Từ trạm y tế xã, trung tâm y tế quận, bệnh viện đa khoa huyện, bệnh viện đa khoa khu vực đến bệnh viện đa khoa tỉnh, ở đâu cũng thiếu bác sĩ trầm trọng. Đây là thực trạng đáng báo động từ các tỉnh miền Trung đến các tỉnh thuộc ĐBSCL.
Tại Đà Nẵng, thời gian qua nhiều bệnh viện mới được xây nhưng tìm không ra bác sĩ, phải luân chuyển bác sĩ từ những bệnh viện khác về dù những bệnh viện này cũng đang thiếu... bác sĩ.
Phóng to |
Thiếu bác sĩ như khát nước mùa hè
Không có bác sĩ, dược sĩ nên một ngày làm việc của năm cán bộ trạm y tế xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) rất vất vả. Ông Nguyễn Ngọc Ba là trưởng trạm y tế xã Hòa Châu nhiều năm nay nhưng bản thân ông hiện cũng mới là y sĩ. Ông Ba nói nhân viên ở đây “một cổ đeo 3-4 tròng”. Các y sĩ mỗi ngày phải làm việc còn nhiều hơn cả bác sĩ: khám bệnh, phát thuốc, chữa trị kiêm luôn vận hành thiết bị máy móc, thực hiện các chương trình về phòng chống bệnh xã hội ở các thôn...
Tuy nhiên, không phải việc gì y sĩ cũng có thể làm thay bác sĩ được. Trạm y tế xã được cấp một máy điện tim từ năm năm qua nhưng không có bác sĩ nên phải cất trong kho. Cũng theo ông Ba, dù trạm y tế đã kêu gọi thu hút bác sĩ với chính sách hào phóng như hỗ trợ 100% lương nhưng đến nay vẫn không có bác sĩ. Hòa Châu chỉ là một trong rất nhiều xã, phường ở Đà Nẵng rơi vào tình cảnh thiếu bác sĩ.
Sau khi chia tách huyện, Trung tâm Y tế Q. Cẩm Lệ (Đà Nẵng) phải đảm đương nhiệm vụ khám chữa bệnh cho hàng chục ngàn dân cả quận này và huyện Hòa Vang nên thường xuyên quá tải. Hiện tại trung tâm đang thiếu khoảng 10 bác sĩ. Đà Nẵng đã xây Bệnh viện Đa khoa huyện Hòa Vang (quy mô 100 giường bệnh) dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 9 tới nhưng đến thời điểm này chỉ mới có bộ sậu là giám đốc và phó giám đốc, còn bác sĩ cần đến 30 vị nhưng vẫn đang phải đi tuyển mộ.
"Ở đây làm lương không đủ cưới vợ. Mặc dù ăn cơm nhà nhưng lương không đủ tiền xăng, không đủ tiền đi đám tiệc" (một số bác sĩ đưa ra lý do này khi bỏ Trà Vinh qua Cần Thơ làm việc) |
Còn theo ông Nguyễn Hữu Toàn - phó trưởng ban quản lý dự án Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng - tháng 8 này bệnh viện sẽ đi vào hoạt động với quy mô 500 giường bệnh và cần 130 bác sĩ nhưng hiện nay mới tuyển dụng, đào tạo được 80-90 bác sĩ.
“Thiếu bác sĩ như khát nước mùa hè và sự thiếu hụt này đã thành hệ thống từ thành phố xuống đến xã, phường” - đó là đánh giá của Sở Y tế Đà Nẵng.
Không có thời gian tái tạo sức lao động
Sáng 12-3, tại khu khám bệnh Bệnh viện Đa khoa Cai Lậy (Tiền Giang), chúng tôi chứng kiến người xếp hàng ngồi chờ gọi số thứ tự đã ken chật cả sân và bắc ghế ngồi cả ngoài đường ra vào cổng bệnh viện. Mới 9 giờ sáng mà số thứ tự của bệnh nhân đã gọi lên đến 630.
Khu khám bệnh đã đông người nhưng trong bệnh viện bệnh nhân còn đông hơn. Các khoa của bệnh viện hầu như đều quá tải. Khoa nhi có hơn năm giường bệnh được xếp ngoài hành lang và ngay dưới chân cầu thang của khoa ngoại tổng quát gần đó người nhà bệnh nhi cũng kê giường, lót chiếu để nằm. Khoa ngoại tổng quát cũng bị quá tải, giường bệnh kê san sát đầy hành lang trên tầng 1 của bệnh viện...
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngưu, giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy, cho biết bệnh viện thiếu đến 30 bác sĩ nên các bác sĩ phải gồng thêm, cố gắng giải quyết hết bệnh. Khi ra trực bác sĩ không thể nghỉ nguyên một ngày mà chỉ được nghỉ bù bằng hai buổi chiều để buổi sáng còn khám cho bệnh nhân. Do bệnh nhân quá đông, bác sĩ quản lý như giám đốc, phó giám đốc bệnh viện cũng phải tham gia khám bệnh. Các bác sĩ phải chia sẻ công việc với bệnh viện nên không có thời gian nghỉ để tái tạo sức lao động. Riêng khu khám bệnh, mỗi ngày một bác sĩ phải khám cho hơn 100 bệnh nhân. Theo bác sĩ Ngưu, bệnh viện đã đề xuất lên ngành y tế tỉnh nhưng tình trạng chung là cả tỉnh thiếu bác sĩ nên “bó tay”.
Trong khi đó, theo bác sĩ Võ Thị Chín, giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, mỗi năm Tiền Giang có 3-5 bác sĩ xin nghỉ để đi làm nơi khác. Các bác sĩ này đưa ra lý do là lên TP.HCM theo hoàn cảnh gia đình, nhưng thực chất là do làm việc ở TP.HCM thu nhập cao, có điều kiện vừa học vừa làm.
Tương tự, bác sĩ Nguyễn Văn Thăng, phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh, cho biết thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh mỗi năm đều có vài bác sĩ xin nghỉ việc. Vừa rồi một số bác sĩ bỏ Trà Vinh về Cần Thơ làm vì “ở đây làm lương không đủ cưới vợ. Mặc dù ăn cơm nhà nhưng lương không đủ tiền xăng, không đủ tiền đi đám tiệc”. Có bác sĩ trẻ thẳng thắn cho biết ở Cần Thơ chiêu mộ với mức lương hơn 12 triệu đồng/tháng nên nghỉ làm để qua Cần Thơ thử sức. Theo bác sĩ Thăng, hiện nay sinh viên ngành y mới ra trường chỉ hưởng lương chưa đến 2 triệu đồng/tháng và nếu làm phòng chống AIDS hay các chuyên khoa khác thì được phụ cấp thêm 20-50% tiền lương nên nhiều bác sĩ mới ra trường không “mặn” về quê. (còn tiếp)
Giám đốc bệnh viện kiêm... điều dưỡng Huyện Đakrông (Quảng Trị) là một trong 60 huyện nghèo nhất nước, và bệnh viện huyện này cũng rất “nghèo” bác sĩ. BS Nguyễn Quang Bộ, giám đốc bệnh viện, phải làm cả việc tiêm chích, cấp thuốc của điều dưỡng. Theo bác sĩ Bộ, mùa này là mùa dịch bệnh trong khi phòng khám chỉ có một bác sĩ nên ông phải xuống tăng cường. Hai bác sĩ xoay như chong chóng vừa khám vừa kê đơn, phát thuốc cho cả chục bệnh nhân trong một buổi chiều. Cuối giờ, một bệnh nhi mới được chuyển ra từ phòng khám ở xã Tà Rụt (cách 60km). Bác sĩ trực vừa nghỉ, bác sĩ mới chưa kịp thay ca, vậy là giám đốc bệnh viện lại xắn tay vào khám và túc trực theo dõi đến tối. BS Bộ cho biết bệnh viện chỉ có chín bác sĩ, mà hai trong số đó phải trực ở phòng khám Tà Rụt, hai người chuyên về đông y, nên mỗi khoa chỉ còn chưa tới một BS! Và đây không phải là trường hợp cá biệt của Quảng Trị. Không có phẫu thuật viên vẫn phải mổ Chuyện này đang xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Hinh (Phú Yên). Theo bác sĩ Đỗ Văn Hòa, giám đốc bệnh viện, do không có phẫu thuật viên nên bệnh viện phải sử dụng bác sĩ đa khoa để... phẫu thuật. “Theo quy định của Bộ Y tế, chỉ có bác sĩ ngoại chuyên khoa cấp 1, cấp 2 mới trở thành phẫu thuật viên. Chúng tôi biết mình đứng mổ, dù chỉ ở mức trung phẫu như mổ ruột thừa, mổ sản nhưng cũng không đúng quy định, song có những ca mà không xử lý ngay thì bệnh nhân có thể tử vong” - bác sĩ Hòa nói. Theo bác sĩ Hòa, ông phải đứng ra chịu trách nhiệm nếu có xảy ra tai biến nào đó trong phẫu thuật cho bệnh nhân tại bệnh viện này. |
* Đà Nẵng: thiếu khoảng 300 bác sĩ. Riêng tuyến xã, phường hiện mới có 20/56 nơi có bác sĩ. * Thừa Thiên - Huế: đụng đâu cũng thiếu bác sĩ. Chỉ riêng bệnh viện đa khoa tỉnh (dự kiến hoàn thành trong tháng 7 tới) đã thiếu 100 bác sĩ. Bệnh viện Đa khoa Chân Mây (cấp tỉnh) với quy mô 200 giường bệnh, sắp xây xong nhưng chưa biết tìm đâu ra bác sĩ. Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc và hai phòng khám trực thuộc với quy mô 130 giường bệnh nhưng mới có 16 bác sĩ... * Quảng Trị: thiếu 260 bác sĩ ở bệnh viện hai tuyến huyện và tỉnh. Riêng tuyến xã thiếu bác sĩ trầm trọng. * Phú Yên: thiếu khoảng 100 bác sĩ. * Khánh Hòa: thiếu khoảng 250 bác sĩ. * Tiền Giang: thiếu 143 bác sĩ từ tuyến tỉnh, huyện đến xã. Nếu tính theo chỉ tiêu của Chính phủ yêu cầu là 7 bác sĩ/10.000 dân thì Tiền Giang thiếu đến vài trăm bác sĩ. * Long An: thiếu hơn 400 bác sĩ. Một số chuyên khoa như: lao, tâm thần không ai đi theo, còn trung tâm y tế dự phòng không ai chịu về. * Bến Tre: thiếu vài trăm bác sĩ... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận