Học sinh Singapore. Ảnh minh họa. Nguồn: focussingapore.com
Các quốc gia châu Á mà dẫn đầu là Singapore đang chiếm top đầu về năng lực giáo dục toàn cầu. Đây là kết quả cuộc khảo sát PISA (The Programme for International Student Assessment - Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở tại Paris (Pháp) tiến hành và công bố ngày 5/12.
Cuộc khảo sát được thực hiện 3 năm/lần nhằm đánh giá năng lực của trẻ 15 tuổi trước những thách thức trong cuộc sống thực. Cuộc khảo sát lần này được thực hiện trong năm 2022 với sự tham gia của 690.000 học sinh ở 81 quốc gia và nền kinh tế.
Kết quả khảo sát cho thấy Singapore đứng đầu với số điểm cao nhất trong cả 3 lĩnh vực khảo sát: Toán, kỹ năng đọc và khoa học. Tính trung bình, một học sinh Singapore có thành tích học tập cao hơn các bạn cùng lứa ở các nước khác từ 3 - 5 năm học. Các đại diện châu Á khác nằm trong top đầu còn có 3 vùng lãnh thổ của Trung Quốc là Macau, Đài Loan, Hong Kong, cùng Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong khi đó, châu Âu lại tụt hậu so với châu Á. Điển hình là Đức, Iceland, Hà Lan, Na Uy và Ba Lan đều ghi nhận học sinh có thành tích toán học thấp hơn đáng kể. Estonia là nước học sinh có thành tích tốt nhất ở châu Âu. Hai nước lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU) là Đức và Pháp đều xếp sau Thụy Sĩ, Ireland, Bỉ và Anh.
Hệ thống giáo dục Mỹ hiện nay không có nhiều thay đổi so với cuộc khảo sát năm 2018 khi học sinh yếu hơn về toán và đạt mức trên trung bình về kỹ năng đọc và khoa học.
Lý giải về sự thay đổi này, nhà phân tích giáo dục Irene Hu của OECD cho rằng tình trạng giãn cách trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành đã gây tổn hại đến các tiêu chuẩn giáo dục. Theo bà, ngoài ra, các vấn đề lâu dài trong hệ thống giáo dục cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến hiệu quả giảng dạy và học tập giảm sút. Báo cáo cũng nhấn mạnh đến những yếu tố tác động tích cực đến kết quả học tập học sinh ở châu Á, đó là sự hỗ trợ của nhà trường, giáo viên và sự đồng hành của cha mẹ học sinh. Ông Eric Charbonnier, một chuyên gia phân tích giáo dục khác của OECD, cho rằng một số hệ thống giáo dục hiện không có đủ nguồn lực để hỗ trợ các học sinh. Theo ông, các nước đã đầu tư cho giáo dục trong 10 năm qua nhưng có lẽ chưa đầu tư hiệu quả hoặc đủ vào chất lượng giảng dạy.
Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann cho biết kết quả PISA mới nhất được công bố trong bối cảnh môi trường giáo dục "đã thay đổi sâu sắc". Theo ông, ngoài tác động của COVID-19, ngành giáo dục cũng đối mặt với quá trình ứng dụng kỹ thuật số sâu rộng trong xã hội so với cuộc khảo sát trước đó vào năm 2018.
Cũng trong cuộc khảo sát này, OECD đã lần đầu tiên đánh giá mức độ hạnh phúc (hài lòng) của học sinh trên 9 khía cạnh trong cuộc sống, trong đó có sự gắn kết với trường học, hạ tầng vật chất và văn hóa, tính mở với sự đa dạng và lợi ích tâm lý. Theo đó, những học sinh có thành tích toán học hàng đầu như Singapore, Macao và Đài Loan lại khó tìm thấy sự hài lòng, nhiều em lo sợ bị thất bại và hạn chế tham gia vào các hoạt động ngoại khóa cũng như tập thể thao.
Ngược lại, với học sinh ở các quốc gia có điểm khảo sát PISA trung bình thấp hơn, như Tây Ban Nha và Peru, các nhà nghiên cứu nhận thấy mức độ lo lắng của các em cũng ít hơn và các em có nhiều thời gian hơn cho việc rèn luyện thể chất./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận