Đại diện nhóm nghiên cứu do PGS.TS Bùi Chí Hoàng (bìa phải) làm chủ nhiệm nhận giải thưởng - Ảnh: TRỌNG NHÂN
PGS.TS Nguyễn Văn Lịch, phó chủ tịch Ủy ban giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu, cho biết hội đồng giám khảo đánh giá cao công trình khoa học "Khảo cổ học Nam Bộ", thuộc thể loại lịch sử, kết tinh những thành tựu nghiên cứu của nhiều nhà sử học và khảo cổ học.
Từ năm 2008 - 2010, công trình cũng trực tiếp tham gia Chương trình Khoa học xã hội cấp nhà nước điều tra cơ bản và hệ thống hóa tư liệu khảo cổ học vùng Nam Bộ giai đoạn 1976 - 2005, được hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước xếp loại xuất sắc vào năm 2012.
Sau đó, nhóm tác giả tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hệ thống hóa tư liệu, đông thời cập nhật những phát hiện mới đến năm 2012 biên soạn thành bộ sách "Khảo cổ học Nam Bộ - Thời tiền sử và Thời sơ sử" do NXB Khoa học xã hội xuất bản.
Theo PGS.TS Bùi Chí Hoàng, công trình "Khảo cổ học Nam Bộ" là cơ sở dữ liệu của các ngành khoa học khác nhau khi tìm hiểu về vùng đất Nam Bộ - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Phát biểu tại lễ trao giải, PGS.TS Bùi Chí Hoàng cho biết tác phẩm "Khảo cổ học Nam Bộ" đã hệ thống hóa tài liệu thu thập được từ hoạt động của khảo cổ học sau gần 40 năm phát hiện và nghiên cứu.
Với lượng thông tin đồ sộ về điều kiện tự nhiên, văn hóa, con người từ các nguồn uy tín và những hiện vật quý được phát hiện, công trình góp phần khắc họa diện mạo của vùng đất Nam Bộ từ thời tiền sử và sơ sử.
Đây sẽ là cơ sở dữ liệu của các ngành khoa học khác nhau, đặc biệt là nền tảng cho những nghiên cứu tiếp theo về quá trình khai phá vùng đất Nam Bộ sau này.
Giải thưởng Trần Văn Giàu được thành lập tháng 1-2002 theo nguyện vọng của cố GS Trần Văn Giàu, được trao cho các công trình thuộc 2 lĩnh vực lịch sử và lịch sử tư tưởng tại Nam bộ và cực Nam Trung bộ (từ Ninh Thuận đến Cà Mau).
Từ năm 2002 đến nay, bên cạnh hỗ trợ nhiều công trình xuất sắc, giải thưởng cũng bị gián đoạn nhiều lần (các năm 2007, 2008, 2012, 2013...) do số tác phẩm tham gia quá ít hoặc không đạt chất lượng.
Đặc biệt, thể loại lịch sử tư tưởng vẫn chưa có người nhận kể từ khi giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu ra đời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận