Khánh Ly trên sân khấu Hà Nội đêm 10-1. Ảnh: HÀ PHƯƠNG |
Khánh Ly muốn một lần nữa được trở về với Hà Nội, nơi bà được sinh ra và lúc nào cũng hoài nhớ. Mở đầu đêm nhạc, danh ca lựa chọn các ca khúc bày tỏ nỗi lòng của mình, với công chúng thủ đô: Hướng về Hà Nội, Nỗi lòng người đi, Một sớm mai về, Tình quê hương…
Đêm nhạc vào tối 10-1 là lần thứ ba Khánh Ly chính thức đứng trên sân khấu Thủ đô, hát cùng các khách mời Lệ Quyên, Quang Thành và Kim Anh. Lần đầu bà về Hà Nội là năm 2013. Chuyến kế tiếp vào tháng 5-2015 với liveshow Gọi tên bốn mùa. |
“Hà Nội bây giờ đã trở thành kỷ niệm trong lòng tôi. Tôi trở về đây khi mình đã trở thành quá khứ, đã trở thành kỷ niệm của Hà Nội. Bây giờ, nếu mai này tôi ra đi thì Hà Nội là kỷ niệm trong lòng tôi.
Tôi xin được gửi nỗi lòng tôi đến với với những người Hà Nội, một người Hà Nội gửi nỗi lòng của mình đến với những người Hà Nội, trong lòng Hà Nội” - Khánh Ly chia sẻ.
“Đôi khi, ở rất xa, tôi thường hay nghĩ, thôi, sống hay chết, tử tế, thì nơi nào cũng là quê hương của mình. Nghĩ là nghĩ vậy thôi, nhưng trong tận đáy lòng, mình vẫn biết, mình phải biết mình ở đâu đến.
Tấm lòng hoài mong ngày về, đôi khi không thể nói với ai được, chỉ nói với bóng đêm. Khi trở về, những hàng cây nắng xưa đã lớn lắm rồi, chỉ có mình là mãi mãi không thể lớn được, có lẽ một phần bởi khi ra khỏi quê hương, tôi không thể nào lớn được, để lúc nào cũng mơ và cũng hoài niệm về nơi chốn mình đã ra đi.
Dẫu bây giờ về đây, đứng trên quê hương của mình, tôi vẫn ngỡ như một giấc mơ. Ngày mai thức dậy, tôi vẫn ước, mình vẫn đang ở trong lòng quê hương của mình”.
Về sau, cũng trong đêm nhạc, nữ danh ca hiện vẫn đang sống ở hải ngoại còn nói: “Hạnh phúc thay cho những người còn có quê hương để trở về”.
Nhiều khán giả hẳn rất ngạc nhiên và bồi hồi vì giọng ca của “người đàn bà hát” vẫn vững chãi, truyền cảm, như bất chấp tuổi tác.
Đêm nhạc thực sự lên đến cao trào trong phần hai “Khánh Ly - Trịnh Công Sơn và Da vàng”, khi những lời ca đầu tiên của Người già và em bé được cất lên: “Ghế đá công viên, dời ra đường phố/Người già co ro, chiều thiu thiu ngủ...".
Những ca khúc: Người già và em bé, Một buổi sáng mùa xuân, Xin cho tôi, Ta đã thấy gì trong đêm nay, Chờ nhìn quê hương sáng chói, Huế - Hà Nội – Sài Gòn… cùng cách tạo hình trên sân khấu với những với những người treo cổ, dây thép gai giăng kín trên nền trời đỏ ối, em bé co ro ôm cây thánh giá…để lại cho người xem nhiều ám ảnh khó quên.
Giọng ca Lệ Quyên cũng góp mặt trong đêm nhạc với Ru ta ngậm ngùi, Đêm đông… |
Như tên ca khúc của Trịnh Công Sơn cũng là tên chương trình - “Cúi xuống thật gần”, Khánh Ly muốn thông qua đêm nhạc để “làm được điều gì dù là nhỏ thôi thì cũng nên làm”, để đến gần hơn với những cuộc đời còn nhiều khốn khó.
Ở phần này, sau các ca khúc còn có phần hình ảnh Khánh Ly tới gặp những người có hoàn cảnh khó khăn để thăm hỏi, tặng quà, “cúi xuống thật gần”. Chính việc thực hiện chương trình cũng là một cách để Khánh Ly và đơn vị tổ chức có thể trích một phần tiền bán vé thu về để đưa vào quỹ nhân ái.
Cũng ở phần cuối, Khánh Ly tiếp tục bày tỏ nỗi niềm, tâm sự về kiếp nhân sinh. Bà nói: “Bây giờ, cứ mỗi ngày tôi bước đi là đi tới gần hơn phần mộ của mình. Mình đã già, thời gian không còn bao nhiêu nữa.
Được đứng đây lúc này tôi không thấy hối tiếc một điều gì. Nếu cuộc đời mình mà không làm được gì tốt hơn, thì chỉ nên giữ tấm lòng của mình mà thôi…”.
Khánh Ly hát cùng các khách mời Kim Anh và Quang Thành (là trợ lý của nữ ca sĩ). Ảnh: T.V |
Khán phòng vẫn kín chỗ ngồi để thưởng thức Diễm xưa, Hạ trắng, Đời đá vàng, Ở trọ, Cúi xuống thật gần, Quê hương, Để gió cuốn đi… do Khánh Ly thể hiện. Khánh Ly đã rất xúc động hát ca khúc Ở trọ và Đời đá vàng, với những câu như:
"Có một lần mất mát mới thương người đơn độc/ Có quản mình đớn đau mới hiểu được tình yêu/ Có dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về/ Có một thời khóc than mới hiểu đời đá vàng…”
Khán giả ùa tới chụp hình với Khánh Ly khi chương trình kết thúc. Ảnh: T.V |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận