"Đất nước muốn phát triển được, muốn dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu? Còn lại 30% thì tiền đâu để quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội.
Trong khi các nước khác chi có hơn 40%. Ít nhất phải chi được trên 50% ngân sách để phục vụ cho phát triển, cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội... Nguyên về việc này, chúng ta so sánh thôi đã vô cùng sốt ruột", Tổng Bí thư nêu thêm.
Tổng Bí thư cũng lý giải thêm nguyên nhân khó tăng lương, vì tăng lương trong khi bộ máy "khổng lồ" sẽ dẫn đến chi ngân sách có thể lên đến 80 - 90%, không còn tiền để làm các hoạt động khác.
"Phải tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, giảm chi tiêu thường xuyên để dành nguồn lực đầu tư phát triển. Bộ máy cồng kềnh khó khăn lắm, kìm hãm sự phát triển", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Chậm tinh gọn bộ máy
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho hay những đánh giá của Tổng Bí thư hoàn toàn đúng. Ông nói thực tế từ Đại hội XII, nghị quyết của trung ương đã đánh giá bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp, phải tinh gọn.
Nhiều nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng đã nói. Song hiện nay, theo ông Huân, tất cả các công việc đều thực hiện khá chậm.
Trong đó, việc sáp nhập hiện mới thực hiện ở cấp xã, huyện, còn cấp tỉnh chưa thực hiện hay mới thực hiện sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ ngành, còn trung ương chưa làm. Đồng thời, hiện tại việc sáp nhập mới chủ yếu dựa trên diện tích, dân số, kinh tế...
Nhưng theo ông Huân, chưa có một nghiên cứu nào bài bản, khoa học, đánh giá tác động kỹ về việc tại sao phải nhập, tại sao phải tách ở một địa phương và việc sáp nhập này sẽ có tác động thế nào.
Ông dẫn chứng trước đây đã có thời kỳ chúng ta từng tiến hành sáp nhập các địa phương cấp tỉnh vào còn 40 tỉnh/thành nhưng sau đó lại tách ra. Việc tách ra, nhập vào mỗi lần sẽ rất tốn kém về chi phí.
Trong thời điểm hiện nay, việc sáp nhập huyện, xã là rất cần thiết, nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Vừa qua đã có nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc này đã giúp giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc sáp nhập huyện xã.
Nhưng so với yêu cầu thực tế thì số lượng huyện, xã sáp nhập vẫn còn ít, chưa có tác động mạnh đến việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Do vậy, cần có đánh giá tổng kết cụ thể hơn việc này và xây dựng một bộ tiêu chí rõ ràng. "Việc tổng kết, nghiên cứu sẽ giúp làm rõ, chỉ ra những nội dung nào còn khó khăn, vướng mắc gì cần khắc phục, xử lý.
Trường hợp thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ xử lý, nếu vượt quá thì báo cáo Quốc hội, cấp có thẩm quyền xem xét xử lý, tháo gỡ. Từ đó sẽ giúp làm nhanh hơn việc sáp nhập này, làm cho bộ máy tinh gọn, quản lý hiệu lực, hiệu quả hơn", ông Huân nói thêm.
Một vấn đề nữa, theo ông Huân, hiện nay nếu nhìn số lượng biên chế công chức của nước ta so với GDP, dân số là rất cao so với thế giới. Nhưng việc cần giảm ở đâu thì lại chưa chỉ rõ ra, từ đó có thể dẫn đến "giảm chỗ nọ lại phình chỗ kia và chỗ cần tăng lại giảm và chỗ cần giảm, báo cáo giảm nhưng thực chất lại tăng".
Theo ông Huân, chính vì tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu dẫn đến việc chi trả lương chiếm tỉ lệ rất lớn trong chi thường xuyên. "Chúng ta hô giảm quỹ lương nhưng lương cán bộ, công chức phải tăng để đảm bảo với xu thế, không khác biệt giữa khu vực công - tư.
Đây là vấn đề đặt ra và điều quan trọng nhất cần làm là phải tinh giản biên chế thực chất, với số lượng đáng kể, để quỹ lương giảm và lương phải tăng cho những người ở lại. Đồng thời, cũng phải cân đối lại để xem những nội dung chi thường xuyên nào đáng cắt phải cắt giảm", ông Huân nêu.
Tạo sự đồng bộ trong tinh giản biên chế
Cũng trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Bộ Nội vụ đánh giá việc tinh giản biên chế thời gian qua ở cả trung ương và địa phương đã có nhiều kết quả đạt được. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, nguyên nhân sâu xa chính là từ cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý không có nguyên tắc cạnh tranh, thải loại.
Để tinh giản được một người thì phải có hai năm không hoàn thành nhiệm vụ hay có hạn chế... Nhưng thực tế việc đánh giá trong một số cơ quan, đơn vị còn nể nang nhau, còn có biểu hiện ngại va chạm, nể nang, thiếu nhất quán trong quán triệt, chỉ đạo, tổ chức thực hiện...
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước, cần có sự nhận thức đúng về tinh giản biên chế để có bước đi, kế hoạch tinh giản biên chế phù hợp.
Cần tạo sự đồng bộ trong tinh giản biên chế với việc xác định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp hợp lý cơ cấu tổ chức của nền hành chính và cải cách thủ tục hành chính. Việc sắp xếp hợp lý về mặt tổ chức sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tinh giản biên chế.
Cần xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức ở các cơ quan hành chính một cách chặt chẽ, gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, khối lượng công việc, phạm vi, tính chất phức tạp của công việc, các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng đối với các vị trí việc làm.
Việc xây dựng được cơ cấu cán bộ, công chức phù hợp là cơ sở để xác định đúng đối tượng cần tinh giản, tránh mọi sự tùy tiện trong cắt giảm, tinh giản biên chế.
Cần đổi mới thực chất công tác đánh giá cán bộ, công chức, bảo đảm đánh giá đúng, khách quan, trung thực về kết quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng cào bằng, nể nang trong đánh giá. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.
"Chưa có nước nào có đơn vị cấp huyện, xã lớn như Việt Nam"
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ việc sáp nhập đơn vị cấp huyện, xã là một chủ trương lớn, vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm.
Vừa qua, nhiều địa phương đã rất nỗ lực. Theo bộ trưởng, trong 54 địa phương nằm trong diện sáp nhập cấp huyện, xã, có 51 địa phương thực hiện, còn 3 địa phương do có những yếu tố không thể thực hiện được là Bình Phước, Điện Biên, Lai Châu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết cho nhiều địa phương để thực hiện, còn lại một số địa phương đang tiếp tục thực hiện. Như vậy theo bà Trà, trong giai đoạn 2023 - 2025 sẽ sắp xếp 38 đơn vị cấp huyện, giảm 9 đơn vị; sẽ sắp xếp 1.176 đơn vị cấp xã, giảm 562 đơn vị.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ việc này sẽ giảm số lượng rất lớn về tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp. Theo đó cũng giảm số lượng rất lớn cán bộ, công chức và đương nhiên sẽ dôi dư ra cán bộ, trụ sở.
Việc thực hiện sắp xếp kỳ này, bà Trà nhấn mạnh được thực hiện chặt chẽ hơn, phương án cụ thể để các địa phương sau 3 năm hoàn thành sắp xếp tài sản công dôi dư và sau 5 năm hoàn thành việc sắp xếp cán bộ, công chức viên chức dôi dư.
"Việc này đã được triển khai một cách rất chặt chẽ, chứ không như lần trước chúng ta làm", bà Trà nêu và nói một số địa phương làm rất tốt như Nam Định là tiên phong.
Tuy nhiên theo bà Trà, có nhiều địa phương chưa nỗ lực, ngại khó, ngại khổ, đưa vào các yêu cầu khó sắp xếp, chưa giải quyết được tồn đọng giai đoạn trước nên đẩy vào kỳ sau.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thông tin thêm trên thế giới chưa có nước nào có đơn vị hành chính cấp huyện, xã "lớn, khủng khiếp như Việt Nam, kể cả đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng vậy". Đồng thời chưa có đất nước nào mà chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người lớn như Việt Nam.
Nhắc lại tinh thần quyết tâm của Tổng Bí thư, Bộ trưởng Trà nhấn mạnh phải thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống. Trong đó có cả hệ thống hành chính nhà nước, cả cơ quan Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan Đảng, đặc biệt các đơn vị hành chính.
"Tinh thần sẵn sàng như vậy chứ không chỉ sắp xếp đơn vị cấp huyện, cấp xã. Cần nhìn nhận đầy đủ, đồng tình với phương án và cũng cố gắng khẩn trương nhất", Bộ trưởng Trà nói.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các đơn vị đồng tình chủ trương này và cố gắng khẩn trương cho kịp đại hội Đảng bộ các cấp và mong các địa phương còn lại chậm nhất đến 15-11 phải làm dứt điểm.
* Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa):
Đó là điều mong đợi của cử tri
Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta tinh giản bộ máy, giảm biên chế là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và đã triển khai thực hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên hiệu quả của công việc này vẫn chưa như mong đợi.
Ai cũng có thể hiểu bộ máy tinh gọn, biên chế giảm, tiền lương người thi hành công vụ sẽ tăng; mỗi nhiệm vụ chỉ giao một cơ quan, một tổ chức sẽ tránh tình trạng trùng lắp, chồng chéo; chế độ trách nhiệm cũng sẽ rất rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động của bộ máy sẽ dần được cải thiện và tăng lên không ngừng.
Ý kiến phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi thảo luận tổ đại biểu Quốc hội vừa qua đã đặt ra cho Chính phủ và các bộ ngành, địa phương nhiệm vụ rà soát đánh giá lại nhiệm vụ tinh gọn bộ máy, giảm biên chế đã và đang thực hiện trong thời gian qua và đề ra nhiệm vụ trong thời gian tới một cách cụ thể, thiết thực và quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.
Đó cũng là điều mong đợi của cử tri đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý các mặt của đời sống xã hội tốt hơn, giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Khắc phục tình trạng bình quân cào bằng
TS Nguyễn Thị Thiện Trí - Đại học Luật TP.HCM - cho rằng một trong những nguyên nhân khiến bộ máy cồng kềnh là do tổ chức bộ máy nhà nước nói chung còn nặng tính bình quân cào bằng.
"Tức không có sự phân hóa, còn cào bằng trong tổ chức bộ máy quản lý ngành theo chiều dọc. Ví dụ ở các bộ có vụ này, vụ kia tưởng phân hóa nhưng không lớn, ngược lại còn nặng một tâm lý rằng bộ nào cũng muốn bộ máy của mình phình to hết.
Từ đó, dẫn đến việc bộ này chạy theo bộ kia và nếu như nhiều bộ như thế làm cho bộ máy quản lý theo ngành dọc sẽ tăng, quy mô sẽ tăng", bà Trí nói.
* Vậy theo bà, giải pháp phải như thế nào?
- Trước hết phải tiến hành sắp xếp lại hai nhóm cơ quan là cơ quan quản lý ngành và chính quyền địa phương. Với cơ quan quản lý ngành sẽ có hai cách để làm, đầu tiên tiến hành phân hóa lại quy mô tổ chức theo quy mô của ngành, lĩnh vực đó.
Ngành càng lớn cơ quan sẽ lớn, tỉ lệ thuận chứ không có áp dụng mô hình cào bằng.
Cùng với đó nghiên cứu để tiến hành sáp nhập các bộ, cơ quan ngang bộ hoặc các cục, các tổng cục.
Mình cũng từng sáp nhập rồi nhưng mà hiệu quả không cao, để có hiệu quả việc sáp nhập theo hướng tinh giảm đầu mối bên ngoài và tinh giản luôn cả bộ máy bên trong, tránh việc sáp nhập một cách cơ học.
Cơ học tức là nhìn bên ngoài nó giảm đầu mối nhưng thực ra bộ máy của nó phình to bên trong nên không giải quyết được vấn đề.
Muốn tinh giản theo hướng đó phải có một bước quan trọng là tiến hành xã hội hóa một số ngành, lĩnh vực.
Nhà nước sẽ chuyển giao cho xã hội làm bớt để chức năng của quản lý ngành, lĩnh vực thu hẹp lại. Khi thu hẹp lại mới tiến hành tinh giản bộ máy được.
* Còn những bất cập bộ máy ở địa phương sẽ giải quyết ra sao, thưa bà?
- Ở địa phương sẽ tiến hành tổ chức chính quyền địa phương theo quy mô, lãnh thổ và dân cư chứ không tổ chức theo mô hình hiện nay. Tiến hành chuyển giao thẳng cho địa phương trong việc quyết định đối với các cơ quan chuyên môn trực thuộc địa phương.
Đó là các sở và các phòng. Hiện nay sở, phòng trung ương vẫn đang nắm đầu mối trong việc quy định, cho nên có nhiều sở được thành lập một cách máy móc, theo mô hình chung mà không có hoạt động gì.
Mình sẽ tiến hành đưa về cho địa phương, chính địa phương sẽ là nơi quyết định nên có sở nào và không nên có sở nào. Nó sẽ hiệu quả hơn và sát với tình hình của địa phương hơn.
Phương án tiếp theo là tiến hành rà soát lại những bộ máy giúp việc trong hệ thống chính trị. Ví dụ như bộ máy giúp việc của cơ quan, của tổ chức chính trị xã hội rà soát theo hướng tinh giản, gọn nhẹ để phục vụ hoạt động cần thiết.
Nên áp dụng phương án huy động các nguồn lực xã hội cho những hoạt động của tổ chức chính trị xã hội.
Bởi vì về bản chất nó là tổ chức chính trị xã hội mà ngân sách nhà nước đầu tư cho nó nhiều quá thì không thích hợp. Tiếp theo nữa ví dụ đối với đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước nên có một phương án thực hiện cơ chế cổ phần hóa một cách mạnh mẽ hơn, làm dứt điểm hơn.
Tinh gọn bộ máy các tổ chức chính trị, xã hội
Một nguyên nhân nữa do ngân sách còn phải chi lương và duy trì hoạt động một bộ máy của tổ chức chính trị xã hội, bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập, bộ máy của doanh nghiệp nhà nước.
Nói 70% ngân sách chi để cho hoạt động cơ quan nhà nước nhưng thực tế hoạt động thuộc về nhà nước không phải chiếm hết 70% mà còn chi cho cả lực lượng này. Trong đó, bộ máy các tổ chức chính trị, xã hội là rất lớn.
Do vậy, cần tính đến việc tinh giản bộ máy các tổ chức chính trị, xã hội để giảm gánh nặng cho ngân sách. Đối với đơn vị sự nghiệp tiến hành tự chủ hoàn toàn, tự chủ 100%, cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang mô hình doanh nghiệp để Nhà nước bớt gánh nặng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận