Điền kinh và bơi lội luôn được xem là hai môn chủ đạo của đại hội thể thao - Ảnh: NYPOST
Đó là hai môn thể thao cơ bản nhất, mang tính đại biểu nhất cho tinh thần tranh tài Olympic, cũng như những câu chuyện về nỗ lực chiến thắng bản thân, vượt qua giới hạn của con người. Trên thực tế, tại các kỳ Olympic, tỉ lệ CĐV trên khán đài hai môn này cao hơn nhiều so với bóng đá.
Nhưng đến SEA Games 31, người hâm mộ và cánh truyền thông lâm vào tình thế khó xử - khi điền kinh và bơi lội bất ngờ "khai cuộc cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm", cũng như "khép lại cùng năm, cùng tháng, cùng ngày, cùng giờ".
Ví dụ như hôm nay (14-5) là ngày mở màn của hai môn thể thao này. Từ 16h cho đến 19h tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình diễn ra một loạt cuộc đấu chung kết, trong đó có các nội dung hấp dẫn như 200m nam, 200m nữ…
Điền kinh tranh tài từ ngày 14-5 - Ảnh: NAM TRẦN
Trong khi đó, từ 18h đến 20h tại Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình lại diễn ra các cuộc đấu chung kết môn bơi lội. Thời gian hai bên gần như trùng khớp, và khoảng cách gần 1km giữa 2 nơi này cũng không cho phép người hâm mộ và cánh truyền thông bao quát cả hai.
Ông Lim Tuek Huan - phóng viên báo The Star của Malaysia - cho biết ông khá ngạc nhiên khi chủ nhà Việt Nam lại xếp lịch điền kinh và bơi lội trùng nhau, đặc biệt khi Việt Nam mạnh cả hai môn này.
Và bơi lội cũng vậy - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Không có một quy tắc thành văn nào bắt buộc các nước chủ nhà phải xếp lịch các môn như thế nào. Nhưng đây lại là bí quyết để kỳ đại hội trở nên hấp dẫn hơn, thỏa mãn người hâm mộ và bản thân nước chủ nhà thu được nhiều lợi ích nhất về mặt bản quyền truyền hình, bán vé…
Trong tác phẩm "Dishonored Games: Corruption, Money & Greed at the Olympics", nhà báo điều tra nổi tiếng của BBC cho biết vấn đề này đã được thảo luận từ khi Olympic trở lại sau Thế chiến thứ 2.
Và người đề nghị việc sắp xếp lịch một cách hợp lý, để mang lại những lợi ích tài chính cho các kỳ đại hội thể thao là Rudolf Dassler - "ông trùm" sáng lập Hãng thể thao Puma nổi tiếng, cùng cộng sự Patrick Nally (người được xem như cha đẻ của ngành marketing thể thao).
Từ đó về sau, chúng ta thấy một công thức tổ chức quen thuộc cho 2 môn thể thao cơ bản này tại các kỳ Olympic - khai cuộc bằng bơi lội, và khép lại bằng điền kinh. Vì thời gian tổ chức Olympic có hạn, đôi lúc hai môn trùng nhau một chút trong khoảng giữa, nhưng chỉ là đôi ba ngày.
Cha đẻ ngành marketing thể thao Patrick Nally - Ảnh: REUTERS
Ở SEA Games, các nước chủ nhà thường ưu tiên cho các môn thể thao mình sở trường, nhưng thường cũng tuân theo quy tắc bất thành văn này.
Ở SEA Games 2017, nước chủ nhà Malaysia xếp lịch điền kinh và bơi lội trùng nhiều ngày, nhưng về giờ giấc thì điền kinh chỉ bắt đầu sau khi bơi lội kết thúc. Và địa điểm thi đấu 2 môn là rất gần.
Đến SEA Games 2019, Philippines để điền kinh và bơi lội trùng nhau 4/6 ngày, nhưng một phần cũng bởi nước chủ nhà hầu như không cạnh tranh môn bơi lội.
Trái lại, Việt Nam mạnh đều cả bơi lội lẫn điền kinh. Việc xếp lịch trùng hoàn toàn 6 ngày thi đấu khiến người hâm mộ thực sự tiếc nuối.
Giữa "vua và nữ hoàng", phải chọn gì đây?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận