27/06/2012 08:04 GMT+7

Khẩn cấp cứu người nuôi cá tra

Ông DƯƠNG NGỌC MINH (phó chủ tịch VASEP)
Ông DƯƠNG NGỌC MINH (phó chủ tịch VASEP)

TT- Hội nghị sơ kết sản xuất tiêu thụ cá tra của Bộ NN&PTNT tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp chiều 25-6 đã biến thành buổi thảo luận tìm giải pháp khẩn cấp cứu doanh nghiệp và người nuôi cá tra ở các tỉnh ĐBSCL.

VipAlQLq.jpgPhóng to
Giá cá tra giảm mạnh, trong khi thiếu vốn đầu tư nuôi nên nhiều nông dân ở Thới Thuận, Thốt Nốt (Cần Thơ) phải bán tháo ao cá tra chưa tới lứa thu hoạch cho một doanh nghiệp nuôi cá với giá 18.000 đồng/kg - Ảnh: Đ.Vịnh

Hiện giá cá tra chỉ còn 18.000 đồng/kg, người nuôi đang bị thua lỗ 5.000-7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) lại không có tiền mua càng khiến tình hình tồi tệ.

Tuột dốc không phanh

Tình hình hiện nay rất căng, nông dân chết một, DN đang chết tới mười. Chỉ có cách ngân hàng bơm vốn hoặc Chính phủ tháo gỡ bằng gói hỗ trợ mà Bộ Tài chính trình mới có thể cứu được con cá tra, nông dân và DN

Ông Dương Thành Thái, một hộ dân nuôi cá tra ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), cho biết giá thành nuôi 1kg cá tra hiện nay 24.000-25.000 đồng/kg, nhưng giá bán cá chỉ còn 17.000-18.000 đồng/kg. Theo ông Thái, nguyên nhân giá thành tăng cao là do hao hụt khâu con giống khoảng 30%, giá thức ăn tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái và lãi ngân hàng quá cao... “Giá cá cứ giảm trong khi cá quá lứa vẫn phải cho ăn mỗi ngày nên người nuôi sẽ càng lỗ” - ông Thái lo lắng.

Trong khi đó, một “đại gia” trong nghề nuôi, chế biến cá tra như ông Trần Văn Hùng (chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Hùng Cá ở Đồng Tháp) cho biết đã xuất hiện tình trạng DN phải bán tháo sản phẩm để có tiền xoay trở do ngân hàng siết chặt tín dụng. Các đối tác nhập khẩu nắm được điểm yếu của DN xuất khẩu nên họ liên tục hạ giá nhập khẩu. Mặt khác, tại hội chợ Việt Fish đang diễn ra đã có một số DN chào hàng chỉ với giá 2,2 USD/kg cá philê xuất khẩu. Điều này càng làm giá cá tra giảm thêm. Khi DN gõ cửa ngân hàng thì họ đòi hỏi phải có thế chấp. Song thực tế việc nuôi cá tra phải đầu tư 6-8 tỉ đồng/ha nên việc thế chấp gần như không thể thực hiện được.

Ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho rằng giá cá tra đang giảm sâu dưới giá thành của DN do tác động rất lớn của việc thắt chặt tín dụng và đáo hạn với lãi suất cao, buộc DN phải bán tháo để trả nợ. Điều đáng lo ngại nhất lúc này chính là tình trạng tranh mua tranh bán của nhiều DN đã tạo điều kiện cho các đối tác nước ngoài khai thác triệt để nhằm ép giá. “Nếu không ngăn chặn được tình hình lộn xộn này, DN và nông dân sẽ càng chết” - ông Minh lo lắng.

Theo thống kê của Hiệp hội Thủy sản các tỉnh ĐBSCL, hiện toàn vùng có gần 3.900ha ao đầm cá tra. Từ tháng 6 đến tháng 8-2012 có 1.300ha đến kỳ thu hoạch với sản lượng khoảng 400.000 tấn. Và những tháng cuối năm tiếp tục có 2.600ha thu hoạch khoảng 700.000 tấn. Nếu tình trạng này không sớm được tháo gỡ thì từ nay đến cuối năm có nguy cơ tồn đọng khoảng 100.000 tấn cá tra nguyên liệu trong dân.

Bơm vốn cho người nuôi cá

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng giá cá tra giảm là do mất cân đối giữa cung và cầu. Cung tăng nhanh hơn cầu cộng với việc giá cá trên thị trường thế giới giảm nên giá cá tra trong nước giảm. Để giúp DN chế biến và người nuôi cá thoát khỏi khó khăn hiện nay, các ngành cần phải nhanh và quyết liệt vì nếu nuôi thêm sẽ tốn tiền thức ăn, thậm chí cá sẽ quá lứa không tiêu thụ được. Trước mắt phải giúp cho DN có vốn mua cá để chế biến xuất khẩu. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng xem xét giãn nợ, gia hạn thời gian cho vay cũng như không đưa các DN trên vào danh sách nợ xấu, tạo điều kiện cho DN vay vốn.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã báo cáo xin phép Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ gói 9.000 tỉ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi, trong đó có 5.400 tỉ đồng cho người nuôi và 3.600 tỉ đồng cho các DN chế biến xuất khẩu.

Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý các ngân hàng khi cho DN vay phải giám sát để số tiền vay thật sự giải quyết cho con cá tra chứ không để DN sử dụng số tiền vay vào mục đích khác. Ngoài ra, bộ trưởng chỉ đạo VASEP thông tin thường xuyên tình hình thị trường và giá cả để người nuôi cá biết và điều chỉnh. VASEP phải phối hợp với cơ quan chính phủ chuyên về điều hành xuất khẩu để chống bán phá giá cá tra, không để tồn tại tư tưởng “thà lỗ trước mắt hơn là lỗ lâu dài” của các DN. Bên cạnh đó, VASEP phải yêu cầu các thành viên của mình tuân thủ việc kiềm chế bán phá giá. Các thành viên phải đảm bảo con cá tra chất lượng và uy tín.

Ngân hàng đã “mở hết cửa”...

Tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản với chủ tịch UBND TP Cần Thơ ngày 26-6, ông Hà Hồng Ngọc - giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ - cho biết hiện các ngân hàng trên địa bàn đã “mở hết cửa” nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận được vốn vay.

Theo ông, qua khảo sát của các ngân hàng, nguyên nhân là do tình hình tài chính của các doanh nghiệp này thiếu minh bạch, thiếu tài sản thế chấp, phương án kinh doanh không khả thi, thiếu vốn tự có để tham gia dự án khi vay ngân hàng và lãi suất vẫn còn cao.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ rà soát việc thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước VN trong việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, cũng như điều chỉnh lãi suất của khế ước cho vay trước đây bằng với lãi suất ở thời điểm hiện tại vì “đây là cái có thể tháo gỡ rất nhiều cho doanh nghiệp”.

Ông DƯƠNG NGỌC MINH (phó chủ tịch VASEP)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp