16/01/2014 22:53 GMT+7

Khẩn trương đưa Hiến pháp vào cuộc sống

NGUYỄN THỊ KIM NGÂN (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội)
NGUYỄN THỊ KIM NGÂN (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội)

TTO - Ngày 28-11-2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp năm 2013), đã thể chế hóa cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011).

TP3BaUCK.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Ảnh: Lê Kiên

Một trong những nội dung quan trọng của Hiến pháp năm 2013 là những nội dung được quy định tại chương III và các chương có liên quan về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường.

Những quy định này đã thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân ta về đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững trên 3 trụ cột chính: Kinh tế - Xã hội - Môi trường. Đây là cơ sở hiến định, là bảo đảm về mặt chính trị - pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời kỳ mới.

1. Về phát triển kinh tế, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định đường lối, nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế nước ta là nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Vấn đề hội nhập kinh tế cũng đặt trong bối cảnh mới, đó là chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng trên các lĩnh vực vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định mục tiêu phát triển bền vững, trong đó thể hiện rõ quan điểm là phát triển kinh tế gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường (điều 50).

Về tính chất, mô hình, các thành phần của nền kinh tế Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 xác định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước (điều 51).

Khác với các bản Hiến pháp trước đây, Hiến pháp năm 2013 thể hiện tư duy mới về các thành phần kinh tế, quy định rất khái quát, không đề cập từng thành phần mà để luật và các văn bản khác quy định cụ thể.

Cách thể hiện này phù hợp với tính chất của đạo luật cơ bản, bảo đảm tính ổn định lâu dài của Hiến pháp, đồng thời phù hợp với sự vận động, phát triển của nền kinh tế thị trường.

Tinh thần của Hiến pháp là không đồng nhất kinh tế nhà nước (trong đó có ngân sách nhà nước và các nguồn lực kinh tế - tài chính khác của Nhà nước) với doanh nghiệp nhà nước, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo chứ không phải doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo.

Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác được đối xử bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước cùng hoạt động trong một hành lang pháp lý chung và theo cơ chế thị trường, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

Cũng lần đầu tiên, vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp được ghi nhận trong Hiến pháp. Đây là cơ sở để phát huy vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà nhiệm vụ xây dựng kinh tế là trung tâm và doanh nghiệp, doanh nhân là đội quân xung kích.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở nước ta có vai trò xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật của thị trường; thực hiện sự phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân (điều 52).

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước (điều 51).

Nhà nước còn có chức năng đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đối với các loại tài nguyên thiên thiên, tài sản thuộc sở hữu toàn dân để các loại tài nguyên, tài sản này được sử dụng vì lợi ích của nhân dân (điều 53).

Liên quan đến vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, tại các chương về bộ máy nhà nước, Hiến pháp năm 2013 đã có những quy định nhiệm vụ, quyền hạn tương ứng của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, Kiểm toán Nhà nước, như: Điều 70, chương V quy định Quốc hội quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Điều 96, chương VII quy định Chính phủ thống nhất quản lý về kinh tế, xã hội,....

Về chế độ sở hữu, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, tôn trọng đa hình thức sở hữu, bảo hộ quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác (Điều 32) và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (Điều 62).

Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa (Điều 51). Đây là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia.

Về tài sản thuộc sở hữu toàn dân, kế thừa quy định về sở hữu toàn dân của Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, trên cơ sở tiếp cận mới, đúng đắn và chính xác hơn về phạm vi, đối tượng các loại tài nguyên, tài sản thuộc sở hữu toàn dân, Hiến pháp năm 2013 quy định đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Đất đai là lãnh thổ thiêng liêng, là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước thuộc sở hữu toàn dân, nhưng Hiến pháp năm 2013 đã quy định Nhà nước bảo đảm cho tổ chức, cá nhân được giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.

Theo đó, Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật; Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai (Điều 54).

Về tài chính - tiền tệ, Hiến pháp năm 2013 bổ sung một điều mới quy định về ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác do Nhà nước thống nhất quản lý và phải được sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Ngân sách nhà nước gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm nhiệm vụ chi của quốc gia. Các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định.

Lần đầu tiên, đơn vị tiền tệ quốc gia được hiến định là Đồng Việt Nam, đồng thời quy định trách nhiệm của Nhà nước là bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia.

Liên quan đến tài chính - tiền tệ, tại chương V Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (Điều 55).

2. Về lĩnh vực xã hội (theo nghĩa rộng), Hiến pháp năm 2013 xác định trách nhiệm của Nhà nước cùng với toàn xã hội, bằng các nguồn lực kinh tế - tài chính, đầu tư phát triển các lĩnh vực lao động, việc làm, y tế, phúc lợi và an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, cụ thể:

Về lao động, việc làm, Hiến pháp quy định công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.

Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu (Điều 35).

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định (Điều 57).

Về y tế và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, Hiến pháp quy định mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh (Điều 38).

Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình (Điều 58).

Về phúc lợi và an sinh xã hội, Hiến pháp quy định công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34). Nhà nước, xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với nước; Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác; có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở (Điều 59).

Về văn hóa, Hiến pháp quy định mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41); đồng thời tiếp tục khẳng định Nhà nước và xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân (Điều 60).

Về giáo dục, Hiến pháp quy định công dân có quyền và nghĩa vụ học tập (Điều 39) và tiếp tục khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đồng thời quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý; ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề (Điều 61).

Về khoa học và công nghệ, Hiến pháp quy định mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó (Điều 40) và cũng tiếp tục khẳng định phát triển khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; quy định trách nhiệm của Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ (Điều 62).

3. Về bảo vệ môi trường, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện được những vấn đề mới của thời đại như vấn đề phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng… Cụ thể: Hiến pháp ghi nhận quyền được sống trong môi trường trong lành và nghĩa vụ bảo vệ môi trường của mọi người (Điều 42); đồng thời quy định Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Hiến pháp cũng quy định tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại (Điều 63).

Hiến pháp năm 2013 đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có chỉ thị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết để tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp. Nhiệm vụ của các cấp, các ngành cùng toàn dân là quán triệt nội dung và tinh thần của Hiến pháp, mục đích, yêu cầu, kế hoạch nêu trong chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phải có các chương trình hành động cụ thể để khẩn trương đưa Hiến pháp vào cuộc sống nhằm góp phần làm cho đất nước ta đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững trong thời kỳ đổi mới.

* Tít do Tuổi Trẻ đặt

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

NGUYỄN THỊ KIM NGÂN (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp