15/11/2020 11:08 GMT+7

Khám phá... núi thủng

NGUYỄN HƯỜNG - KIM CƯƠNG
NGUYỄN HƯỜNG - KIM CƯƠNG

TTO - Không chỉ có thác Bản Giốc hay động Ngườm Ngao, du khách đến với công viên địa chất non nước Cao Bằng còn được khám phá những đỉnh núi thủng hùng vĩ, hang động huyền bí cùng các căn biệt thự cổ hay nhà sàn bằng đá…

Khám phá... núi thủng - Ảnh 1.

Cảnh quan hùng vĩ của Trùng Khánh (Cao Bằng) nhìn từ trên cao - Ảnh: Nguyễn Hường

Núi thủng là một dạng kiến tạo núi đá vôi cực kỳ đặc biệt, tạo ra cảnh quan thiên nhiên mới ở vùng non nước Cao Bằng. Ngoài ra, các công trình kiến trúc đá ấn tượng do người Pháp và đồng bào Tày tạo dựng cũng thu hút du khách.

Tuyệt cảnh thiên nhiên mới

Trong chuyến đi đến huyện vùng cao Trùng Khánh (Cao Bằng) lần này, chúng tôi không ghé thác Bản Giốc hay động Ngườm Ngao vốn quá quen thuộc, mà tìm đến những quả núi thủng tại bản Lũng Phiắc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh), nằm giữa lòng chảo được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi trùng điệp.

99% dân bản Lũng Phiắc là người Nùng, rất thân thiện và hiếu khách.

Chỉ sau vài phút trò chuyện, chúng tôi được các bạn trẻ tại đây tình nguyện dẫn đường lên núi. Sau hơn 30 phút leo dốc, luồn lách qua những bụi cây um tùm, trước mắt chúng tôi là một khối núi bị xuyên thủng ở giữa, với chiếc cổng vòm xanh mướt. Từ phía dưới, qua "vòm thủng khổng lồ", du khách có thể nhìn thấy cả một khoảng trời và những ngọn núi trùng điệp phía xa xa.

Ngồi trên tảng đá dưới mái vòm, du khách sẽ được chiêm ngắm những "gương mặt quỷ" được tạo hình từ những phiến đá lô nhô, tua tủa trên trần mái vòm cách nền hang hơn 20m và bề ngang rộng nhất đến 40m. Cùng với núi thủng Ngừng Troong ở bản Lũng Phiắc, tại xã Đàm Thủy còn một khối núi thủng khác ở bản Khuổi Kỵ, gần khu động Ngườm Ngao nổi tiếng.

Nếu tính cả núi thủng Phja Piót hay Mắt Thần Núi (xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh) và núi thủng Nà Mẫn (xã Ngũ Lão, huyện Hòa An), tỉnh Cao Bằng hiện có đến 5 khu tuyệt cảnh độc đáo dạng núi này, chưa kể một khối núi thủng khác tại bản Ngườm Giang (xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh) đang chờ được khám phá.

Một hang động mới được phát hiện ở Bản Muồng (xã Vân Trình, huyện Thạch An), được người dân địa phương đặt là hang Nà Ón, cũng thu hút nhiều du khách tìm đến. Cửa hang Nà Ón như một mái vòm vô cùng ấn tượng với những nhũ đá đâm xuống tua tủa. Càng vào sâu trong hang, du khách như lạc vào vườn thạch nhũ kỳ vĩ, với cảnh tượng mờ ảo vô cùng đẹp mắt...

Khám phá... núi thủng - Ảnh 2.

Huyền ảo hang động Bản Muồng - Ảnh: Kim Cương

Mê mẩn kiến trúc đá

Trên đỉnh Phja Oắc cao gần 2.000m so với mực nước biển ở xã Thành Công (huyện Nguyên Bình), đến nay vẫn còn lưu dấu những công trình biệt thự cổ do người Pháp xây dựng bằng đá từ đầu thế kỷ 20. Giữa cánh rừng đặc dụng Phja Oắc hoang sơ, những công trình kiến trúc đá hoành tráng nay đã bị quên lãng, cỏ cây phủ một màu xanh.

Phía dưới thung lũng, hàng chục ngôi nhà cổ xây bằng đá ẩn hiện sau những tán cây rừng, một số nhà đã bị đổ sập phần mái, số còn lại bị phá hoàn toàn, chỉ còn móng. Đi sâu vào trong rừng, những ngôi biệt thự cổ hoành tráng tiếp tục xuất hiện. Trải qua trăm năm mưa nắng nhưng nét kiến trúc kỳ vĩ, vẻ đẹp của những ngôi nhà cổ này vẫn ít nhiều được giữ lại đến ngày nay.

Những ngôi biệt thự cổ này được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, nhằm phục vụ các sĩ quan cao cấp người Pháp đến đây điều hành việc khai thác quặng ở mỏ Tĩnh Túc. Hơn nữa, Phja Oắc có khí hậu mát mẻ, tiện đường đi lại tới mỏ Tĩnh Túc.

Mùa hè ở đây không nóng, khí hậu dễ chịu, trong lành. Mùa đông rét, có tuyết rơi khiến khung cảnh giống với Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)...

Nếu khu biệt thự cổ Pháp xây ở Phja Oắc chỉ còn lại phế tích thì ngay tại bản Khuổi Kỵ (xã Đàm Thủy), người Tày lâu nay vẫn sống trong những ngôi nhà sàn đá vô cùng độc đáo, trong đó có làng nhà sàn bằng đá Khuổi Kỵ, một điểm đến hấp dẫn nhiều du khách.

Đó là những ngôi nhà sàn bằng đá được thiết kế hai tầng, tầng dưới để nuôi nhốt gia súc, gia cầm, còn người ở tầng trên.

Với hàng trăm ngôi nhà sàn xây bằng đá, một số khu homestay nhà sàn đá với hàng chục phòng trọ đã xuất hiện tại Khuổi Kỵ phục vụ du khách trải nghiệm những đêm ngủ trong không gian kiến trúc đá. Ngay cả những vật dụng khác như cối xay ngô, xay bột, ghế ngồi... cũng được làm bằng đá.

Mời bạn tham gia Diễn đàn hiến kế liên kết du lịch TP.HCM và các tỉnh thành

Sở Du lịch TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Mục tiêu của diễn đàn là mong lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng như độc giả cả nước trong việc phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững trong tương lai. Diễn đàn này cũng nhằm mở ra chương trình kích cầu du lịch của TP.HCM giai đoạn 2 với tâm thế "With COVID-19" (Cùng với COVID-19).

Diễn đàn mong nhận được nhiều bài viết hiến kế đóng góp của độc giả, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trên cả nước từ nay đến 30-11-2020. Ý kiến xin gửi về email: [email protected].

Khám phá... núi thủng - Ảnh 4.
Du khách hái măng, bắt cá ở bản Tày Khuổi Ky Du khách hái măng, bắt cá ở bản Tày Khuổi Ky

TTO - Không chỉ hấp dẫn với ngôi làng đá giữa cảnh sắc thiên nhiên quyến rũ, đến với bản Khuổi Ky (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng), du khách còn được thưởng thức đặc sản, khám phá văn hóa của người Tày bản địa.

NGUYỄN HƯỜNG - KIM CƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp