Phóng to |
Phóng to |
Qua ba tập (mỗi tập 27 phút) khán giả sẽ khám phá một thế giới đầy sinh động của vườn quốc gia Tràm Chim thuộc tỉnh Ðồng Tháp - nơi được thế giới công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, tập trung rất nhiều loài chim quý, trong đó nổi bật là loài sếu đầu đỏ. Các bí quyết quyến rũ bạn tình, cách các loài chim làm tổ, kiếm ăn và cuộc sống của chúng trong mùa nước cạn... đều là những hình ảnh lý thú đủ sức thu hút người xem.
Ðể quay được những thước phim quý giá này, đoàn phim (chỉ có ba thành viên thuộc ban khoa giáo VTV2) đã lên đường đến Ðồng Tháp trong những ngày cuối tháng 3 và trụ ở mảnh đất này suốt một tháng. Ðạo diễn Vũ Hoài Nam nhớ lại: "Với phương tiện máy móc và con người còn hạn chế nên anh em lên đường chấp nhận phương án "hên xui". Trong vài ngày đầu chúng tôi vác máy đi quay rồi về tay không, thất vọng vì chẳng thu được kết quả gì. May mắn sau đó ban quản lý vườn quốc gia Tràm Chim đã cử chú Năm Hồng đến giúp đỡ".
"Người lính già" đã gần 20 năm là nhân viên bảo vệ vườn quốc gia Tràm Chim (Tuổi Trẻ cũng từng giới thiệu nhân vật này trong bài "", ngày 15-2-2012) đã tận tình hướng dẫn khắc phục yếu tố "mông lung, không đi trúng đích" của đoàn phim trong những ngày đầu. Ðoàn phim quyết định khép góc ghi hình vào khu A5 - khu mà các loài chim hoạt động nhộn nhịp nhất.
Ðể có những thước phim quay cận cảnh đàn sếu, quay phim Nguyễn Tài Văn đã phải ôm máy quay nặng xấp xỉ 20kg, bò nhích từng mét một trên đoạn đường dài vài trăm mét. Những chiếc máy quay được ngụy trang cẩn thận trước khi bước vào thế giới loài chim. Nhưng cũng phải mất mấy ngày trời những chú chim nơi đây mới thích nghi với "thành viên mới" và trở lại nếp sinh hoạt hằng ngày...
Ðạo diễn Vũ Hoài Nam phấn khởi: "Chúng tôi đã ghi nhận được sự thay đổi trong nếp sinh hoạt của loài sếu để thích nghi với điều kiện sống. Mùa nước cạn, cây nan kim - thức ăn chính của sếu - không còn đủ, chúng tôi đã ghi hình được cảnh đàn sếu bay vào ruộng người dân để tìm hạt thóc rơi vãi. Ðiều này chưa xảy ra trước đó. Chúng tôi cũng ghi được hình ảnh rất sinh động về những gia đình chim, cảnh chim đẻ trứng, ấp con. Cảnh cả đàn chim đánh nhau với diều hâu. Thậm chí ngay trong một tổ, các chim non cũng phải đấu tranh với nhau để sinh tồn. Chúng tôi cũng may mắn ghi lại được khoảnh khắc rất tội nghiệp khi chim mẹ gắp chim con chết ra khỏi tổ để làm sạch tổ, bảo vệ những đứa con còn sống khác...".
HOÀNG LÊ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận