Quang cảnh lễ khao lề thế lính tại Lý Sơn, Quảng Ngãi - Ảnh: ĐĂNG NAM
Trong hành trang chuẩn bị cho chuyến hải trình dài ngày đến Hoàng Sa, Trường Sa, ngoài những vật dụng thiết yếu dùng cho người đi biển, mỗi thủy thủ còn tự mình chuẩn bị một đôi chiếu, bảy nẹp tre, bảy sợi dây mây, một thẻ bài khắc tên họ, quê quán, phiên hiệu. Nếu không may qua đời thì những người còn lại trên thuyền sẽ bó thi hài cùng với chiếc thẻ khắc tên vào trong manh chiếu, nẹp dọc bằng bảy thanh tre rồi buộc chặt lại bằng bảy sợi dây mây. Sau một vài nghi thức đưa tiễn giản đơn, thi hài sẽ được thả xuống biển.
Tác giả Lê Hồng Khánh viết trong bài "Mộ gió, hình nhân và lễ khao lề thế lính Hoàng Sa".
Đây là bộ sưu tập phong phú các nghi thức văn hóa dân gian gắn với biển của cộng đồng cư dân và tộc người khác nhau, trải dài từ Bắc vào Nam.
Bộ sách tuyển chọn 189 bài viết của nhiều tác giả, nhà nghiên cứu được trình bày một cách khoa học để người đọc dễ tiếp cận nhất những vấn đề đáng quan tâm về chủ quyền biển đảo.
Mộ gió và lễ khao lề thế lính
Bộ sách mang đến cho độc giả nhiều bài viết thực sự cảm động và nhân văn, trong đó có nhiều bài viết về mộ gió và lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Tác giả Lê Hồng Khánh viết thời các chúa Nguyễn và sau này là các vua nhà Nguyễn đã thành lập nhiều hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, giong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa để thu lượm hải vật, sản vật, đo đạc hải trình, cắm mốc và dựng bia minh định chủ quyền của nước ta trên các quần đảo này.
Qua nhiều thế kỷ, đã có hàng nghìn binh lính, binh phu cùng nhiều quan lại dân sự, quân sự của triều đình hi sinh trên biển khi thi hành nhiệm vụ.
Nghĩa địa quân binh Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn còn gọi là khu mộ gió. Những ngôi mộ này không chôn cất thi thể người quá cố mà là những nắm đất được đắp lên để tưởng niệm người đã khuất.
Với Lý Sơn, mộ gió cũng đồng nghĩa với mộ của những người đi biển xấu số, trong đó có rất nhiều quan quân, phu dịch các đội Hoàng Sa, Bắc Hải.
Dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn, những người lính làm nhiệm vụ tuần phòng trên quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa phải lênh đênh sóng nước ròng rã mấy tháng trời trên chiếc khinh thuyền.
Vậy nên nếu họ chết, sẽ lấy lòng biển bao la làm nơi mai táng hình hài.
Tác giả Nguyễn Đăng Vũ còn viết rất tường tận về nguồn gốc và nghi thức tế tự của lễ khao lề thế lính cho những người lính sắp bước xuống thuyền để lênh đênh cùng trời mây bọt biển và tưởng nhớ đến người lính Hoàng Sa không may xấu số.
Còn tác giả Nguyễn Mạnh Cường dựa trên nhiều hiện vật mảnh gốm, sành, đất nung, sứ... thu được trên đảo Nam Yết, Trường Sa... đã củng cố thêm nhận định của giới khoa học VN về văn hóa thời Lý - Trần ở đây và trực tiếp xác nhận từ thế kỷ 12-14, người Việt đã có mặt trên các hòn đảo xa xôi này.
Làm hình nhân thế mạng tại lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - Ảnh: Đ.NAM
Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại vấn đề biển đảo một cách toàn diện và có chiến lược hàng trăm năm mới có thể bảo vệ được quyền lợi chính đáng và lâu dài của toàn dân tộc, mới có thể đưa VN trở thành quốc gia giàu từ biển, mạnh lên từ biển.
Trong lời nói đầu cuốn sách, tác giả Vũ Quang Dũng đã chia sẻ lý do tuyển chọn cho ra đời bộ sách.
Tình yêu biển đảo thôi thúc
Bộ sách góp phần làm sáng tỏ lịch sử hình thành và phát triển các vùng - miền, làng biển VN, đồng thời giúp bạn đọc tìm hiểu một số khía cạnh trong đời sống văn hóa tinh thần của ngư dân VN.
Bộ sách cũng góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp thêm tư liệu chứng minh chủ quyền biển đảo VN và là tài liệu giảng dạy về lịch sử, văn hóa địa phương trong hệ thống các trường phổ thông.
"Cùng với lòng đam mê và tình yêu biển đảo mà tôi tin mỗi người VN đều có, đã thôi thúc tôi tuyển chọn cho ra đời bộ sách này. Bộ sách là công sức của rất nhiều tác giả" tác giả Vũ Quang Dũng chia sẻ. Vậy là từ tháng 9-2014, ông Dũng bắt đầu tập hợp và thẩm định lại các tư liệu, lên khung cho bộ sách.
"Tôi hi vọng sẽ mang đến cho bạn đọc vừa có cái nhìn tổng quan, vừa có cái nhìn cụ thể về từng vấn đề trong văn hóa biển đảo VN.
Trong đó, tôi thực sự rất ấn tượng với những bài viết về mộ gió và lễ khao lề thế lính, đó là những bài viết rất nhân văn. Những bài viết này cũng là một cách để góp phần khẳng định chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa của cha ông ta từ xa xưa.
Bên cạnh những yếu tố chính trị, xã hội thì biển đảo VN vẫn được khẳng định bằng các nghi thức văn hóa dân gian, dù đó có thể chỉ là những tư liệu không thành văn. Bên cạnh chính sử thì những tư liệu không thành văn này có ý nghĩa, giá trị riêng", tác giả bộ sách bày tỏ.
Ảnh: V.V.TUÂN
Sách gồm hai tập, trong đó tập 1 trình bày những vấn đề mang tính tổng quan liên quan đến văn hóa, biển đảo VN như giới thiệu các bài viết tổng thể về văn hóa biển đảo VN; văn học dân gian liên quan đến văn hóa biển đảo ở một số địa phương; nghệ thuật dân gian như hò bà trạo, hát chèo đưa linh, hát đám cưới trên thuyền...
Tập 2 trình bày những vấn đề về tín ngưỡng, phong tục, lễ hội và tri thức dân gian, gồm ba phần: tín ngưỡng của ngư dân ven biển VN; phong tục, tập quán, lễ hội của cộng đồng ngư dân ven biển và trên các quần đảo nước ta; làng nghề, nghề thủ công và văn hóa ẩm thực của cộng đồng ngư dân ven biển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận