Người đi xe gắn máy chen chúc trên đường Phan Đình Phùng, Q. Phú Nhuận - Ảnh: Thanh Tùng |
Bộ Tài chính thừa nhận việc thu phí đường bộ với xe máy đang gặp nhiều khó khăn, hiệu quả không cao và kiến nghị Chính phủ tạm dừng thu phí từ ngày 1-1-2016 đồng thời sửa nghị định để bỏ thu phí xe máy như kiến nghị của hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương.
Thêm gánh nặng cho dân
Anh Lê Minh Đức cho rằng, đề xuất bỏ thu phí xe máy là phù hợp vì nhân dân còn nghèo, phương tiện đi lại chủ yếu là xe máy, nếu thu phí là thêm gánh nặng cho cuộc sống người dân.
Anh Nguyễn Cao Sơn bức xúc: “Bất hợp lý khi đã thu phí cầu đường trong xăng, nay lại phải đóng phí bảo trì đường bộ. Quá nhiều thứ phí cho xây dựng, sửa chữa, bảo trì nhưng chất lượng cầu đường thì quá kém, tiền đầu tư lớn nhưng vừa làm xong đã hỏng”.
Trong khi đó, chị Hoài Thu nêu ý kiến: "Tính khả thi của việc thu phí xe máy là rất thấp, không được mọi người đồng thuận. Nhiều địa phương đã đề nghị dừng thu phí này nhưng sao không ngưng thu ngay mà phải chờ đến năm 2016"?
Một bạn đọc băn khoăn: “Thu về rồi đường vẫn như cũ thì thu để làm gì? Trong khi đóng phí vẫn không đảm bảo thêm quyền lợi, hỏi sao người dân chúng tôi không bức xúc được”.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hồng Thái - trưởng bộ môn Quản trị kinh doanh (Khoa Vận tải kinh tế, ĐH Giao thông vận tải Hà Nội) nhấn mạnh, đã là phí thì phải mang tính chất chung, địa phương này thu nhưng địa phương khác không thu là không công bằng.
Một cán bộ hưu trí (Q.9, TP.HCM) chia sẻ: “Các phường thu chủ yếu nhờ vận động đảng viên, cán bộ khi họp thôi chứ thu trong dân thì rất ít”.
Ba nguyên nhân mà ông Thái chỉ ra khiến việc thu phí xe máy không được ủng hộ là hiện nay, một chiếc xe máy đã phải chịu quá nhiều loại phí, thuế; người dân chưa cảm nhận được việc nộp phí của họ sẽ giúp ích gì, họ được hưởng gì.
"Trong khi đó, chúng ta cứ thu mỗi thứ một ít khiến họ rất áp lực; phí thu về sẽ dùng vào việc gì và dùng như thế nào khi hiện tượng thu phí rất nhiều nhưng kết quả mang lại không cao", ông Thái nói.
Xe máy là một trong những phương tiện giao thông quan trọng đối với người dân TP.HCM (ảnh chụp trên đường Trần Não, Q.2 chiều 28-6) - Ảnh: Thanh Tùng |
Không mang lại hiệu quả kinh tế
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Huỳnh Thế Du (giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) nói: "Nếu thu phí xe máy đồng nghĩa với thu trên tất cả người dân VN, vì tính trung bình mỗi người VN đều có một xe máy".
Mà như vậy, tiến sĩ Phạm Xuân Mai (khoa kỹ thuật giao thông, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM) khẳng định, việc thu phí rất phức tạp và không thể đạt hiệu quả cao.
“Thu phí xe máy là phải thu nhiều đầu mối. Chỉ riêng TP.HCM đã có trên 5 triệu xe gắn máy thì chi phí bỏ ra cho việc này là rất lớn. Trong khi đó, lượng xe lưu thông trong TP rất phức tạp, không phải người quản lý cũng là người đi xe mà có trường hợp người đi xe nhưng quản lý là người khác, xe sang tên, xe ở tỉnh thành khác”, ông Mai phân tích.
Xe máy là phương tiện giao thông hiệu quả nhất với cấu hình đô thị VN hiện nay, nhất là với các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội - nơi có diện tích đất dành cho giao thông chỉ trên dưới 8%. Trong khi đó, tại các thành phố lớn khác trên thế giới, con số này ít nhất phải gấp đôi của VN. |
TS Huỳnh Thế Du |
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hồng Thái cho rằng thu không đạt sẽ dẫn đến trường hợp nhiều khi tiền lương phải trả cho người đi thu còn cao hơn số tiền thu được, không mang lại hiệu quả kinh tế.
Ở khía cạnh pháp luật, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật sư TP.HCM - cho biết, khi triển khai, công tác thu phí đã gặp nhiều khó khăn do không được sự đồng thuận của người dân, số lượng xe máy nhiều và là tài sản di động, không bắt buộc phải đăng kiểm lưu hành, người sử dụng xe máy cũng không bắt buộc phải là chủ sở hữu (đây là tình trạng khá phổ biến).
Hơn nữa, theo luật sư Hậu, việc người sử dụng xe máy như sinh viên, người lao động… đăng ký xe tại địa phương này nhưng sinh sống, học tập và làm việc tại địa phương khác cũng khiến cho cơ quan nhà nước khó kiểm soát và thu phí. Mặc dù đã có quy định về chế tài đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí tại Điều 6 thông tư số 186/2013/TT-BTC nhưng trên thực tế rất khó thực hiện.
Ông Hậu cho rằng, việc duy trì thu phí sử dụng đường bộ là cần thiết. Tuy nhiên, để áp dụng về lâu dài đối với xe máy, cần phải có cách thức quản lý xe hiệu quả, giải thích rõ đến người dân.
Mời bạn đọc nghe các phát biểu:
>> TS Huỳnh Thế Du
>> TS Phạm Xuân Mai
>> PGS.TS Nguyễn Hồng Thái
>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận