Em còn nhớ hay em đã quên - Khánh Ly - Sài Gòn 2017
Có những bài hát mình có thể hát không hay nhưng là bài ở lại trong tim mình, bài mình yêu nên cứ hát. Nhạc sĩ có cấm tôi hát cũng không cấm được. Đừng bao giờ nghĩ mình hát không hay, mình hát làm người nghe nghĩ tới người hát, quan trọng mình hát cho trái tim mình ấm áp nên mình cứ hát cho mình trước.
Ca sĩ Khánh Ly
Như bao lần diễn ở TP.HCM, lần nào danh ca Khánh Ly cũng chọn mặc chiếc áo dài ý nghĩa như câu hát "ngày xưa em đến em mặc áo lụa vàng..." của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.
Rồi bà lại tự trả lời bằng một câu nhạc khác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn "đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời".
Chương trình bắt đầu từ 20h30 với Áo lụa vàng cùng lời chào của ca sĩ Khánh Ly: "Xin kính chào tất cả quý vị và xin kính chào Sài Gòn".
Sau lời chào, bà dẫn dắt khán giả đến với Khánh Ly thuở lên năm, lên ba; thuở Hà Nội của những ngày tháng cũ với bản tình ca thời đầu tân nhạc: Con thuyền không bến (Đặng Thế Phong).
Theo lời ca sĩ Khánh Ly: "Với hai ca khúc vừa hát, đều là những bài hát tôi đã yêu khi mới 3 tuổi. 70 năm qua tôi vẫn yêu nó, yêu những nhạc sĩ cống hiến cho đời.
Có những bài tôi hát lại mà tưởng như mình đang trở lại thuở 3 tuổi, 7 tuổi, 12 tuổi, 16 tuổi…
Mỗi bài hát, mỗi thời qua như thế là kỷ niệm về những tháng ngày Hà Nội. Nó ùa về với bao hình ảnh:
Đứng trước cửa căn nhà xưa 106 Hàng Bông chợt muốn bước qua đường mở cửa và ước mơ người ra mở cửa là cha mẹ hay bà nội của tôi nhưng tất cả không còn ai cả; ngay cả căn nhà không còn của mình, cả con đường tuổi thơ mình cũng không giống nữa.
Tôi chỉ còn tìm thấy trong trái tim và tâm tưởng mình những hình ảnh đã phai mờ".
Nhưng khi hát lại tình khúc cũ tôi vẫn thấy mình nên sống thêm một thời gian nữa để hát những tình khúc này bởi thời gian tưởng chừng ngày càng dài cho ta nhưng ta lại không còn thời gian bao nhiêu. Thời gian cho ta càng gần đến huyệt mộ, cho giọng hát đã tàn úa tuy nhiên trái tim chưa già
Ca sĩ Khánh Ly
Ca sĩ Khánh Ly - Ảnh: Quỳnh Trang
Ca sĩ Khánh Ly cũng chia sẻ mỗi lần đứng trên sân khấu đều là mỗi lần bà xúc động đứng không nổi.
"Y như lần đầu tiên diễn cùng ông Trịnh Công Sơn, tôi cũng sợ đứng không nổi nên bỏ giày ra và thành ra tôi hát chân đất", ca sĩ Khánh Ly duyên dáng kể và khán phòng cổ vũ bà bằng những tràng pháo tay.
Ca sĩ Khánh Ly tiếp tục chương trình bằng nhạc phẩm với giai điệu tango - Qua bến năm xưa của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, một ca khúc mà Khánh Ly đã hát từ năm 14 tuổi.
Cho đến giờ, ca sĩ Khánh Ly vẫn luyến tiếc vì chưa gặp được người nhạc sĩ này bởi ông là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi từng tìm đến nhà ca sĩ Khánh Ly vào năm 1967 và gặp mẹ của Khánh Ly để nhắn rằng ông rất thích Khánh Ly hát nhạc ông.
Ở những đêm nhạc Khánh Ly, khán giả thường đến bằng kỷ niệm với nhạc cũ, giọng ca xưa, kỷ niệm đã qua…
Thế nên, ca sĩ Khánh Ly rất khéo léo khi dẫn đêm nhạc mình bằng những trải nghiệm của chính Khánh Ly với bản nhạc.
Như với Ngày trở về của nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Khánh Ly kể câu chuyện nho nhỏ rằng:
Ngày tôi bảy tuổi, tám tuổi ở Hà Nội, mỗi cuối tuần tôi được mẹ đón về Hàng Bông, từ ngày đó tôi đã ham chơi mà trốn nhà đi nghe lóm nhạc. Tôi nghe cô Thái Thanh, chú Ngọc Bảo… hát Ngày trở về. Và bài hát đó theo tôi cho đến năm 12 tuổi khi tôi trốn nhà đi theo xe chở rau từ Đà Lạt về Sài Gòn dự thi hát với Ngày trở về. Từ khi đó trong đầu tôi không chứa được gì khác ngoài những bản nhạc tôi đã từng nghe".
Ca sĩ Khánh Ly
Đêm nhạc kết thúc phần ký ức của Khánh Ly ở Hà Nội với bản nhạc Bến xuân của nhạc sĩ Văn Cao - Phạm Duy, và Khánh Ly đến với Sài Gòn, với mảng âm nhạc của Trịnh Công Sơn.
Kỳ nữ Kim Cương cũng đến xem và chúc mừng thành công của đêm kỷ niệm 55 ca hát của ca sĩ Khánh Ly - Ảnh: Lê Minh Hạ
Chính Khánh Ly đã thừa nhận, "Khi được ông Trịnh Công Sơn chọn, tôi vẫn không hiểu những gì ông gửi gắm trong bài hát, tôi không hiểu điều ông viết, tôi không biết nhạc và tôi luôn sợ ông chê tôi dốt dù tôi dốt thật.
Nhưng sau này khi già rồi, trên xe cứ nghe nhạc ông, và càng ngày càng thấm càng hiểu điều ông gửi gắm trong nhạc".
Nhưng ca sĩ Khánh Ly vẫn nhắn lại rằng không phải điều gì ở thế gian mình cũng có thể hiểu bằng bốn câu thơ.
Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.
Dù Khánh Ly không nhắc đến tác giả nhưng không ít khán giả biết rằng đó chính là bài thơ Không hiểu của nhà văn, nhà báo Mai Thảo - một tên tuổi chủ trương của các báo văn học nghệ thuật trước năm 1975 tại Sài Gòn: Sáng tạo, Nghệ thuật, Văn…
Và dường như khi Khánh Ly hát nhạc Trịnh thì khán giả chỉ cần nghe hát và Khánh Ly cũng chỉ hát chứ không còn chia sẻ nhiều, bởi tự thân ca khúc đã quá nhiều ẩn ý.
Ca sĩ Khánh Ly đưa khán giả đến một loạt nhạc phẩm Trịnh: Hạ trắng, Người già và em bé, Người mẹ Ô Lý, Giọt nước mắt cho quê hương, Ca dao mẹ, Xin cho tôi, Chờ nhìn quê hương sáng chói. Trong đó một số nhạc phẩm bà song ca cùng ca sĩ Quang Thành.
Sau ca khúc Xin cho tôi, giọng ca sĩ Khánh Ly cũng khàn hẳn.
Khi cổ họng hết chịu nổi, bà mới thú thật với khán giả bà đang bị cảm sau chuyến đi cùng Vòng tay nhân ái đến Nha Trang những ngày trước. "Tôi xin lỗi rất nhiều, tôi xin tiếp tục chương trình và tôi sẽ cố gắng đuổi "con ma bệnh" này để hát với quý vị", ca sĩ Khánh Ly nói.
Với ý nghĩa Vòng tay nhân ái, đêm nhạc ngoài khán giả mua vé đến xem thì một phần vé chương trình còn dành cho sinh viên Trường đại học Bách khoa TP.HCM, học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu…
Đêm nhạc ngoài giọng ca Khánh Ly còn có phần xuất hiện của ca sĩ Kim Anh với những ca khúc: Lệ đá, Đèn khuya, Mùa thu yêu đương…
Ca sĩ Khánh Ly trở lại đêm nhạc với chiếc áo dài xanh lá bằng nhạc phẩm Khúc thụy du của nhạc sĩ Anh Bằng. Sau đó lại tiếp tục với nhạc Trịnh: Em còn nhớ hay em đã quên, Một cõi đi về.
Đêm nhạc kết thúc lúc 00 giờ ngày 30-9 sau ba tiếng rưỡi biểu diễn liên tục, thế nhưng khán giả vẫn muốn nán lại cùng Khánh Ly bởi như Khánh Ly nói, hát run như lần đầu tiên lên sân khấu và cũng như là lần cuối cùng được hát…
Nếu có yêu tôi - Khánh Ly, một trong những tiết mục kết chương trình vào tối 29-9
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận