07/02/2025 05:45 GMT+7

Khám phá đường nối cao tốc với Đà Lạt

Khi các đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết đưa vào khai thác giữa năm 2023, tài xế từ TP.HCM đến với Đà Lạt có thêm nhiều lựa chọn cho chuyến hành trình của mình.

Khám phá đường nối cao tốc với Đà Lạt - Ảnh 1.

Đèo Đại Ninh nằm trên quốc lộ 28B, nối hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng hiện đang nâng cấp mở rộng - Ảnh: ĐỨC TRONG

Trước đây tài xế lái xe từ TP.HCM đến với Đà Lạt và ngược lại chủ yếu qua quốc lộ 20, tỉnh Đồng Nai. Giữa năm 2023, nhiều tài xế xe con và du lịch thay đổi hành trình từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây rẽ qua các đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, thay vì quốc lộ 20 đang chật hẹp. Những đoạn cao tốc mới này giao với các quốc lộ 55, 28, 28B tại Bình Thuận, kết nối với Lâm Đồng.

Đường đang nâng cấp

Trong những cung đường trên thì phần lớn tài xế lựa chọn cung đường quốc lộ 28B giao với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết để lên Đà Lạt.

Anh Nguyễn Quốc Phong - một trong những tài xế - cho rằng nếu đi quốc lộ 28B đến với Đà Lạt thì nhanh hơn quốc lộ 20. Ngoài ra, đây là cung đường mới nên nhiều tài xế lựa chọn để trải nghiệm. Quốc lộ 28B nối hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng dài khoảng 68km, thông qua đèo Đại Ninh. Đoạn đường này trước đây vốn dĩ phục vụ làm thủy điện Đại Ninh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Khi làm xong thủy điện, chủ đầu tư bàn giao lại và được nâng cấp thành quốc lộ. Đây cũng chính là quốc lộ thuận tiện nhất để kết nối hai trung tâm du lịch Phan Thiết và Đà Lạt nên xe qua lại đông đúc, khiến mặt đường xuống cấp nhanh.

Bộ Giao thông vận tải đang cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B, đặc biệt là đèo Đại Ninh. Dự án với tổng mức đầu tư khoảng 1.435 tỉ đồng từ nguồn ngân sách. Theo đại diện chủ đầu tư, dự kiến dự án hoàn thành cuối năm 2025.

Do hiện nay quốc lộ 28B đang ngổn ngang thi công, mặt đường nhỏ hẹp, vật liệu xây dựng rơi vãi... nên nhiều xe con đến với Đà Lạt bằng đoạn này gặp nhiều khó khăn. Thậm chí có nhiều xe hư hỏng sau khi trải qua ải đường này. Chủ đầu tư khuyến cáo tài xế hạn chế đi qua quốc lộ 28B trong giai đoạn này, lựa chọn cung đường khác phù hợp hơn.

Vậy, ngoài lối lên Đà Lạt thông qua quốc lộ 28B thì còn lối nào? Thực tế còn nhiều lối khác kết nối với các đoạn cao tốc để đến với Đà Lạt. Cụ thể, nếu đi quốc lộ 28 ở huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận sẽ qua con đèo Gia Bắc. Còn xa hơn, tài xế chạy đến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo để đi lên Đà Lạt bằng quốc lộ 27, qua đèo Sông Pha. Đi trên những con đèo này xa hơn qua đèo Đại Ninh nhưng mặt đường đang ổn định, tài xế di chuyển dễ dàng hơn.

Hiện trạng quốc lộ 20 và những cung đường khác

Tài xế cũng có thể lựa chọn lối đi cũ thông qua quốc lộ 20, tỉnh Đồng Nai để lên Đà Lạt. Tuy nhiên trục đường này đang quá tải nghiêm trọng. Sau nhiều lần nâng cấp, đến năm 2015 bề rộng mặt đường quốc lộ 20 đã được mở rộng lên đến 15m. Sau nâng cấp, tốc độ di chuyển từ Đà Lạt đến TP.HCM đã được rút ngắn còn khoảng 5 đến 7 tiếng. Tuy nhiên từ 2020 đến nay, khi dịch vụ du lịch và sản xuất nông sản của Lâm Đồng tăng mạnh, lưu lượng xe trên tuyến đường này tăng cao và nhiều thời điểm bị tắc nghẽn.

Theo những tài xế chuyên nghiệp, nếu dùng quốc lộ 20 để đi từ TP.HCM đến Đà Lạt phải mất 7 đến 9 tiếng. Thời gian di chuyển sẽ dài hơn khoảng 1 tiếng nếu tài xế di chuyển từ TP.HCM đến ngã ba Dầu Giây để vào quốc lộ 20 bằng quốc lộ 1 mà không sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Dầu Giây.

Anh Nguyễn An Hòa (tài xế xe chở khách theo hợp đồng tại Đà Lạt) nói: "Quốc lộ 20 giờ không còn tiện để đi du lịch nữa. Tốc độ đã quá chậm, thường xuyên tắc nghẽn trên đèo Bảo Lộc. Hiện nay tuyến đường này chủ yếu xe chở vật liệu và xe chở rau hoạt động liên tục".

Nói thêm về hiện trạng quốc lộ 28B, anh Trần Quang Hải, công nhân tại dự án nâng cấp quốc lộ này, cho hay hiện mặt đường rất xấu và nhỏ hẹp nên chỉ phù hợp với xe du lịch cá nhân cỡ nhỏ, không phù hợp cho xe từ 16 chỗ trở lên.

"Chỉ cần một xe bị tai nạn hoặc bị hư dọc đường thì sẽ ùn tắc rất khó xử lý. Hiện đường đang nâng cấp nên không tiện sử dụng. Tết vừa qua, nhiều xe đã bị bể bánh khi đi tuyến đường này. Nếu muốn tiếp tục đi tuyến đường này an toàn thì nên đi ban ngày hoặc mùa nắng, tốt nhất nên chờ vài tháng tới khi đã nâng cấp xong nền đường", anh Hải nói.

Cũng theo anh Hải, quốc lộ 28 có nền đường ít xấu hơn nhưng đường đèo dài hơn quốc lộ 28B nên không hợp nếu trên xe có trẻ em và người già. Nếu từ đường cao tốc (khu vực Bình Thuận) theo quốc lộ 28 để đến Đà Lạt thì du khách sẽ phải đi thêm 80km từ Di Linh sau khi hoàn thành tuyến quốc lộ 28. Việc đi thêm đoạn đường dài gần 100km với tốc độ chậm trên quốc lộ 20 là điểm trừ quan trọng nếu sử dụng cung đường này.

Khám phá đường nối cao tốc với Đà Lạt - Ảnh 2.

Quốc lộ 27C nối Đà Lạt - Nha Trang thường xuyên có sương mù và sạt lở - Ảnh: M.V

Cung đường nối biển và hoa

Còn sử dụng quốc lộ 27 để đến Đà Lạt sau khi đi 2/3 hành trình bằng cao tốc là cách nhiều tài xế sử dụng trong 3 tháng gần đây khi quốc lộ 28B bước vào giai đoạn cấp tập nâng cấp. Ưu điểm của sử dụng phương án nói trên là toàn bộ hành trình đều không gặp đường xấu. Đặc biệt tuyến đèo Ngoạn Mục nối Ninh Thuận và Lâm Đồng vừa được nâng cấp xong. Nhược điểm nếu sử dụng phương án này là hành trình sẽ dài thêm khoảng 60km, nâng tổng chiều dài hành trình TP.HCM - Đà Lạt lên khoảng 380km.

"Tổng chiều dài tăng lên nhưng tổng thời gian di chuyển không tăng, thậm chí giảm xuống. Đặc biệt, cả hành trình đi trên đường tốt, thoáng nên khá khỏe khoắn. Tôi khởi hành từ Đà Lạt và kết thúc hành trình ở nút giao An Phú (TP.HCM) với tổng thời gian di chuyển 6 tiếng 10 phút", ông Hoàng Ngọc Tuấn (TP.HCM) chia sẻ.

Theo ông Tuấn, ông đi Đà Lạt thường xuyên, đã sử dụng tất cả các phương án và sử dụng quốc lộ 27 để đi từ cao tốc Bắc - Nam đến thẳng Đà Lạt là phương án tốt nhất hiện nay. Ngoài ra người dân còn có thể sử dụng phương án quen thuộc là đi theo quốc lộ 27C nối Lâm Đồng - Khánh Hòa với tổng chiều dài khoảng 130km.

Tuyến đường này thường được gọi là "đường nối biển và hoa", 3/4 hành trình là đèo dốc với đỉnh đèo Hòn Giao cao đến 1.700m (so với mực nước biển). Đa số thời gian di chuyển trên cung đường này là không gian lãng mạn với cảnh đèo thơ mộng trong sương.

Đặc biệt đây là tuyến đường duy nhất đi xuyên qua Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang. Đây là tuyến đường nhanh và thuận tiện nhất để di chuyển từ Nha Trang đến với Đà Lạt nhưng không kém phần hiểm trở với những vách đá cao hàng trăm mét và vực sâu hun hút.

Cao tốc nối TP.HCM và Đà Lạt khởi công trước 30-4

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết hai tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương nối TP.HCM và Đà Lạt sẽ khởi công trước 30-4. Cả hai dự án này sẽ được chỉ định thầu để rút ngắn thủ tục và thời gian thực hiện.

Theo ông Trần Hồng Thái - chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, các vướng mắc liên quan đến tuyến đường cao tốc như quy hoạch khoáng sản, đất rừng, vốn đầu tư... đều đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét tháo gỡ. Đến nay 13 bộ, ngành đã thống nhất đóng dấu vào hồ sơ thiết kế cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương.

Tiếp đến, Lâm Đồng sẽ tuyển chọn các nhà đầu tư, chọn nhà thầu và sẽ khởi công hai dự án cao tốc này trước 30-4. Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 66km, bề rộng nền đường 17m với 4 làn xe, tổng mức đầu tư 17.200 tỉ đồng. Còn cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài 73km, nền đường 17m với 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 19.520 tỉ đồng.

Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin đã cùng Bộ Giao thông vận tải đề xuất thực hiện cao tốc Đà Lạt - Nha Trang để tăng cường kết nối du lịch giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa.

Khám phá đường nối cao tốc với Đà Lạt - Ảnh 3.Cao tốc nối TP.HCM và Đà Lạt sẽ khởi công trước lễ 30-4

Tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành các thủ tục để trình Thủ tướng chỉ định thầu 2 tuyến đường cao tốc nối TP.HCM và Đà Lạt là Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp