Nhiều phụ huynh dẫn các cháu thiếu nhi đi xem suất diễn kịch Ngày xửa ngày xưa ở Nhà hát Bến Thành, chiều 16-7 - Ảnh: HỮU HẠNH
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn kể trước đại dịch, sân khấu Idecaf liên tục bù lỗ cứ đều đặn mỗi suất 12 - 15 triệu đồng.
Ông bầu này nhấn mạnh mỗi suất ông phải chi ít nhất 40 triệu đồng nên dù có bán được 120 vé/suất cũng phải hủy vì không đủ chi. Lúc đó, ông đã nghĩ nếu cứ kéo dài tình trạng này ông phải đóng cửa.
Thực tế, sau đại dịch, làng kịch nói TP đã có 2 sân khấu không còn sáng đèn định kỳ cuối tuần là Hoàng Thái Thanh và Hồng Vân, nhưng thật bất ngờ những sân khấu còn lại lượng khán giả tăng vọt.
Kịch thiếu nhi: "Nhìn khán giả tôi hết hồn"
Từ khi diễn trở lại (26-1) đến nay, sân khấu Idecaf trở thành một "hiện tượng" khi vé vở nào ra là bán sạch.
Đặc biệt là chương trình Ngày xửa ngày xưa mới nhất của sân khấu với vở Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá. Ban đầu dự tính diễn hè 25 suất, nhưng cứ mở bán suất nào trong vòng vài phút là vé hết sạch.
Trước tình hình đó, ông Huỳnh Anh Tuấn đã quyết định tăng thêm 4 suất diễn cho hè này và cũng rất nhanh, đơn vị bán không còn chiếc vé nào.
Ông Tuấn hồ hởi nói: "Sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả khiến chúng tôi quá bất ngờ. Có thể nói trong 25 năm nay chưa bao giờ Ngày xửa ngày xưa được đón nhận nồng nhiệt đến thế. Vé đầy hết từ dưới tầng một lên hết các tầng lầu nhà hát.
Nhìn khán giả tôi hết hồn, không biết mấy suất sau như thế nào, còn mấy suất đầu thiếu nhi chừng 100 cháu mỗi suất, nhưng tuổi teen chiếm phần đông. 16, 17 đến 25. Hỏi ra mới biết các cháu xem Ngày xửa ngày xưa từ 3, 4 tuổi nên mê giờ đi coi tiếp".
Khách vào sân khấu Thế Giới Trẻ xem vở Xóm nghèo bá đạo tối 16-7 - Ảnh: T.T.D.
Ở sân khấu kịch TP.HCM hiện nay, nói về bán vé thì số 1 là Idecaf và số 2 là sân khấu Thế Giới Trẻ.
Ông Trần Đại - giám đốc sân khấu - cho biết sau bao lo lắng nay đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì lượng khán giả tăng hơn so mọi năm. Bình quân các suất diễn đạt hơn 70% khán phòng, với những vở hot phải kê thêm ghế phụ.
Nhà hát kịch 5B khó khăn hơn 2 đơn vị nói trên nhưng tình hình hiện nay cũng khá sáng sủa. Bà bầu Mỹ Uyên chia sẻ từ sau đợt 30-4 đến nay, bình quân mỗi suất diễn được khoảng 80% lượng vé.
Đặc biệt, sân khấu thiếu nhi của nhà hát rất khởi sắc khi có thể sắp được lịch diễn định kỳ mỗi buổi sáng hoặc chiều cuối tuần, mỗi tuần 2 suất, trung bình mỗi buổi cũng bán được 160 - 180 vé/200 ghế.
Khán giả 45 - 50 tuổi gần như vắng bóng. Ở độ tuổi đó họ ngại ra ngoài, và những điều sân khấu nói có thể họ sẽ thấy nhàm. Nhìn những suất diễn vừa qua, tôi nhận thấy toàn khán giả trẻ. Có lẽ trước giờ mình còn chủ quan chưa chú ý đến đối tượng này. Nên chúng tôi đã lên kế hoạch làm những vở mới ưu tiên giới trẻ, những vở cũ làm lại cũng phải đáp ứng được nhu cầu của họ, có thể đối thoại được với họ.
Ông bầu HUỲNH ANH TUẤN
Chương trình xiếc mới Bí ẩn nơi đảo hoang (kịch bản, đạo diễn: Công Nguyễn, biên đạo: Mạnh Quyền) của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam ra mắt từ ngày 9-7 tại rạp xiếc công viên Gia Định (quận Gò Vấp, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.
Xiếc: "Như một giấc mơ!"
Ông Lê Diễn - giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam - thốt lên: "Như một giấc mơ!". Ông cho biết từ sau dịch bệnh, các đơn vị trường học, doanh nghiệp đặt hàng các suất diễn liên tục, số lượng suất hợp đồng tăng rất khả quan so với những năm trước.
Rạp xiếc của nhà hát tại công viên Gia Định có thể duy trì được lịch diễn định kỳ 2 suất/tuần, mỗi suất cũng được khoảng 300 vé. Khu trải nghiệm múa rối - xiếc cũng mở hằng tuần để đón các cháu và phụ huynh đến vui chơi.
Đặc biệt, điểm diễn múa rối nước của nhà hát tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM diễn được 4 suất/tuần, "hot" nhất là vở Anh hùng Nguyễn Trung Trực luôn kín ghế, phải kê thêm ghế phụ.
Ông Diễn nói: "Giống như một cuộc hồi sinh. 2 năm làm cầm chừng, bám trụ nghề đầy khó khăn... tê tái. Giờ khởi sắc chúng tôi rất mừng, có thêm động lực để anh em duy trì với nghề".
Riêng với cải lương, hiện không một sân khấu nào ở TP giữ được lịch diễn định kỳ hằng tuần. Bán vé khá nhất phải kể đến sân khấu của đoàn cải lương Huỳnh Long.
Bình quân 1 tháng đoàn diễn khoảng 2, 3 suất và vé nhanh chóng được bán hết. Sân khấu Chí Linh - Vân Hà, sân khấu Vũ Luân khoảng 1, 2 suất/tháng cũng bán vé rất ổn.
Mới đây, mini show của NSƯT Bảo Quốc diễn ra tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang hết vé từ dưới đất lên đến trên lầu, thậm chí do nhu cầu quá lớn của khán giả, ban tổ chức phải bán thêm rất nhiều ghế phụ.
Khán giả xếp hàng vào xem vở Cậu Đồng tại sân khấu kịch Idecaf tối 14-7 - Ảnh: T.T.D.
Trân quý những giây phút thuộc về cảm xúc
Lý giải cho việc khán giả đông lên bất ngờ, ông Huỳnh Anh Tuấn tâm sự: "Tôi tìm hiểu và phát hiện sau 2 năm tang thương, mọi người cảm thấy cuộc sống rất vô thường, cộng với nỗi nhớ nhung sàn diễn nên người ta có nhu cầu tiếp xúc với cộng đồng, được sẻ chia, được tâm tình.
Nói đâu xa, như tôi đây giờ bạn bè kêu họp mặt là nhào tới liền vì mình trân quý những giây phút thuộc về cảm xúc, được gặp gỡ, được chuyện trò".
Ông Lê Diễn cũng đồng tình với điều đó và cho rằng 2 năm không được ra ngoài khiến người ta bức bối, nhất là các bạn trẻ nên khi dịch bệnh yên, họ là những người nhanh chóng bước ra ngoài, tìm đến các điểm biểu diễn.
Ông nói: "Vở múa rối nước Anh hùng Nguyễn Trung Trực tôi xem mà bất ngờ vì thiếu nhi chỉ 20%, 80% là người lớn mà số đông là người trẻ".
Với sân khấu, bước vào độ tháng 6, 7 đến tháng 10 được xem là mùa... ngặt, mùa ế vì mưa liên miên khiến khán giả ngại đến rạp. Vì vậy, trước tình hình khả quan năm nay nhiều sân khấu mừng rỡ nhưng không chủ quan.
Ông Trần Đại trăn trở không biết hiện tượng khán giả tăng lên là lâu dài hay thoáng qua. Sân khấu Thế Giới Trẻ được xem là sân khấu đẹp và hiện đại ở TP vì ông bầu "chịu chơi" bỏ tiền làm sân khấu quay.
Mới đây ông bầu này còn đầu tư dàn đèn mới, hệ thống âm thanh xịn "để khán giả đến xem vở thấy đã".
"Hiện tại sân khấu bị cạnh tranh với quá nhiều loại hình giải trí trên mạng nên tôi nghĩ chúng ta phải đầu tư dàn dựng như thế nào mà khi đến sân khấu người ta phải tìm thấy những điều không có trên phim ảnh.
Chúng tôi cũng tìm kiếm những kịch bản hay vừa giải trí vừa có những điều suy ngẫm để chinh phục khán giả. Không để một vở diễn phải phụ thuộc vào diễn viên nào đó. Tôi rất lo lắng, sợ văn hóa xem kịch đang mất dần, nên trong khả năng mình chúng tôi đang hết sức cố gắng".
Các sân khấu trên đều giữ giá vé như cũ, thậm chí Nhà hát nghệ thuật Phương Nam còn hạ giá vé trong hè này để kích thích các bé đến xem.
Khán giả dần trở lại rạp
Em và Trịnh là phim Việt thu trăm tỉ đầu tiên trong năm 2022 - Ảnh: ĐPCC
Sau nhiều phim lỗ nặng hàng chục tỉ từ đầu năm đến nay, cuối cùng điện ảnh Việt vừa có phim trăm tỉ đầu tiên trong năm 2022. Đó là Em và Trịnh, bộ phim dựa trên cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đạt 100 tỉ đồng vào ngày 7-7. Dù Em và Trịnh tạo nên cú hích truyền thông lớn, phim lại vấp phải quá nhiều ý kiến trái chiều, gây ảnh hưởng xấu đến doanh thu.
Nhưng dù sao đây cũng là tín hiệu đáng mừng với phim Việt. Sau những phim có lãi gần đây như Chìa khóa trăm tỉ, Chuyện ma gần nhà, Bẫy ngọt ngào, Nghề siêu dễ, Đêm tối rực rỡ..., có thể thấy khán giả đang dần trở lại rạp để xem phim Việt.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Hải - giám đốc nội dung CGV - cho biết: "Trong 2 năm đại dịch, chúng tôi vẫn ngồi lại với nhau để tìm hướng đi mới cho thị trường với các ý tưởng, nội dung mới.
Trong những năm tới, thị trường Việt Nam sẽ hồi phục rất nhanh và tiếp tục đà tăng trưởng như những năm trước 2019. Chúng tôi tin rằng nếu các bộ phim rạp có chất lượng cao thì khán giả sẽ tiếp tục ủng hộ".
V Pictures, công ty đầu tư phim thuộc CGV, vừa công bố hơn 10 dự án phim điện ảnh cho năm 2022, 2023. Nhà sản xuất Thu Trang nêu ý kiến: "Thị trường điện ảnh đang trên đà hồi phục, tôi hy vọng bộ phim Dân chơi không sợ con rơi của tôi sẽ đóng góp một phần vào sự hồi phục ấy".
Dân chơi không sợ con rơi do Thu Trang sản xuất, Tiến Luật đóng chính. Đây là 2 cái tên có sức hút phòng vé. Phim ra rạp ngày 29-7.
Từ nay đến cuối năm, khán giả còn có một bom tấn để mong đợi là Thanh Sói - phim hành động kinh phí lớn do Ngô Thanh Vân sản xuất và đạo diễn. Phim từng lên lịch chiếu dịp lễ 30-4 nhưng bất ngờ hoãn lại và chưa có lịch chiếu mới.
MI LY
Xem video trực tuyến là lựa chọn số 1
Ngày càng nhiều nội dung giải trí đa dạng trên các thiết bị kết nối mạng cho người dùng lựa chọn - Ảnh: Đ.THIỆN
Các dịch vụ giải trí ngoài đời sống thực hoạt động trở lại đã được hơn nửa năm, thế nhưng thời gian người dùng Việt Nam dành cho các dịch vụ giải trí trên mạng vẫn không hề giảm bớt đi so với lúc đại dịch COVID-19 hoành hành, thậm chí một số dịch vụ còn tăng mạnh...
Theo báo cáo "Repota 2022: Tối ưu chiến lược và công cụ tiếp thị cho tăng trưởng", có tới 94,3% người dùng Việt độ tuổi 16 - 64 theo dõi video hằng tuần.
Trong đó, các thể loại được theo dõi nhiều nhất là âm nhạc, livestream, giới thiệu sản phẩm, gaming và những nội dung từ những người có ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, hoạt động giải trí qua các dạng nội dung audio (âm thanh) trở nên vô cùng tiềm năng. Số liệu từ báo cáo cho thấy dù thời gian lên mạng trung bình giảm, nhưng thời gian nghe nội dung âm thanh như Podcast hay Audiobook (sách nói) vẫn không đổi (44 phút/ngày).
Nguyên nhân chính khiến âm thanh "ghi điểm" là do tính đa nhiệm khi vừa có thể giúp người dùng tiếp thu nội dung, lại có thể vừa làm việc khác. Ngoài ra, dạng nội dung này cũng khiến họ cảm thấy gần gũi và riêng tư hơn nội dung video.
Theo báo cáo Repota 2022, YouTube tiếp tục là lựa chọn số 1 cho mục đích giải trí của mọi thế hệ người Việt. Đặc biệt, với hạng mục âm nhạc phát trực tuyến, nền tảng này ghi nhận sự tăng trưởng bền vững với người dùng Internet tại nước ta, vượt qua Zing, Nhạc của tui hay Spotify.
Tuy nhiên, chỉ trong năm qua, TikTok tăng trưởng khủng khiếp về người dùng mọi thế hệ. Đặc biệt, các bạn trẻ thuộc Gen Z đang chuyển dịch mạnh mẽ sang nền tảng TikTok với con số tăng trưởng tới gần 40%, nguyên nhân chủ yếu do xu hướng video ngắn lên ngôi.
Theo kết quả khảo sát từ các báo cáo của Decision Lab (2022) hay The Connected Consumer (quý 4-2021), TikTok vượt mặt Instagram, nằm trong top 4 nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam.
Nhận thấy địa vị của mình bị lung lay, để chống đỡ lại sự "bành trướng" từ nền tảng non trẻ TikTok; Facebook, Instagram hay YouTube mới đây đã bổ sung các tính năng mới cho phép các nhà sản xuất nội dung tạo ra video ngắn trên nền tảng của mình như Facebook Reels, Instagram Reels hay YouTube Shorts. Tuy nhiên cho tới nay, các tính năng mới vẫn chưa tạo ra nhiều tiếng vang với người dùng Việt.
Theo báo cáo "Repota 2022: Tối ưu chiến lược và công cụ tiếp thị cho tăng trưởng" vừa được Công ty quảng cáo Adsota phát hành, dù các quy định giãn cách và nới lỏng giãn cách đã chấm dứt nhưng thời gian lên mạng trung bình của người dùng Việt vẫn lên đến 6 giờ 38 phút mỗi ngày (chỉ kém 9 phút so với năm 2021).
Không những vậy, thời lượng lên mạng qua thiết bị di động lại tăng tới hơn 3,5 tiếng/ngày, chiếm hơn 1/2 tổng thời gian lên mạng.
ĐỨC THIỆN
Người dân chi bao nhiêu cho văn hóa giải trí?
Mức chi tăng dần...
Theo bà Nguyễn Thu Oanh - vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê:
- Giá cả lĩnh vực văn hóa, giải trí và du lịch trong 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021 tăng 1,43%. Tính bình quân quý 2-2022 thì tăng 2,66%.
- Riêng trong tháng 6-2022, giá cả lĩnh vực văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,34% so với tháng 6-2021. So với tháng 5-2022, tháng 6-2022 năm tăng 0,52%.
- Đà tăng chi phí này của người dân chưa dừng lại khi giá chi phí dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa, giải trí và du lịch trong tháng 6-2022 tiếp tục tăng tại hầu hết các TP lớn trên cả nước.
Cụ thể, trong tháng 6-2022, giá cả trong lĩnh vực này tại Hà Nội tăng 2,14%, Hải Phòng tăng 0,15%, Đà Nẵng tăng 0,37%, Cần Thơ tăng 0,09%, riêng TP.HCM giảm 0,35% so với tháng 5-2022. Như vậy, chi phí dịch vụ văn hóa và giải trí của cả nước trong 6 tháng đầu năm nay có xu hướng tăng khi giá cả trong lĩnh vực này trở lên đắt đỏ hơn.
... bất kể thu thu nhập giảm nhẹ
Trong khi đó, thu nhập của người dân các địa phương theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2021, vừa được Tổng cục Thống kê công bố vào cuối tháng 6 vừa qua cho thấy thu nhập bình quân của người dân cả nước giảm trung bình 40.000 đồng/tháng do ảnh hưởng dịch bệnh.
Cụ thể thu nhập của người dân Hà Nội đạt khoảng 6 triệu đồng/tháng, Hải Phòng đạt 5,09 triệu đồng/tháng, Đà Nẵng đạt 5,22 triệu đồng/tháng, TP.HCM đạt khoảng 6 triệu đồng/tháng, Cần Thơ đạt 4,79 triệu đồng/tháng.
Trước đó, theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 (thực hiện 2 năm một lần), thì trong năm 2020, xét trên phạm vi cả nước tổng mức chi tiêu của người dân chi tiêu khoảng 2.892.000 đồng/tháng, bao gồm các khoản chi cho nhu cầu ăn, uống, hút (thuốc) khoảng 1.685.000 đồng/tháng, chi không phải cho ăn, uống là 1.207.000 đồng/tháng và chi tiêu khác 177.000 đồng/tháng.
Xét theo vùng miền, trong năm 2020 mức chi tiêu hằng tháng của người dân vùng Đông Nam Bộ cao nhất, khoảng 3.930.000 đồng/tháng, tiếp đó người dân Đồng bằng sông Hồng chi tiêu 3.296.000 đồng/tháng, người dân trung du miền núi phía Bắc chi tiêu 2.107.000 đồng/tháng, người dân Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung chi tiêu 2.565.000 đồng/tháng, người dân Tây Nguyên chi tiêu 2.167.000 đồng/tháng, người dân Đồng bằng sông Cửu Long chi tiêu 2.494.000 đồng/tháng.
BẢO NGỌC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận