Sinh viên tìm thông tin tại một ngày hội việc làm. Nhiều bạn cho rằng khám sức khỏe trước khi tốt nghiệp là không cần thiết - Ảnh: NHƯ HÙNG
ThS NGUYỄN VĂN TOÀN (trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TP.HCM):
Không hiệu quả
Hiện nay thông tư, văn bản của Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, ĐH Quốc gia TP.HCM về công tác y tế trường học, trong đó yêu cầu các trường ĐH phải tổ chức khám sức khỏe đầu vào, định kỳ khám sức khỏe cho sinh viên ra trường. Theo các quy định này, trường chúng tôi hằng năm chỉ tổ chức khám sức khỏe đầu vào cho sinh viên.
Vì việc khám sức khỏe này liên quan đến chi phí khám nên chúng tôi chỉ theo dõi hồ sơ sức khỏe của các sinh viên có kết quả xếp loại sức khỏe không tốt. Từ đó yêu cầu những sinh viên này tự đi khám định kỳ bên ngoài rồi nộp hồ sơ lại cho trường quản lý. Nếu khám sức khỏe theo quy định tại thông tư của Bộ Y tế phải khám lâm sàng, cận lâm sàng với nhiều kỹ thuật phức tạp (xét nghiệm máu, chụp X-quang, siêu âm…), tôi cho rằng việc nhà trường tự phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức sẽ không hiệu quả.
Vì vậy, ngay cả việc khám sức khỏe đầu vào cho sinh viên nhà trường cũng chỉ liên hệ với trạm y tế ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM (phối hợp với Bệnh viện Q.Thủ Đức) để giới thiệu sinh viên qua đó khám. Theo tôi, Bộ GD-ĐT không nên quy định sinh viên phải khám sức khỏe khi chuẩn bị tốt nghiệp và các trường càng không nên coi đây là điều kiện để xét tốt nghiệp.
ThS VĂN CHÍ NAM (trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM):
Mang nhiều tính hình thức
Tôi cho rằng việc khám sức khỏe khi nhập học hay trước khi đi làm việc hiện nay còn mang nhiều tính hình thức. Với chi phí khám chỉ vài chục ngàn đồng nên kết quả khám này không có ý nghĩa nhiều trong việc đánh giá sức khỏe của người được khám. Còn nếu khám một cách bài bản theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì chi phí có thể lên đến vài trăm ngàn đồng mỗi sinh viên. Nhà trường đã không thể triển khai rộng rãi được.
Việc yêu cầu sinh viên khám sức khỏe trước khi tốt nghiệp là điều tốt. Tuy nhiên yêu cầu sinh viên phải khám sức khỏe nhằm đảm bảo điều kiện xét tốt nghiệp thì không thật cần thiết lắm. Những năm gần đây với trường chúng tôi, tất cả sinh viên trước khi làm thủ tục nhập học phải đi khám sức khỏe tại bệnh viện/trung tâm y tế từ cấp quận huyện trở lên và nộp kết quả trong hồ sơ nhập học.
BS CKII TRẦN VĂN KHANH (giám đốc Bệnh viện Q.2, TP.HCM):
Không đảm bảo yêu cầu
Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế quy định khám sức khỏe định kỳ khi sinh viên vào học tại các trường ĐH, CĐ nhằm phân loại sức khỏe người được khám, giúp phát hiện sớm các bệnh (nếu có) để điều trị kịp thời, đảm bảo sức khỏe trong quá trình học.
Hiện nay, việc này được thực hiện theo thông tư của Bộ Y tế với nhiều nội dung: khám lâm sàng (nội khoa, ngoại khoa, mắt, tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, da liễu…); khám cận lâm sàng (xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh). Vì vậy chi phí khám phải từ 150.000-200.000 đồng/người.
Việc khám với chi phí vài chục ngàn đồng sẽ không đảm bảo yêu cầu, mục đích của việc khám sức khỏe theo quy định, vì thế chỉ mang tính hình thức.
Ông LƯU TRUNG THỦY (phó trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM):
Giúp sinh viên định hướng chăm sóc sức khỏe
Công văn của ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM gửi các trường ĐH thành viên trong đó nêu rõ: Ngày 12-3-2018, Bộ GD-ĐT có công văn về việc báo cáo kết quả thực hiện thông tư hướng dẫn thực hiện công tác y tế học đường. ĐH Quốc gia TP.HCM đề nghị các đơn vị báo cáo tập trung vào các nội dung, trong đó có việc "khám sức khỏe đầu vào và định kỳ cho sinh viên; quản lý và theo dõi sức khỏe sinh viên".
Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, ĐH Quốc gia sẽ có tổng hợp, báo cáo Bộ GD-ĐT kết quả thực hiện. Đây là văn bản đề nghị các trường thực hiện báo cáo, không có nội dung quy định cụ thể nào về công tác tổ chức khám sức khỏe cho sinh viên.
Theo tôi được biết, quy định về khám sức khỏe đầu vào và định kỳ cho sinh viên nhằm hỗ trợ kiểm tra sức khỏe sinh viên, giúp họ có định hướng chăm sóc sức khỏe tốt, điều trị kịp thời nếu mắc bệnh, đồng thời giúp nhà trường kiểm soát được bệnh học đường.
Vì thế việc làm này rất thiết thực nên vấn đề là các trường phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền cho sinh viên hiểu ý nghĩa của việc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận