
Đoàn khảo sát thi hành án làm việc tại vườn chuối vào sáng 15-4 - Ảnh: THUẬN HÒA
Ngày 15-4, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh đã tổ chức đoàn khảo sát việc di dời tài sản và khảo sát thực địa diện tích đất tại khu vực Nông trường cao su Bời Lời cũ, thuộc địa bàn xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng.
Việc khảo sát này nhằm thi hành án theo bản án phúc thẩm ngày 22-3-2023 của TAND tỉnh Tây Ninh về việc tranh chấp đòi lại tài sản giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 30-4 Tây Ninh đối với ông Võ Quan Huy (thường gọi là “vua chuối” Út Huy) và 5 người khác.
Mong được tạm hoãn thời gian thi hành án
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Út Huy cho biết đã phối hợp với đơn vị thi hành án để thực hiện việc khảo sát này.
Bản án phúc thẩm ngày 22-3-2023 chính là bản án đã được Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM ra quyết định kháng nghị vào tháng 11-2023. Sau đó đến tháng 2 và tháng 3 vừa qua, viện lại ra liên tiếp hai quyết định rút kháng nghị.
Theo nội dung bản án, ông Út Huy và người liên quan phải đập bỏ, tháo dỡ, cắt bỏ, thu dọn, di dời tài sản trên hơn 58ha đất tại xã Đôn Thuận. Đồng thời phải trả hơn 2,8 tỉ đồng tiền thuê đất.
“Tôi cũng vừa nhận được giấy mời của UBND xã Đôn Thuận đến làm việc liên quan đến hơn 13ha đất của vườn chuối. Tôi vẫn đang tiếp tục gửi đơn cầu cứu đến nhiều cơ quan nhà nước, xin xem xét lại việc rút kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM”, ông Út Huy cho hay.
Hiện tại ở khu vực được khảo sát, vườn chuối rộng hơn 72ha của ông Út Huy vẫn đang trong thời kỳ thu hoạch.
Với khoảng 120.000 gốc chuối, cùng với hệ thống cáp treo thu hoạch chuối, nhà xưởng đóng gói… ông Út Huy cho biết mình đã đầu tư gần 50 tỉ mới có được vườn chuối để xuất khẩu này.
"Địa chỉ vườn chuối ở xã Đôn Thuận lẫn quy trình sản xuất chuối tại đây đều đã được các khách hàng vốn là thị trường khó tính như Nhật Bản về khảo sát, kiểm tra kỹ lưỡng mới tiến hành ký hợp đồng xuất khẩu. Nay nếu mất đi vườn chuối này, thiệt hại không chỉ tính toán về mặt vật chất, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của phía khách hàng, việc làm ăn của mình về sau cũng rất khó khăn.
Tôi chỉ mong được tạm hoãn thi hành án để vụ việc có thêm thời gian giải quyết vụ tranh chấp một cách thỏa đáng, xin được hưởng mức bồi thường tài sản trên đất hợp lý theo giá nhà nước. Cũng như có thể sắp xếp việc sản xuất, làm ăn ổn thỏa", ông Út Huy nói.
Vườn chuối qua hàng loạt bản án
Trong các năm 1992, 1993, ông Út Huy ký hợp đồng với Nông trường cao su Bời Lời tổng cộng 70ha đất để trồng mía. Thời hạn của hai hợp đồng là 11 năm tính từ lúc ký.
Đến năm 1996, Công ty cao su 30-4 Tây Ninh được UBND tỉnh thành lập, sau đó được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hơn 512ha của Nông trường cao su Bời Lời.
Năm 2004, Công ty TNHH MTV cao su 30-4 Tây Ninh được Tỉnh ủy Tây Ninh thành lập theo hình thức chuyển đổi từ Công ty cao su 30-4 Tây Ninh. Cũng trong năm này, Nông trường cao su Bời Lời chấm dứt hoạt động.

Vườn chuối của ông Út Huy và nhà xưởng đang trong quá trình bị thi hành án - Ảnh: SƠN LÂM
Năm 2007, công ty kiện ông Út Huy và những người liên quan đòi lại 69ha đất. Lý do là đến năm 2004 đã hết thời hạn hợp đồng mà ông không trả lại đất. Đồng thời yêu cầu trả lại số tiền nợ thuế nông nghiệp từ khi hết hạn hợp đồng.
Trong khi đó, ông Út Huy cho rằng khi nông trường giao 70ha đất cho ông là đất rừng chồi, gò mối… Sau khi nhận đất, ông phải san lấp, tôn tạo để làm tăng giá trị đất. Ông đồng ý giao đất, nhưng công ty phải bồi thường 20% giá trị tiền khai hoang và tăng giá trị đất, giảm 50% tiền thuế, phí quản lý và ưu tiên cho gia đình ông được quyền nhận khoán lại.
Tháng 4-2008, TAND huyện Trảng Bàng xử sơ thẩm công ty thắng kiện. Tháng 10-2008, TAND tỉnh Tây Ninh tiếp tục có bản án phúc thẩm y án sơ thẩm.
Đến tháng 5-2010, TAND tối cao ra quyết định giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh, giao vụ án lại cho TAND huyện Trảng Bàng xét xử sơ thẩm lại.
Theo nhận định của Hội đồng giám đốc thẩm, năm 2007 ông Huy có giao cho UBND xã Đôn Thuận hơn 12ha đất, tuy nhiên trên thực tế diện tích đất ông đang sử dụng hơn 80ha.
Do đó cần hủy hai bản án để xác minh diện tích đất ông Huy đang sử dụng là bao nhiêu. Nếu diện tích tăng thì cần làm rõ có phải do khai phá mở mang thêm, hay khi giao đất không đo đạc cụ thể, để có cơ sở giải quyết theo quy định.
Ngoài ra cũng cần phải xem xét đến chính sách miễn, giảm thuế đất nông nghiệp của Nhà nước, chưa làm rõ diện tích đất ông Huy khi nhận thuê của nông trường cao su là đất như thế nào, có phải cải tạo đầu tư gì hay không để xem xét công sức cho ông Huy. Công ty lấy lại đất là để trực tiếp canh tác hay cho người khác thuê để đảm bảo theo thứ tự ưu tiên theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên…
Quyết định giám đốc thẩm này được TAND huyện Trảng Bàng thụ lý, sau đó được đình chỉ do nguyên đơn rút kiện.
Đến năm 2018, công ty tiếp tục làm đơn khởi kiện đòi lại đất. Tuy nhiên đến năm 2020, vụ khởi kiện lần hai này tiếp tục được TAND thị xã Trảng Bàng ra quyết định đình chỉ do người khởi kiện chưa đủ điều kiện khởi kiện.
Năm 2009, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành quyết định thu hồi hơn 512ha tại khu vực này để thực hiện dự án khu liên hợp công nghiệp đô thị dịch vụ Phước Đông - Bời Lời.
Năm 2016, tỉnh điều chỉnh diện tích thu hồi còn hơn 374ha. Và ra quyết định cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 30-4 Tây Ninh thuê hơn 136ha còn lại để trồng cao su.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận