Đó là tân Chuông vàng vọng cổ 2024 Lê Hoàng Nghi!
Sợ Lê Hoàng Nghi... vuột chuông vàng
Thật ngộ, không phải chỉ riêng chị Thanh An mà có một số khán giả đã bày tỏ như thế. Lý do: họ sợ Lê Hoàng Nghi vuột chuông vàng vọng cổ. Lê Hoàng Nghi (sinh năm 2003, đến từ Kiên Giang) là thí sinh nhỏ tuổi nhất được chọn vào vòng chung kết xếp hạng giải Chuông vàng vọng cổ năm nay.
Nghi vừa tốt nghiệp ngành diễn viên cải lương của Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Nghi tham gia một cuộc thi lớn nên kinh nghiệm thi đấu, kinh nghiệm sàn diễn của Nghi thua xa so với hai thí sinh còn lại trong đêm chung kết cuối cùng là Dương Thị Mỹ Nhung và Nguyễn Hùng Vương.
Rất nhiều khán giả đã bị giọng hát của chàng trai trẻ chinh phục nên họ đâm ra lo sợ. Sợ càng tiến vô vòng trong có thêm ca diễn khiến em không thể trụ được thì uổng cho một giọng ca hay.
Ngay cả các huấn luyện của Nghi trong cuộc thi này cũng tiết lộ nếu nghe Nghi ca ở những buổi tập sẽ thấy tiềm năng của em rất lớn. Nhưng vì còn thiếu kinh nghiệm, áp lực nên khi thi Nghi thường chưa thể hiện đúng nội lực của mình.
Bởi vậy, xem Nghi ca diễn với vai dũng tướng Lâm Quang Ky ở đêm chung kết với tiết mục Kiếm bạt lưu danh mà nhiều người cứ hồi hộp sợ "thằng nhỏ" run hát mẻ nhịp hay sơ suất. Nên sau mỗi câu vọng cổ hay đoạn diễn hay của Nghi là khán giả vỗ tay rần rần, thở phào nhẹ nhõm.
Và khi MC công bố Lê Hoàng Nghi đoạt chuông vàng vọng cổ vào tối 29-9, gần như cả khán phòng đều vỗ tay không ngớt với những tiếng hét to bày tỏ sự đồng tình.
Chinh phục từ khán giả đến giám khảo
Nhận xét về phần thi của Nghi trong đêm chung kết, nghệ sĩ Thoại Mỹ không kìm được, thốt lên: "Nhìn gương mặt em dễ thương mà nó cưng làm sao".
Cái Thoại Mỹ thích là ở câu vọng cổ Nghi biết cách nhấn những từ ngữ khiến chị nghe mà nhói tim. Trong bài ca cổ tự chọn, Nghi khiến chị và Trọng Phúc phải rưng rưng vì Nghi rất biết truyền cảm xúc.
Trọng Phúc lý giải bởi Nghi dù còn nhỏ tuổi nhưng chịu khó tìm tòi, nghiên cứu trong cách ca. Chẳng hạn Nghi hát Văn thiên tường, ca lòng bản sắp xếp nhịp cực kỳ hay, chuyên nghiệp. Bài vọng cổ dứt câu 4 rất lạ, rồi còn tìm hiểu kết hợp cách hát của những cây đa cây đề nên em ca có nhiều chữ nghe rất đã.
Với trường hợp của Nghi, Trọng Phúc cảm thấy xúc động, hãnh diện vì Nghi thể hiện một người trẻ có trách nhiệm với lời ca của mình, biết sáng tạo để tìm cho mình nét riêng.
Càng đi sâu vào vòng trong, Trọng Phúc càng thấy Nghi thể hiện bản lĩnh sân khấu. Trong thời gian ngắn, Nghi đã nỗ lực thu phục tình cảm khán giả bằng lối ca diễn điềm đạm, giàu cảm xúc.
Huấn luyện viên Thanh Hằng trìu mến nói về học trò của mình: "Nghi có kiến thức và sự nghiêm túc. Kiếm bạt lưu danh là một kịch bản được anh Thạch Tuyền viết mới, khi đọc Nghi ngay lập tức tìm tư liệu để có sự hiểu biết sâu hơn về nhân vật.
Tôi chỉ đưa em một ngày là ngày sau em gần như thuộc hết. Sự chịu khó của Nghi khiến tôi đỡ vất vả và xúc động. Vì sàn diễn cải lương giờ khó trăm thứ, tìm được người trẻ có tiềm năng, tỉ mẩn, chăm chút với nghề như Nghi mình thấy vui lắm!".
Tâm sự với Tuổi Trẻ, Lê Hoàng Nghi cho biết mình sinh ra trong gia đình đam mê ca hát nhưng chỉ có Nghi là nuôi lớn giấc mơ làm nghệ sĩ.
Sau khi tốt nghiệp, Nghi đang hoạt động tự do. Nghi chia sẻ nếu có điều kiện muốn lên thành phố vừa học vừa làm ở một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nào đó. Bên cạnh đó, tiếp tục học lên đại học để trau dồi thêm kiến thức về nghề.
Ngay giây phút chạm tay tới chuông vàng, Nghi bày tỏ: "Em không nghĩ là mình sẽ đạt được chuông vàng nên khoảnh khắc này với em cực kỳ hạnh phúc.
Tham gia cuộc thi em đã nhận được rất nhiều tình yêu thương và sự mong mỏi của mọi người. Em rất vui vì cuối cùng mình đã không phụ lòng tin yêu những cô chú, anh chị đã hết lòng hỗ trợ em trong cuộc thi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận