Đài Trang (thứ 3 từ trái sang) trong ngày nhập học - Ảnh: NVCC
Siết chặt điểm danh, cảnh cáo nghỉ học
Ngay khi hoàn thành luận văn, Đài Trang, học viên cao học tại ĐH Lincoln (TP Lincoln, Anh), còn 4 tháng (thời hạn visa) để tự do thăm châu Âu. Suốt quá trình học, nhà trường siết chặt điểm danh nên hầu như không có chuyện vừa học vừa chơi.
“Có lần mình bệnh quá, tự cúp học, nhà trường gửi email cảnh cáo, mình phải ký xác nhận sẽ không tái phạm lỗi, rất căng thẳng. Chương trình học khá nặng, thời gian học cũng bận, nếu trích ra 1-2 ngày du lịch cũng phí, không kinh tế. Vì vậy học xong mới dám đi chơi” - Trang chia sẻ.
Bảo tàng và các địa điểm tham quan miễn phí, có ưu đãi cho sinh viên - Ảnh: Đài Trang
Về visa, sẽ dễ dàng hơn nếu sinh viên (SV) học ở các nước thuộc khối Cộng đồng chung châu Âu, trường hợp ở Vương quốc Anh như Trang sẽ xin visa châu Âu. “Kinh nghiệm bất thành văn là nên xin visa Pháp, họ cấp nhanh, cho phép từ 6 tháng đến 1 năm, trong khi visa các nước chỉ 3 tháng” - Trang bổ sung.
Tuỳ quốc gia, chi phí sinh hoạt tại các nước “bào mòn” túi tiền theo mức độ khác nhau. Chẳng hạn ở Tây Ban Nha dù ở cả tuần vẫn rẻ hơn đi khối Bắc Âu trong 2-3 ngày. Ngoại trừ học phí và tiền sinh hoạt, nếu SV làm thêm có thể tích lũy để du lịch theo kiểu tiết kiệm.
Du học giúp Trang đặt chân tới thành phố Venice yêu thích từ bé - Ảnh: Đài Trang
Ghé thăm Venice thành phố của những kênh đào - Ảnh: Đài Trang
Nguyên tắc đầu tiên là ghép 1-2 nước đi cùng đợt. Do học ở London, nên Trang thường mất tiền di chuyển từ Anh vào lục địa. Nếu đặt vé máy bay sớm thường chỉ tốn 30-50 bảng, giảm phí di chuyển từ trung tâm ra sân bay 20 bảng.
Đến mỗi nước chỉ nên ăn tiệm 2 - 3 bữa cho biết, còn lại phải “làm bạn” với bánh mì.
Khi đã chốt ngày, tranh thủ đặt vé tàu lửa, tàu cao tốc sớm, thuê phòng ở chung qua các ứng dụng công nghệ, ưu tiên tham quan bảo tàng, các địa điểm mở cửa miễn phí, dùng ưu đãi SV khi mua vé tham quan, không shopping, chỉ mua vài đồ lưu niệm nhỏ xinh.
Đài Trang dưới chân tháp Eiffel - Ảnh: NVCC
“Trung bình mỗi chuyến tốn khoảng 300 - 400 bảng Anh cho 5 ngày đến 1 tuần tại các địa điểm phổ biến như Ý, Pháp, Áo, nếu Tây Ban Nha sẽ rẻ hơn” - Trang ước tính. “Riêng khối Bắc Âu giá “trên trời” tầm 500 bảng/nước trong 3 ngày (bao gồm mua vé tham quan); nếu không tham quan, chuyến đi Đan Mạch của mình chỉ tốn 300 bảng”.
Góc trưng bày bức họa nàng Mona Lisa - Ảnh: Đài Trang
Du lịch theo mùa
Để lên kế hoạch chu toàn, du học sinh thường lên group (nhóm) đồng hương Việt Nam tại các nước châu Âu để xem review (tóm tắt, đánh giá) về các thành phố, địa điểm phải đến; tuy nhiên cũng sẵn sàng Google khám phá một số địa điểm thú vị ít được biết đến.
Nước sông xanh mùa hè, rừng lá vàng như vào thu và đỉnh núi phủ tuyết tại Interlaken,Thụy Sỹ - Ảnh: Đài Trang
Mùa du lịch đỉnh điểm của dân châu Âu là vài tháng hè. Người đổ ra đường, việc di chuyển tốn kém, an ninh phiền phức.
Bù lại, ngày hè kéo dài, có khi 22h tối trời vẫn sáng, du khách có nhiều thời gian ngắm công trình kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên. Mùa hè, sự lựa chọn phổ biến là Pháp, Italy, Bungary, Hungary với cảnh trí lãng mạn, nhẹ nhàng.
Để tiết kiệm, Trang sắp xếp đi vào mùa xuân.
Đi theo nhóm và "làm bạn" với bánh mì là cách cắt giảm chi tiêu khi du lịch châu Âu - Ảnh: Đài Trang
Mùa đông có thể đến Na Uy, Iceland và các nước Bắc Âu trượt tuyết, ngắm Bắc cực quang, hang băng, núi lửa.
“Đi chơi mùa đông khá khắc nghiệp, Mặt Trời chỉ mọc từ 11h sáng đến 3h chiều, khó ngắm cảnh, không khí buồn, dẫu vậy du khách vẫn rần rần kéo nhau đi săn Bắc cực quang. Muốn vậy, từ hè đã phải tìm, đặt vé trên các ứng dụng như Skyscanner” - Đài Trang mách.
Thiên nhiên Thụy Sỹ làm lu mờ hết vẻ đẹp khác ở châu Âu - Ảnh: NVCC
Suốt 16 tháng ở châu Âu, Trang sắp xếp vài đợt đi, trải nghiệm 11 nước kể cả England và Scotland. Có nơi đi kha khá, có nước chỉ đến 1-2 nơi. Khác với Việt Nam khi đi từ Bắc vào Nam với các đặc trưng vùng miền, theo cô nàng, cả châu Âu thống nhất và nhìn chung có ba kiểu du lịch.
Đó là các thành phố công nghiệp, hiện đại như TP.HCM với các trung tâm tài chính kinh tế, người đi làm và phương tiện di chuyển tiện lợi; tham quan các thành phố văn hóa, công trình kiến trúc cổ như Ý, Tây Ban Nha, Pháp; tận hưởng không gian thiên nhiên kỳ vĩ như cổ tích ở Bắc Âu (Thụy Sỹ, Hà Lan, Iceland).
Đấu trường La Mã, Ý - Ảnh: NVCC
Với nơi đắt đỏ như Thụy Sỹ, nhóm bạn của Trang thuê cả căn nhà ở vùng ven, sát đường ray xe lửa. Mỗi ngày, tiền phòng chỉ tốn 11 bảng/người. Buổi sáng cả nhóm rời nhà lên tàu đến trung tâm, tối trở về ngủ.
Thụy Sĩ đẹp như một bức tranh, mỗi mùa một vẻ đẹp. Trong khi đó, Iceland có các hồ nước nóng lộ thiên cả tự nhiên lẫn nhân tạo. Vì trời lạnh và để an toàn nên Trang đến hồ nước nóng nhân tạo Blue Lagoon.
Đắm mình ở Blue Lagoon, Iceland - Video: Venice Nguyen
“Châu Âu là nơi đáng đến và thay đổi suy nghĩ của Trang rất nhiều. Cảm giác đầu tiên khi du lịch là vỡ mộng. Châu Âu không phải nơi đâu cũng xịn, những trung tâm du lịch như Paris, Barcelona đầy cướp giật, cả người địa phương cũng phải nhắc nhở du khách cẩn thận chỗ đông người. Nhưng nếu để ý, bản thân sẽ học hỏi nhiều từ lối sống tôn trọng môi trường của người dân xứ này, khiến mình suy ngẫm, tập thói quen tự mang theo bình nước, túi xách, nói không với túi nylon…”.
"Giải ngố" các máy móc tự động, thói quen tiêu dùng ở châu Âu - Video: Venice Nguyen
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận