12/01/2022 11:45 GMT+7

Khan hiếm thực phẩm vì Omicron xảy ra nhiều nơi ở Mỹ

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Sự xuất hiện của biến thể Omicron tiếp tục làm chuỗi cung ứng đứt gãy, và khiến lực lượng lao động không thể đi làm, qua đó tiếp tục làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm thực phẩm nhiều nơi ở Mỹ.

Khan hiếm thực phẩm vì Omicron xảy ra nhiều nơi ở Mỹ - Ảnh 1.

Các tủ lạnh trống không ở một siêu thị thuộc thành phố Cranberry Township, bang Pennsylvania, Mỹ, ngày 11-1 - Ảnh: AP

Đi siêu thị để nấu bữa tối, ông Benjamin Whitely không khỏi thất vọng khi rau héo, thực phẩm cung cấp chất đạm chỉ còn thịt gà và sữa.

“Có vẻ tôi đã đến quá trễ. Bây giờ tôi phải đi tìm khắp nơi để mua được đồ”, ông Whitely, 67 tuổi, ngán ngẩm nói.

Tình trạng thiếu hụt hàng hóa ở nhiều cửa hàng thực phẩm Mỹ ngày càng trầm trọng trong những tuần gần đây. Sự xuất hiện của biến thể Omicron, thời tiết khắc nghiệt và thiếu thốn nhân công đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tạo áp lực lớn cho các nhà bán lẻ của Mỹ.

Theo Hãng tin AP, đây không phải là vấn đề của chỉ một vài khu vực của Mỹ. Chủ tịch Geoff Freeman của Hiệp hội Thương hiệu tiêu dùng cho biết các cửa hàng thực phẩm của Mỹ thường thiếu từ 5% đến 10% hàng hóa. Nhưng hiện nay, tỉ lệ này đang ở xấp xỉ 15%.

Vấn đề trên còn rõ rệt hơn vì ngày càng nhiều người Mỹ ăn ở nhà thay vì mua ngoài như trước đây, đặc biệt trong bối cảnh các văn phòng và trường học tiếp tục đóng cửa.

FMI, một tổ chức chuyên về thương mại thực phẩm, ghi nhận các hộ gia đình Mỹ trung bình chi 144 USD/tuần cho thực phẩm trong năm ngoái. Dù đã giảm xuống so với mức 161 USD/tuần của năm 2020, con số này vẫn cao hơn hẳn mức 113,5 USD/tuần trong năm 2019.

Thêm vào đó, Hiệp hội Xe tải Mỹ ước tính Mỹ thiếu kỷ lục 80.000 tài xế trong tháng 10-2021. Khó khăn trong khâu vận chuyển ảnh hưởng mọi thứ, từ hàng nhập khẩu đến bao bì in ấn ở nước ngoài.

Khan hiếm thực phẩm vì Omicron xảy ra nhiều nơi ở Mỹ - Ảnh 2.

Quầy trứng của một cửa hàng thực phẩm tại thành phố Anchorage, bang Alaska, Mỹ, phải treo biển hết hàng vì vấn đề vận chuyển xuất phát từ thời tiết khắc nghiệt - Ảnh: AP

Hãng tin AP ghi nhận số nhân công xin nghỉ phép vì các vấn đề liên quan tới biến thể Omicron đang tăng lên.

Hồi tuần trước, chủ tịch Sean Connolly của hãng thực phẩm Conagra Brands thông báo với các nhà đầu tư rằng nguồn cung từ các cơ sở tại Mỹ của công ty sẽ còn khan hiếm ít nhất là hết tháng sau vì không đủ nhân lực.

Thiếu nhân công cũng ảnh hưởng đến các cửa hàng tạp hóa. Giám đốc điều hành Stew Leonard của chuỗi siêu thị Stew Leonard’s cho biết, 8% nhân viên của công ty (khoảng 200 người) đã mắc bệnh hoặc đang trong tình trạng cách ly. Thông thường, mức độ vắng mặt của nhân viên ở Stew Leonard’s chỉ khoảng 2%.

Ngoài ra, các vấn đề như bão tuyết hay cháy rừng và việc người tiêu dùng tích trữ nhiều hơn cũng góp phần vào bài toán khó hiện nay.

Ngay cả giới chuyên gia cũng chưa thể chắc chắn bao giờ các kệ hàng thực phẩm của Mỹ mới thoát khỏi tình trạng khan hiếm.

Tiến sĩ Fauci: Mỹ sắp đến ngưỡng sống chung với COVID-19 Tiến sĩ Fauci: Mỹ sắp đến ngưỡng sống chung với COVID-19

TTO - Ngày 11-1, tiến sĩ Anthony Fauci - chuyên gia bệnh truyền nhiễm và cố vấn y tế cho Tổng thống Joe Biden - cho biết Mỹ đang tiến gần đến ngưỡng chuyển sang sống chung với COVID-19 dù hiện nay số ca bệnh và nhập viện tăng kỷ lục.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp