Ấn bản mới bộ sách đường rừng của Thế Lữ, Lan Khai, TchyA - Ảnh: NXB Kim Đồng
Tại buổi ra mắt bộ sách vào sáng 29-10 ở Hà Nội, TS văn học Nguyễn Thị Năm Hoàng (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định đây là những cuốn sách của gia đình chứ không chỉ dành cho thiếu nhi. Và độc giả ngày nay có thể khám phá được nhiều giá trị từ bộ sách này ngoài sự hấp dẫn của cốt truyện trinh thám bí hiểm hay vẻ đẹp của ngôn ngữ văn chương.
Bà Năm Hoàng cho biết nếu soi chiếu những lý thuyết trong nghiên cứu văn học đương đại thì có thể tìm thấy nhiều điều mới mẻ của bộ sách có tuổi đời gần trăm năm.
Nếu nhìn từ góc nhìn văn hóa, có thể thấy đời sống văn hóa, tư duy, nếp nghĩ, niềm tin, phong tục, tập quán, những nỗi sợ của con người Việt Nam ở đầu thế kỷ 20.
Ví dụ như trong Truyện đường rừng, Lan Khai miêu tả rất kỹ về trang phục của nhân vật người kể chuyện hay những vật dụng sinh hoạt hằng ngày, cách bố trí nhà cửa của người dân ở đó, đặc biệt là cách tư duy có phần đơn giản nhưng lại chứa đựng niềm tin tín ngưỡng thú vị của người dân với những câu chuyện kỳ bí cũng như những hành xử của họ…
Nếu nhìn ở góc nhìn sinh thái, bạn đọc sẽ thấy trong những truyện này một quang cảnh thiên nhiên còn trù phú, trong đó con người sống hòa hợp với tự nhiên. Còn nhìn từ lý thuyết cảnh quan, độc giả ngày nay có thể tái hiện một bức tranh thiên nhiên Việt Nam kỳ bí và vô cùng hấp dẫn ở đầu thế kỷ 20.
"Ngoài việc nuôi dưỡng trí tưởng tượng, sự giàu có của tâm hồn mà văn chương mang lại thì những cuốn sách này cũng đánh thức trong chúng ta phẩm chất biết sống chung hòa thuận với thiên nhiên, trân trọng tự nhiên, trân trọng những giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền", bà Năm Hoàng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận