Các nhà khoa học kiến nghị cần có cơ chế đặc biệt để triển khai nhanh các nghiên cứu phòng chống corona - Ảnh: T. HÀ
Đó là ý kiến thống nhất của các nhà khoa học, trong đó có có các chuyên gia Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103, Bộ Y tế và một số đơn vị nghiên cứu, sản xuất văcxin trong cuộc họp khẩn tại Bộ Khoa học - công nghệ (KH-CN) chiều 30-1.
Việt Nam có ca lây từ người sang người đầu tiên
Chủ trì cuộc họp bàn về việc triển khai khẩn cấp các nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ việc khống chế dịch bệnh do virus corona, Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc đánh giá dịch bệnh nguy hiểm hơn dịch bệnh SARS trước đây do thế giới đã kết nối khiến bệnh dịch dễ lây lan hơn.
Bộ KH-CN chủ động mời các nhà khoa học, các viện vào cuộc, giới khoa học cần phải có phản ứng nhanh, xác định cần làm gì để ngăn ngừa dịch bệnh nguy hiểm này.
Ông Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, nơi đầu tiên trong cả nước phát hiện chủng virus corona từ bệnh nhân - cho biết đây là trường hợp đầu tiên ngoài Trung Quốc lây truyền từ người sang người mà viện phát hiện được bằng công nghệ của mình.
"Đây là trường hợp lây từ người sang người rất điển hình, phân tích và lưu được chủng bệnh là bằng chứng trường hợp đầu tiên lây từ người sang người", ông Lân nói.
Nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương Nguyễn Văn Kính lo ngại tình hình căng thẳng hơn nếu dịch bệnh bùng phát ở miền Bắc do thời điểm này trời ẩm, nồm và lạnh. Nhất là lúc miền Bắc đang có nhiều lễ hội tập trung đông người.
Theo đó, ông Kính đặc biệt lưu ý việc phòng tránh lây lan bệnh ở những nơi công cộng, càng đông càng dễ lây, đặc biệt những bệnh viện lớn, tập trung đông bệnh nhân và người nhà.
Thiếu và cần gấp rút nghiên cứu sản xuất test kit
Theo các chuyên gia, số lượng test kit hiện nay không đủ để kiểm soát các ca nghi nhiễm virus corona - Ảnh: T.HÀ
Theo ông Kính, hiện Việt Nam cần nhiều test kit (bộ thử chẩn đoán phát hiện bệnh) để làm xét nghiệm với tất cả trường hợp nghi nhiễm bệnh và phải cách ly.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hiện có 68 trường hợp nghi, cần cách ly nhưng mới có 30 bộ test kit. Với số lượng test kit giới hạn như hiện nay sẽ không đủ để làm xét nghiệm trong trường hợp bệnh bùng phát.
Do đó, ông Kính đề xuất Bộ KH-CN ưu tiên nghiên cứu khoa học, tự sản xuất ra được test kit và làm sao có thể sản xuất được nhanh nhất, không chờ nước ngoài. Đồng thời đề xuất phải có nghiên cứu tổng thể dịch tễ, lâm sàng, cận lâm sàng về virus corona.
Cùng quan điểm này, ông Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - đề xuất nghiên cứu làm bộ test thử là ưu tiên số 1. Hai là bắt đầu nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, tìm nguồn lây, đường lây, virus học, phân tử sinh học để phòng bệnh.
Về điều trị trước mắt, cần tập trung đầu tư nghiên cứu triệu chứng lâm sàng, điều trị để có tư liệu nếu có sản xuất văcxin.
Ông Phan Trọng Lân cũng cho rằng các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam cần chạy đua với thế giới trong việc nghiên cứu kiểm soát dịch bệnh corona vì dân số nước ta đông, nếu nghiên cứu được thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Cụ thể, GS Lê Bách Quang - phó chủ nhiệm chương trình nghiên cứu cấp nhà nước KC10 - đề nghị Bộ KH-CN, trong tình huống cấp bách hiện nay cần đưa các nghiên cứu về corona vào một cơ chế đặt biệt, rút gọn, chỉ định đơn vị nghiên cứu để có thể thực hiện được nhanh nhất.
Đại diện Bộ Y tế cũng đề nghị các đề tài nghiên cứu về corona cần được đưa vào quy trình rút gọn thủ tục, để trong vòng một tuần hoàn thành mọi thủ tục để triển khai ngay.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh song song với nghiên cứu test thử, dịch tễ học phục vụ điều trị, Việt Nam cần khẩn trương bắt tay vào nghiên cứu văcxin.
Đại diện các đơn vị nghiên cứu văcxin cho hay nhiều nước, nhiều công ty trên thế giới đã bắt tay vào nghiên cứu, nhưng ít nhất phải sau ba tháng nữa mới có văcxin. Một công ty trong nước cũng đã liên hệ với đối tác tại Anh để khi có kết quả, có thể triển khai sản xuất văcxin ngay tại Việt Nam.
Hiện Học viện Quân y đã nghiên cứu chế tạo test kit
Đại diện Học viện Quân y cho biết đã giao một nhóm nghiên cứu chế tạo test kit nhanh bằng chủng mới, đã thu thập số liệu... Dự kiến khoảng 2-3 tháng sẽ có kit thử, test kit có thể chẩn đoán trong vòng 2-3 giờ.
Hiện Học viện Quân y đã có chỉ thị bệnh viện tác chiến, lực lượng và phương tiện tác chiến sẵn sàng, quân đội đã sẵn sàng tham gia phòng chống dịch.
Lo ngại thời gian 2-3 tháng mới có test kit là quá dài, GS Quang khẩn thiết đề nghị các đơn vị tham gia phải chia sẻ thông tin, chia sẻ trang thiết bị nghiên cứu, đặc biệt chia sẻ chủng bệnh phục vụ việc nghiên cứu chế tạo test kit và điều trị.
"Phải coi chủng bệnh mà Viện Pasteur TP.HCM thu thập được là tài sản quốc gia" - GS Quang nhấn mạnh.
Thay mặt Bộ KH-CN, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cam kết Bộ KH-CN sẽ có báo cáo Chính phủ ngay trong ngày 31-1 để được Chính phủ cho phép chỉ đạo sản xuất test kit trong thời gian ngắn nhất.
"Chúng tôi sẽ trao đổi có phương án để chỉ định một số đơn vị sản xuất nhanh nhất có thể, ta không thể bị động trông chờ các nước, ta phải chủ động", ông Tạc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận