Kết hợp hài hòa giữa chuyển đổi xanh với chuyển đổi số - Ảnh minh họa
Theo nội dung thông báo, biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng toàn cầu, Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu. Tại hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu - COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.
Việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược; việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng các-bon thấp.
"Cam kết của Việt Nam tại COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các định chế tài chính, tập đoàn lớn về năng lượng tái tạo đã cam kết, đề nghị được hợp tác với Việt Nam trong triển khai thực hiện cam kết", nội dung thông báo.
Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, Phó thủ tướng Lê Văn Thành là phó trưởng ban, thành viên là các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.
Bộ Tài nguyên - môi trường - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo - đã có nhiều nỗ lực trong việc chủ động công bố các cam kết của Việt Nam tại COP26, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập, quy chế hoạt động, chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo, thành lập tổ giúp việc, xây dựng đề cương đề án triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Việc thực hiện những cam kết tại COP26 có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức là chủ yếu. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo phải thống nhất về nhận thức, thông về tư tưởng, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, xác định trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
"Phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chuyển đổi xanh với chuyển đổi số và các nhiệm vụ chính trị trọng tâm khác; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nguồn lực trong nước và ngoài nước, nguồn lực nhà nước và tư nhân, truyền tải được tinh thần chuyển đổi xanh tới các bộ, ngành, địa phương và người dân.
Đồng thời phải tận dụng, tranh thủ, phát huy sự quan tâm, ủng hộ của các quốc gia, đối tác, tổ chức tài chính quốc tế trong việc hỗ trợ, đồng hành với Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP26", nội dung thông báo.
Đối với các thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu trong quý I-2022, chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thành việc xây dựng kế hoạch hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, gửi Bộ Tài nguyên - môi trường để tổng hợp, xây dựng đề án thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận