19/10/2018 10:31 GMT+7

Khâm Thiên Giám - cơ quan quan trọng của triều Nguyễn - đang... sập

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Từng mảng ngói đổ sập xuống thành nhiều tảng lớn, vương vãi khắp nơi. Những cột kèo, con nghê... bằng gỗ đã mục rữa do mối mọt nằm chỏng chơ. Đó là tình cảnh hiện tại của di tích Khâm Thiên Giám - một cơ quan quan trọng của triều Nguyễn.

Khâm Thiên Giám - cơ quan quan trọng của triều Nguyễn - đang... sập - Ảnh 1.

Bên trong đã mục nát, xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: NHẬT LINH

Đáng nói hơn là sự xuống cấp của Khâm Thiên Giám (hiện nằm trên đường Hàn Thuyên, phường Thuận Thành, TP Huế) có thể gây nguy hiểm cho gia đình bà Nguyễn Thị Duyệt (79 tuổi), sống trong khu di tích này 50 năm nay.

"Mỗi lần mưa to, gió lớn là cả nhà tui phải vứt lại đồ đạc chạy qua nhà khác để lánh vì lo trần nhà đổ sập xuống. Còn ngói ở phía trên bỗng dưng rơi xuống nền nhà là chuyện như cơm bữa" - bà Duyệt nói.

Bà Duyệt cũng cho hay cách đây mấy năm bà có xin chính quyền sửa nhà nhưng không được cấp phép. "Người ta bảo đây là di tích nên không được thay phần mái ngói thành mái tôn. Vậy nên tui phải kêu mấy đứa con mua bạt nilông về lợp chồng lên phần ngói cũ để tránh mưa nắng".

Năm 2013, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế lập dự án bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích trình Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch và bộ ra văn bản đồng ý. Nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa được thực hiện.

Trao đổi về việc chưa thể tiến hành công tác bảo tồn công trình kiến trúc này, ông Phan Thanh Hải - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - cho biết trước đó phương án giải tỏa là di dời cả 27 hộ dân sống trong khu vực di tích, trả lại toàn bộ mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay vấn đề vướng mắc lớn nhất là thiếu kinh phí cho việc di dời các hộ dân này.

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng đang xem xét các phương án trùng tu di tích Khâm Thiên Giám. Bởi chất lượng công trình hiện rất tệ, không thể tận dụng vật liệu để phục hồi nguyên trạng.

Ngoài ra, Khâm Thiên Giám đã được di dời, cải tạo lại nhiều lần, trong những giai đoạn lịch sử khác nhau nên cần làm rõ phải bảo tồn, tôn tạo cái gì để phù hợp với tổng thể cảnh quan di tích trong Kinh thành Huế.

Cũng theo ông Hải, dự án trùng tu, phục hồi, tôn tạo di tích Khâm Thiên Giám được trung tâm đưa vào kế hoạch của năm 2019. Theo đó, trung tâm sẽ trích 30% trong số tổng doanh thu từ việc bán vé tham quan năm 2018 để phục vụ việc giải tỏa mặt bằng.

"Chúng tôi sẽ thuyết phục để di dời hộ bà Duyệt đi trước rồi sau đó... chờ vốn ngân sách để trùng tu, tôn tạo di tích sau" - ông Hải nói.

Trước mắt, ông Hải cho biết sẽ cho gia cố, lắp khung chống đỡ toàn bộ phần mái, trụ... để giúp khu nhà Khâm Thiên Giám trụ được qua mùa mưa năm nay.

Cơ quan quan trọng của triều Nguyễn

Khâm Thiên Giám được thành lập dưới thời vua Gia Long. Đây là cơ quan chuyên quan sát, chiêm nghiệm thiên văn, dự báo thời tiết, làm lịch, báo giờ để định mùa vụ cho dân.

Khâm Thiên Giám còn xem ngày lành tháng tốt để triều đình tổ chức những việc đại sự. Theo Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, vào năm 1918 vua Khải Định cho dời Khâm Thiên Giám từ góc nam của Kinh thành Huế về vị trí hiện tại, đến nay đã tròn 100 năm.

Tuy toàn bộ di tích Khâm Thiên Giám gần như đã bị xuống cấp trầm trọng nhưng bên trong khu vực gian phòng chính vẫn còn sót lại bức tường lớn vẽ hình các chòm sao được chú thích bằng chữ Hán khá rõ. Chính giữa bức tường là hình vẽ các vì tinh tú theo dạng "bát quái đồ" vô cùng quý giá.

Tái hiện lễ tế đàn Âm hồn theo nghi thức dưới triều Nguyễn ở Huế

TTO - Lễ tế đồng bào, chiến sĩ vong mạng trong biến cố thất thủ kinh đô năm 1885 ở Huế lần đầu tiên được tái hiện theo đúng như nghi thức dưới triều Nguyễn.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp