Đây là một trong những mô hình thí điểm đầu tiên ở Khánh Hòa để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Mô hình “tàu mẹ, tàu con” là phương thức sản xuất theo tổ hợp tác, trong đó “tàu mẹ” sẽ mua hết hải sản của “tàu con” đánh bắt được trên biển, đồng thời cung cấp cho "tàu con" dầu, đá lạnh và nhu yếu phẩm.
Theo mô hình này, tỉnh Khánh Hòa đóng mới hai “tàu mẹ” vỏ thép, công suất trên 1.000CV; đội “tàu con” gồm 30 chiếc được đóng mới bằng sắt và composite làm nghề câu cá ngừ đại dương, vây rút và chụp mực.
Tham gia mô hình này là những chủ tàu cá đang làm ăn hiệu quả và có điều kiện về tài chính. Sau khi thực hiện thành công, mô hình sẽ được nhân rộng để ngư dân áp dụng.
Tỉnh Khánh Hòa có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện mô hình “tàu mẹ, tàu con” đóng mới bằng vật liệu mới. Trước hết, trên địa bàn tỉnh có hai cơ sở được thiết kế mẫu và đóng tàu vỏ sắt, vỏ composite. Trong đó, công ty đóng tàu Cam Ranh đóng tàu cá vỏ thép, Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy thuộc Trường Đại học Nha Trang đóng tàu composite. Thuận lợi nữa là ngư dân Khánh Hòa có kinh nghiệm sử dụng hiệu quả tàu composite khi đã sở hữu trên 30 chiếc tàu loại này.
Khánh Hòa đã triển khai mô hình "tàu mẹ, tàu con" bằng đội tàu vỏ gỗ từ tháng 2/2012 nhưng hiệu quả mang lại không như mong muốn do doanh nghiệp sở hữu “tàu mẹ” và chủ của đội "tàu con" là ngư dân không thống nhất được với nhau về giá, sản lượng thu mua hải sản trên biển.
Theo nhiều ngư dân, mô hình "tàu mẹ, tàu con" được tổ chức lại sẽ hiệu quả hơn do được vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67; việc đóng tàu sắt, composite giúp nâng cao năng lực đánh bắt, thu mua, bảo quản hải sản, “tàu con” sẽ giảm được khoảng 70% chi phí nhiên liệu, tăng thời gian bám biển...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận