27/12/2015 16:56 GMT+7

Khánh thành khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Sáng 27-12, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức lễ khánh thành khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, kỷ niệm 20 năm ngày truyền thống khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi (19-12-1995 - 19-12-2015) và đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động.

Các đại biểu cắt băng khánh thành khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP.HCM được khánh thành sáng 27-12 - Ảnh: Quang Định
Các đại biểu cắt băng khánh thành khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP.HCM sáng 27-12 - Ảnh: Quang Định

Tham dự buổi lễ có ông Phan Văn Khải, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên thủ tướng Chính phủ; ông Lê Thanh Hải, ủy viên Bộ Chính trị, chỉ đạo Đảng bộ TP.HCM; ông Trương Hòa Bình, ủy viên Trung ương Đảng, chánh án Tòa án nhân dân tối cao; ông Võ Văn Thưởng, ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Thành Phong, ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch UBND TP.HCM; các mẹ Việt Nam anh hùng cùng đông đảo người dân Củ Chi các thế hệ.

Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định khởi công từ ngày 18-2-2010, nằm trong quần thể khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi (ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi), với diện tích 13,5ha, gồm khu đền thờ, nhà văn bia, khu lễ, khu hồ sen, cầu đá, cảnh quan đặc trưng Tây Nam bộ.

Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP, nhấn mạnh trong bài phát biểu: sở dĩ chọn địa điểm này để xây dựng khu truyền thống cách mạng là bởi nơi đây các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Văn Trà, Tô Ký, Mai Chí Thọ và nhiều vị lão thành cách mạng đã từng bám trụ, hoạt động, chiến đấu, và chính nơi đây, căn cứ Hố Bò, xã Phú Mỹ Hưng là hậu phương vững chắc, nơi lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy phong trào cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

“Việc khánh thành khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định vào dịp kỷ niệm 20 năm truyền thống khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi là lời tri ân sâu sắc và báo cáo với Bác Hồ, với các anh hùng liệt sĩ về tinh thần đoàn kết sáng tạo, dám nghĩ, biết làm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân TP” - ông Phong nói.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, chỉ đạo Đảng bộ TP.HCM - bày tỏ mong muốn các cấp ủy trong toàn Đảng bộ TP triển khai thật nhiều hoạt động phong phú, sinh động để các tầng lớp nhân dân tham quan, tìm hiểu nhằm hun đúc truyền thống cách mạng, vun bồi lý tưởng cao đẹp, lắng đọng về sự hi sinh của đồng bào, chiến sĩ.

“Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí giữ những vị trí chủ chốt của TP cần luôn tự soi rọi, tự răn mình; luôn tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu không ngừng để xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân và trọng trách mà Đảng và nhân dân giao. Tạo thêm động lực chính trị để toàn Đảng bộ và nhân dân TP tiếp tục phấn đấu “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; vì cả nước, cùng cả nước, xứng đáng là thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu - thành phố anh hùng” - ông Hải nhấn mạnh.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải nói khu truyền thống này là bức tranh toàn cảnh thu nhỏ con đường đấu tranh trường kỳ, gian khổ mà Đảng bộ và nhân dân TP đã trả qua trong nhiều chặng đường lịch sử.

Những hình ảnh và tư liệu giới thiệu khu truyền thống này đã để lại trong lòng người xem niềm kiêu hãnh lớn.

Việc xây dựng khu truyền thống cách mạng này trong thời điểm kết thúc năm 2015 là một món quà rất có ý nghĩa để Đảng bộ và nhân dân TP.HCM chúc mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

“Tôi tin rằng, sau khi hoàn thành, khu truyền thống cách mạng này sẽ góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của đông đảo đảng viên, cán bộ chiến sĩ và đồng bào, giúp vào việc nâng cao lòng tự hào là công dân của TP anh hùng, xây dựng niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng;

Cung cấp kiến thức để mỗi đảng viên, cán bộ và nhân dân không ngừng nâng cao hơn nữa truyền thống yêu nước, rèn luyện bản lĩnh chính trị và khí phách của chủ nghĩa anh hùng, ra sức phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”, ông Phan Văn Khải nhấn mạnh. 

Nhân dịp này, khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi cũng đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo. Trong 20 năm hoạt động, khu di tích đón hơn 20 triệu lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu.

PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ THANH HẢI, ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ

CHỈ ĐẠO ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TẠI LỄ KHÁNH THÀNH KHU TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG

SÀI GÒN - CHỢ LỚN - GIA ĐỊNH

(ngày 27 tháng 12 năm 2015)

_______

- Kính thưa Đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ,

- Kính thưa Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu,

- Kính thưa quý Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng,

- Thưa các vị đại biểu, đồng bào, đồng chí,

Trong niềm phấn khởi, tự hào chào mừng thắng lợi Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, hướng đến Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng ta; kỷ niệm 70 năm cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, bầu ra Quốc hội Việt Nam; hôm nay, tôi rất vui mừng, cùng với đồng chí Phan Văn Khải, giáo sư Vũ Khiêu và đồng chí, đồng bào dự lễ khánh thành khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định do Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức rất long trọng. Tôi trân trọng gửi đến đồng chí Phan Văn Khải, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu; gia đình các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy, Trung ương Cục miền Nam, Tỉnh ủy Gia Định, Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định;  quý bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình có công với nước và các vị đại biểu, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ thành phố lời kính chúc mạnh khỏe và tình cảm quý mến chân thành.

Thưa các vị đại biểu, đồng bào, đồng chí,

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Trong số các trung tâm của phong trào “An Nam trẻ” thì đứng đầu là Sài Gòn”[1];  cùng cả nước và miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã trải qua chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường và giành thắng lợi vẻ vang, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Miền Nam là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam”, “đi trước về sau”, đứng nơi đầu sóng ngọn gió, trong khói lửa đạn bom, trong đọa đày, áp bức. Trong cuộc chiến đấu vô cùng cam go, quyết liệt, hy sinh, gian khổ của đồng bào, chiến sĩ miền Nam và cả nước. Đảng bộ và Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đương đầu trực diện với các thế lực thực dân, đế quốc sừng sỏ và tay sai, cực kỳ xảo quyệt, thâm độc, rất hung hãn, tàn bạo ngay tại trung tâm sào huyệt - nơi trú đóng các cơ quan đầu não của chúng. Thử thách hết sức gay gắt đối với Đảng bộ không chỉ là vượt qua biết bao gian lao, ác liệt, hi sinh mà chính là sự đọ sức với kẻ thù về mưu lược, về trí tuệ của từng tập thể cấp ủy, của từng cán bộ, đảng viên để tồn tại, bám trụ, dựa vào dân, gây dựng phong trào, phát động và tổ chức nhân dân đứng lên đấu tranh cách mạng. Biết bao đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đã kiên cường vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách ác liệt, chiến đấu anh dũng, hy sinh, cống hiến xương máu, tuổi thanh xuân trên mảnh đất này. Trong mỗi chiến công của thành phố đều “có máu xương, công sức, trí tuệ của chiến sĩ và đồng bào khắp mọi miền đất nước”[2].

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM đời đời ghi lòng tạc dạ công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu; mãi mãi tri ân, biết ơn vô hạn sự cống hiến to lớn của các thế hệ cách mạng đi trước, sự hi sinh vô bờ bến của các bà mẹ Việt Nam anh hùng, của đồng bào, chiến sĩ cả nước, của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Nhằm khắc họa sâu sắc lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, hào hùng, vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, đời đời tôn vinh, tri ân các đồng chí lãnh đạo, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ đã có công lao to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; bồi dưỡng truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, thanh niên, thiếu nhi và các thế hệ mai sau; phát huy truyền thống vẻ vang ấy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM anh hùng; Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đã quyết định xây dựng khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định để thờ những đồng chí có công lớn với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh ủy, Khu ủy, Thành ủy, các đoàn thể, lực lượng vũ trang thành phố trong kháng chiến. Đền thờ được xây dựng trên vùng đất thép Củ Chi; vùng đất mà mỗi người dân là một chiến sĩ cách mạng, mỗi địa đạo là một pháo đài đánh giặc, với hệ thống hàng trăm kilômet tỏa khắp lòng đất, được xây dựng bằng sức dân, với lòng yêu nước nồng nàn, với niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, với ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; được cả năm châu, bốn biển biết đến như một biểu tượng sáng ngời về ý chí, nghị lực phi thường của con người Việt Nam.

Quá trình hình thành, xác định chủ trương, tổ chức thực hiện, đặc biệt là nội dung truyền thống, lịch sử, Ban thường vụ Thành ủy luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn sâu sắc, giàu tính nhân văn, đầy tâm huyết, tận tình, trực tiếp vô cùng quý báu của đồng chí Phan Văn Khải, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, sự góp ý thường xuyên, trách nhiệm của các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7, của các nhà khoa học, nhân sĩ, văn nghệ sĩ và các tầng lớp Nhân dân. Đền thờ và các hạng mục của Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1 đạt yêu cầu cao.

Tất cả chúng ta trân trọng, chân thành biết ơn sự đóng góp công sức, trí tuệ, tâm huyết, thời gian quý báu của Đồng chí Phan Văn Khải cho công trình lịch sử, văn hóa này.

Trân trọng cám ơn giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu, dù tuổi rất cao, bộn bề công việc, vẫn dành thật nhiều tâm huyết, trí lực đọc, nghiên cứu rất nhiều tài liệu, trăn trở từng câu, cân nhắc từng chữ để phụng thảo tác phẩm Văn bia. Tác phẩm Văn bia khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là một áng văn có giá trị lịch sử và văn học, thể hiện sâu sắc sự tri ân với trách nhiệm và nghĩa tình sâu đậm, niềm tự hào to lớn, tính giáo dục, truyền cảm rất cao.

Tôi hoan nghênh và đánh giá cao sự hỗ trợ, phối hợp rất trách nhiệm, tích cực, hiệu quả của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7 với TP.HCM; hoan nghênh những nỗ lực của Hội đồng nghệ thuật, Ban tuyên giáo Thành ủy, khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, của các cơ quan thành phố, của cán bộ kỹ thuật, công nhân các đơn vị tư vấn, thi công đã góp công sức hoàn thành công trình khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định bảo đảm yêu cầu đề ra.

Thưa các vị đại biểu, đồng bào, đồng chí,

Với giá trị và tầm vóc chiến công oanh liệt được kết tinh bằng xương máu, công sức của hàng vạn chiến sĩ, đồng bào, khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đã được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và sắp tới là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Hình thành từ năm 1995, khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách trong nước, ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, trở thành điểm hẹn truyền thống của các thế hệ người Việt Nam và niềm kính phục của bạn bè thế giới.

Công trình khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động của Đảng và Nhà nước trao tặng. Đó là kết quả của quá trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ, công nhân, nhân viên khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi. Tôi chúc các đồng chí mạnh khỏe, đoàn kết, sáng tạo, tiếp tục phát huy truyền thống rất tự hào của 20 năm hình thành, phát triển của khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi để hoàn thành trọng trách quản lý, phát triển, phát huy sứ mạng giáo dục lịch sử, truyền thống của khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt này.

Thưa các vị đại biểu, đồng bào, đồng chí,

Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã hoàn thành giai đoạn 1 thật trang trọng, thật uy nghiêm mà ấm áp, linh thiêng mà gần gũi, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân thành phố. Nằm trong quần thể các công trình của khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, cùng với đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược - nơi tri ân sâu sắc, tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào, chiến sĩ ở mọi miền đất nước đã chiến đấu, hi sinh trên vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định hoàn thành, nhất định sẽ góp phần rất quan trọng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, thanh niên, thiếu nhi hôm nay và các thế hệ mai sau lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống cách mạng, lịch sử dân tộc, về Đảng ta, biết ơn công lao và sự hi sinh vô bờ bến của các bậc tiền nhân, của nhân dân ta.

“Thành đồng Tổ quốc, lẫy lừng muôn dặm tại nơi đây

Đất thép Củ Chi, sừng sững ngàn thu là thế đó

Rạng tinh hoa Hồng Lạc Văn Lang

Vang bản lĩnh Sài Gòn Nam bộ”[3]

Tôi mong rằng các cấp ủy trong toàn Đảng bộ thành phố, đặc biệt là Thành đoàn TP.HCM triển khai thật nhiều các hoạt động phong phú, sinh động để đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham quan, tìm hiểu nhằm hun đúc truyền thống cách mạng, vun bồi lý tưởng cao đẹp, lắng đọng về sự hi sinh của đồng bào, chiến sĩ, để cảm nhận, tâm đắc ý nghĩa của hòa bình, độc lập, thống nhất và cuộc sống bình yên hôm nay, để tri ân và tự dặn mình rèn luyện đạo đức cách mạng, củng cố niềm tin vững chắc vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí Thành ủy, các đồng chí giữ những vị trí chủ chốt của thành phố cần luôn tự soi rọi, tự răn mình; luôn tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu không ngừng để xứng đáng với sự tin tưởng của Nhân dân và trọng trách mà Đảng và nhân dân giao. Tạo thêm động lực chính trị để toàn Đảng bộ và nhân dân thành phố tiếp tục phấn đấu “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quyết tâm thực hiện hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội X Đảng bộ thành phố đề ra, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XII của Đảng; xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; vì cả nước, cùng cả nước, xứng đáng là thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu - thành phố anh hùng.

Một lần nữa, tôi kính chúc đồng chí Phan Văn Khải, giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu, kính chúc quý bà mẹ Việt Nam anh hùng mạnh khỏe, trường thọ; xin chúc các vị đại biểu, đồng bào, đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. 

Xin chân thành cảm ơn.

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, trang 512, Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, 2011.

[2] Lê Duẩn: Xứng đáng hơn nữa là thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ II, 1980, trang 28.

[3] Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu: Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Đất linh thiêng rợp bóng anh hùng, Văn bia Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Chỉ đạo Thành ủy TP.HCM phát biểu trong lễ kỷ niệm 20 năm truyền thống khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi sáng 27-12 - Ảnh: Quang Định
Ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, chỉ đạo Thành ủy TP.HCM - phát biểu trong lễ kỷ niệm 20 năm truyền thống khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi sáng 27-12 - Ảnh: Quang Định
Một góc khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP.HCM được khánh thành sáng 27-12 - Ảnh: Quang Định
Một góc khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP.HCM được khánh thành sáng 27-12 - Ảnh: Quang Định
Một góc khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP.HCM được khánh thành sáng 27-12 - Ảnh: Quang Định
Một góc khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP.HCM được khánh thành sáng 27-12 - Ảnh: Quang Định
MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp