10/12/2013 04:45 GMT+7

Khán giả Hà Nội đang "phải lòng" cải lương

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TT - Khán giả đã nườm nượp kéo đến rạp Hồng Hà suốt ba đêm Nhà hát Cải lương Việt Nam công diễn vở cải lương Vua Thánh triều Lê. Điều này không còn là sự lạ nữa bởi suốt hai năm qua, hễ hay tin có vở cải lương nào công diễn là khán giả Hà Nội đều kéo đến xem đông như thế.

AdCcTgSx.jpgPhóng to
Vở cải lương Vua Thánh triều Lê đã thành công ngoài dự đoán tại Hà Nội. Vở sẽ tiếp tục lưu diễn ở Nam Định, Bắc Ninh - Ảnh: Đức Triết

Phải mất gần 20 năm, bây giờ bà Thùy Dương (Cầu Giấy, Hà Nội) mới “trở lại” xem cải lương. Bà vẫn nhắc đến những đoàn cải lương Kim Phụng, Chuông Vàng nhưng không quên giải thích sau khi xem xong vở cải lương Nợ non sông (Nhà hát Cải lương Hà Nội) công diễn tháng 11: “Kim Phụng hay Chuông Vàng có nhiều vở hay lắm nhưng không thể hợp thời nay được. Thời nay khi mọi việc cứ cuồn cuộn trôi qua trong từng phút từng giây nên vở diễn không quá dài mà tôi vẫn được nghe những câu vọng cổ rất hay. Điều thú vị hơn là được nghe cách luận bàn về bao chuyện thời cuộc theo cách của cải lương hôm nay”.

Đạo diễn dám đột phá

Nhiều hợp đồng biểu diễn và lưu diễn

Rạp Hồng Hà vào những đêm công diễn vở mới của các nhà hát luôn chật chỗ. Sau đêm công diễn, với nhà hát có rạp để hát như Nhà hát Cải lương Hà Nội thì tiếp tục sáng đèn những đêm diễn tại rạp Chuông Vàng hoặc nhận hợp đồng lưu diễn ở các tỉnh. Chẳng hạn như vở Yêu là thoát tội trong hai năm qua đã nhận được gần trăm suất diễn ở Hà Nội và các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang... Vở Nợ non sông - câu chuyện đầy bi tráng về Phan Thanh Giản - mới công diễn cũng nhận được hợp đồng biểu diễn ở Cung thiếu nhi Hà Nội, Thái Nguyên. Còn với Nhà hát Cải lương Việt Nam chưa có rạp để hát thì việc lưu diễn ở các tỉnh là chủ yếu. Như vở Vua Thánh triều Lê (vừa công diễn) sẽ có những buổi lưu diễn ở Nam Định, Bắc Ninh vào cuối tháng 12 này.

Quả thế, cải lương đất Bắc giờ đã khác. Bớt hát, nhưng tinh. Bỏ đôi nét chấm phá về sân khấu, thêm kỹ thuật hiện đại để tả thực. Tiết tấu đẩy nhanh, mạnh. Đặc biệt là việc cập nhật thời sự vào trong từng câu hát, lời nói, không chỉ trong những vở đề tài hiện đại mà cả những vở lịch sử, dã sử. Vì thế, đêm diễn những vở gần đây như Yêu là thoát tội, Khi hoa nở trái mùa, Duyên kiếp Bạch Trà, Nợ non sông, Vú cát, Mê cung, Con côi họ Triệu, Vua Thánh triều Lê... thì những tràng pháo tay của khán giả vang lên không chỉ để tưởng thưởng cho những câu ca ngọt lịm mà còn cho cả những lời thoại hay, đi sát với thời cuộc.

Có được những đổi thay này cũng vì có một thế hệ đạo diễn trẻ dám đổi mới. Những Hoàng Quỳnh Mai, Triệu Trung Kiên, Trần Quang Hùng, Nguyễn Thanh Vân..., mỗi người một phong cách nhưng có điểm chung là say nghề, mạnh dạn sáng tạo mà vẫn trau chuốt. Họ mạnh dạn lựa chọn kịch bản gai góc để có những tiếng nói mạnh mẽ về thời cuộc, về thế thái nhân tình. Họ biết nắm bắt những cái mới, dùng ngôn từ sắc sảo để chuyển tải. Thêm vào đó là việc chủ động cách tân về thủ pháp như kết hợp với video, đẩy mạnh tính kịch, hành động kịch... để vở diễn luôn đẹp về hình thức, hấp dẫn về nội dung.

“Khán giả mỗi thời có gu thẩm mỹ khác nhau. Vì thế, không thể cứ khư khư giữ cách diễn, cách dựng và cả kịch bản của mấy mươi năm trước. Nhiệm vụ của tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ mỗi thời là phải thấy được thực tế ấy để đổi mới trên cơ sở những gì quyến rũ nhất của nghệ thuật cải lương” - NSƯT Hoàng Quỳnh Mai, đạo diễn vở Vua Thánh triều Lê, chia sẻ.

“Một thế hệ đạo diễn trẻ đang nở rộ tài năng một cách mạnh mẽ”, theo NSND Mạnh Tường, chính là “yếu tố quan trọng đem đến sự thay đổi căn bản về diện mạo của cải lương đất Bắc”.

Nhen lại “lửa” cho khán giả

Tháng nào rạp Chuông Vàng (phố Hàng Bạc) cũng dành hai đêm để người yêu cải lương đến ca hát cùng các nghệ sĩ. Chương trình “Tiếng đàn, giọng ca cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội” này Nhà hát Cải lương Hà Nội tổ chức đã được hơn một năm và thu hút rất đông hội viên. “Chúng tôi muốn kéo khán giả trở về với cải lương. Ngoài những vở diễn hay, hấp dẫn thì một điều cần hơn nữa là phải nhen lại “lửa” trong trái tim của họ. Khi khán giả đã phải lòng cải lương thì bỏ sao được nữa!”- đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng, giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội, hóm hỉnh nói.

Cũng là cách lập hội song NSƯT Triệu Trung Kiên, Nhà hát Cải lương Việt Nam, nhen lại “lửa” cho khán giả mình bằng CLB đờn ca tài tử - cải lương Khoảng trời phương Nam. Hơn một năm qua, vào mỗi tối thứ bảy hằng tuần tại điểm hẹn Láng Hạ, nghệ sĩ đã dẫn dắt khán giả đến với những bản nhạc lớn của đờn ca tài tử, những đoạn vọng cổ... để rồi lòng người cứ theo đó mà say.

“Bây giờ, CLB diễn lưu động là chính, lưu động không chỉ trong Hà Nội mà ra đến các tỉnh lân cận. Chúng tôi xem đó là tín hiệu vui cho nghệ sĩ vì như thế cải lương vẫn chinh phục được khán giả và luôn có nhiều cơ hội để gieo tiếp tình yêu cải lương cho nhiều người” - NSƯT Triệu Trung Kiên, người sáng lập CLB, nói.

Ông Lê Duy Hạnh (chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM):

Đừng đẩy nghệ thuật truyền thống ra thị trường

DYSLnB31.jpg
Ông Lê Duy Hạnh - Ảnh: G.T.
Kịch bản Vua Thánh triều Lê của tác giả Lê Duy Hạnh do đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng thành cải lương vừa công diễn tại Hà Nội đã có những thành công ngoài dự đoán. So với đời sống đang rất èo uột của cải lương miền Nam thì phải chăng cải lương đang dần rời bỏ cái nôi của mình để “di cư” ra Bắc? Trước câu hỏi này của Tuổi Trẻ, ông Lê Duy Hạnh nói:

- Tôi không cho rằng cải lương đang chuyển ra Bắc đâu. Vấn đề ở chỗ khâu tổ chức biểu diễn chưa đồng nhất và thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước. Thật ra cải lương miền Nam bây giờ có những vở diễn khá công phu như Chiếc áo thiên nga hay Cội nguồn đã đoạt giải thưởng lớn về sân khấu, sau đó được dự tính sẽ diễn cả trăm buổi để phục vụ khán giả, nhưng chỉ mới làm một hai buổi thì ngưng đến giờ. Đời sống của vở diễn như vậy là chết rồi. Nhà hát không được nâng cấp. Diễn viên miền Nam giờ chạy lung tung không biết làm gì. Một số người không lo đi tìm nhân vật hay mà chỉ lo làm sao có mặt trong một hội diễn nào đó, đoạt một vài huy chương để lên danh hiệu NSƯT, NSND mà không quan tâm đến nhân vật đó có đến được với khán giả hay không. Có vở diễn nhưng không tổ chức diễn được, đó là hậu quả của một thời gian thả nổi cải lương theo thị trường. Không thể sáng đèn thường xuyên thì sự tồn tại của một đoàn hát là không có lý do.

Trong khi ở miền Bắc vì không ra thị trường được nên họ vẫn chính quy, có thể yên tâm làm vở bằng tiền của Nhà nước. Theo tôi, những loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc không nên bị đẩy ra thị trường và phải “bơi” tự do như vậy rất tội. Ngay cả đối với những đơn vị tư nhân nếu có được những vở diễn tốt, đáp ứng đủ yêu cầu về nghệ thuật và chính trị thì sau khi đoạt giải nên được Nhà nước “hậu đầu tư” để những vở này có thể được tổ chức biểu diễn đến với công chúng.

HOÀNG OANH ghi

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp