quá yêu công việc này, nếu nói đi dạy để hưởng lương nhà nước thì không bao giờ tôi nghĩ đến. Lương tôi chỉ hơn 3 triệu đồng mà đoạn đường xa, con nhỏ nheo nhóc, một thân một mình, can tâm của người mẹ nhiều khi không vượt qua được.
Nếu tôi không khát khao được là một cô giáo, có lẽ tôi không quyết định như thế. Thời gian có quay trở lại, tôi vẫn chọn nghề dạy học".
"Em ít khi gần gũi với thầy cô nhưng cô Ước cho em sự thân mật, có những chuyện em giấu ba mẹ nhưng lại kể với cô. Cô cũng rất tâm lý và vui vẻ với chúng em.
Em Lê Thanh Thúy, học sinh lớp 8
Học trò là bạn
Dù chưa dày dạn kinh nghiệm như những "tiền bối" trong trường, nhưng có lẽ cô Ước đến với lớp học ngoài nhiệt huyết còn cả tình yêu thương học trò đến độ luôn xem học trò là... bạn.
Cô kể lại năm dạy đầu tiên của mình, trường phân công bốn lớp, tiết dạy đầu tiên kết thúc, cô hiệu trưởng cũ phòng bên nghe và nhận xét: "Dạy như dạy cho mầm non".
"Lúc đó tôi vừa vui cũng vừa buồn vì chưa biết áp lực của "cháy" hay "ướt" giáo án là gì, sợ học sinh không hiểu nên cứ giảng nói hết mình, nhìn mặt các em hiểu mới thôi. Nhưng lượng thời gian có hạn, tôi phải tìm cách để thay đổi" - cô nói.
Thế là từ đó cô có một cách gần gũi và làm quen với học trò. Đó là những giờ giải lao, những khi ra về, cô Ước thường chỉ ở trong lớp và ở lại lâu hơn với các em vì ngoài giờ học là lúc các em nói về mình, về tiết học, chỗ nào chưa hiểu, chỗ nào cô giảng hơi nhiều khiến học sinh chán, chỗ nào cô giảng ít...
Từ đó, chính các em như là "người bạn" đầu tiên đóng góp cho tiết dạy của cô. Khi đã có "tình bạn" như vậy thì cô Ước mạnh dạn hơn trong nghiệp vụ.
Cô chia sẻ: "Tôi nghĩ bề dày mình chưa có nên cần nhất là học hỏi. Mỗi lần dạy cũng là một lần học và giáo viên phải "lì và liều".
Tôi tự nguyện xung phong đăng ký xin thao giảng khi vô đầu năm học, biết là dạy xong sẽ bị đánh giá thấp nhưng cứ sợ, cứ giấu thì nghiệp vụ của mình không khá nổi.
Mỗi người dạy có một phương pháp, không ai giống ai nên nhận xét xong tôi học hỏi được rất nhiều. Mình vững chuyên môn, học trò tin tưởng yêu thích, đó là câu trả lời xứng đáng và cho tôi rất nhiều niềm tin vào nghề".
Chơi với học trò như... bạn
Cái hay về quan điểm của cô Ước là chơi với học trò như bạn. Vì vậy cô cho học trò kết bạn với mình ở tất cả mạng xã hội: Facebook, Viber, Zalo và quan tâm đến học sinh các khối lớp chứ không riêng lớp mình giảng dạy, chủ nhiệm.
"Cho các em kết bạn cũng là để theo dõi những suy nghĩ, câu chuyện khác ngoài nhà trường. Em nào vui, em nào buồn, em nào đã có tình yêu... qua cách thể hiện và những hình ảnh, tôi có thể đoán được mà kịp thời khuyên ngăn.
Đôi lúc tôi cũng bình luận trên Facebook các em để tạo nguồn động viên, gần gũi, giữa cô và trò là khoảng cách nhưng lại không... khoảng cách", cô chia sẻ.
Phụ huynh của em Lê Thanh Thúy (lớp 8) rất hài lòng và tin tưởng cô Ước: "Khi con tôi học lớp 6, cô Ước chủ nhiệm. Cô quan tâm nhiệt tình và rất trách nhiệm. Tôi yên tâm lắm, vì từ việc nhỏ nhất như thời gian đi học ở trường và về nhà chênh nhau thì cô vẫn điện thoại báo cho phụ huynh biết.
Tôi từng có ý đề xuất xin trường cho cô giáo chủ nhiệm tiếp năm lớp 7. Cô giáo chủ nhiệm như vậy thì không riêng gì tôi mà phụ huynh nào cũng hài lòng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận