Đề xuất nên bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân được giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức đưa ra tại diễn đàn Quốc hội vừa qua tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận.
Sàng lọc được rất nhiều loại bệnh
Chị Thắm Hoàng (26 tuổi, ở Gò Vấp, TP.HCM) - trong độ tuổi tiến tới hôn nhân - chia sẻ đa số bạn bè xung quanh mình khi kết hôn hầu như không đi khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Bởi họ đều nghĩ rằng khi khám ra bệnh cũng vẫn sẽ cưới nhau hay con cái là do duyên trời cho.
"Nếu quy định bắt buộc, tôi nghĩ trước hết chế độ bảo hiểm y tế cần phải tính toán chi trả phần nào đó cho việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, vì hiện nay nhiều nơi kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa kinh tế khó khăn, đi lại vất vả, cơ sở y tế cách xa" - chị Hoàng nói.
Ông Trần Minh Điển - giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương - cho biết tại bệnh viện hằng năm tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi mắc các dị tật bẩm sinh như hở van tim, suy tim, suy thận, các bệnh di truyền về máu…
Chưa kể các bệnh không lây nhiễm như ung thư, đái tháo đường, di tật bẩm sinh đang có xu hướng ngày càng tăng lên.
Do đó, việc khám tiền hôn nhân hiện nay rất cần thiết nhằm xem xét người cha, người mẹ tương lai có bệnh lý gì không để tránh cho thế hệ sau.
Đồng quan điểm, ông Trần Danh Cường - nguyên giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương - cho biết khám tiền hôn nhân chắc chắn là cần thiết, đặc biệt là những bệnh lý như máu khó đông - hemophilia, tan máu bẩm sinh thalassemia.
Tuy nhiên, để trở thành quy định bắt buộc thì không dễ để thực hiện.
Khám tiền hôn nhân chú trọng yếu tố nào?
Theo ông Cường, hiện nay việc khám tiền hôn nhân của các cặp đôi thường đến với mục đích sẽ mang thai và sinh con như thế nào? Thai nghén chăm sóc ra sao?
Họ đến thăm khám tiền hôn nhân một cách đơn sơ, quan tâm đến việc mình sẽ sinh con thế nào chứ không phải để phát hiện có mang bệnh hay mang gene bệnh hay không.
Chính họ chưa có ý thức được rằng việc khám tiền hôn nhân để xem xét tình trạng sức khỏe của bản thân. Bên cạnh đó, việc quyết định như thế nào sau khi phát hiện cặp đôi đó mang gene bệnh có thể di truyền là điều rất khó khăn. Và nếu họ quyết tâm lấy nhau, sinh con thì phải làm thế nào để quản lý?
"Theo tôi, khám tiền hôn nhân trước mắt cần khám chức năng sinh dục nam, nữ. Khám loại trừ dị dạng của chức năng sinh dục, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và những đột biến gene phổ biến như thalassemia" - ông Cường cho hay.
Liên quan đến vấn đề khám tiền hôn nhân về chức năng tình dục, bác sĩ Trần Nhân Nghĩa - khoa tiết niệu nam học (Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức) - cho biết thông qua việc khám này có thể phân lập ra nhiều bệnh lý di truyền, các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Đặc biệt khi hiện nay giới trẻ có lối sống khá thoáng trong vấn đề quan hệ tình dục làm tăng tỉ lệ mắc bệnh như: viêm gan B, giang mai, sùi mào gà…
Theo bác sĩ Nhân, nhiều cặp vợ chồng kết hôn đợi đến vài năm khi thấy không có con mới đi khám phát hiện ra tinh trùng của chồng yếu hoặc thậm chí không có tinh trùng. Nếu khám sớm hơn, các bác sĩ sẽ tư vấn và điều trị có thể sớm có con.
Ngoài ra, bệnh di truyền khác như Thalassemia (tan máu bẩm sinh)… mặc dù gây hậu quả nặng nề nhưng có thể dễ dàng tầm soát nếu như được khám tiền hôn nhân.
TP.HCM khám tiền hôn nhân ở đâu?
Ông Phạm Chánh Trung - chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM - cho biết hiện nay các bạn trẻ có thể khám tại các cơ sở y tế của thành phố gồm: Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Đại học Y Dược và Phòng khám Đa khoa của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM.
Ngoài ra còn có hệ thống một số bệnh viện tư nhân của thành phố cũng có các dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân này.
Bác sĩ Quách Thị Hoàng Oanh, phó khoa xét nghiệm di truyền y học, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), cho biết tùy vào mỗi trường hợp, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, kỹ thuật hiện đang có mà bác sĩ có thể chọn được phương pháp điều trị phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận