31/10/2014 09:13 GMT+7

​Khám bệnh... 1 phút

LAN ANH - QUỲNH LIÊN
LAN ANH - QUỲNH LIÊN

TT - Cách đây hai năm, khi tăng viện phí (với phí khám bệnh tăng gấp gần 10 lần so với trước) Bộ Y tế đã có hướng dẫn mỗi bàn khám bệnh chỉ khám tối đa 35 bệnh nhân/ngày.

Thời gian khám cho mỗi bệnh nhân phải đạt tối thiểu 10 phút.

Người dân chờ đợi khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh
Người dân chờ đợi khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tuy nhiên, khảo sát của Tuổi Trẻ tại một số bệnh viện tuyến trung ương sáng 24-10 cho thấy bệnh viện bắt đầu khám bệnh từ 7g30 nhưng chỉ khoảng hai giờ sau, trung bình mỗi bàn khám đã hoàn thành việc khám ban đầu cho khoảng 80-90 bệnh nhân.

Trung bình thời gian một bệnh nhân từ lúc bước vào phòng khám đến lúc đi ra chỉ hơn một phút, bao gồm cả việc khám bệnh và đóng tiền dịch vụ ngay tại phòng.

Chờ lâu, khám 1 phút

Lường trước được việc khám bệnh ở tuyến trung ương bao giờ cũng đông, bà N.T.T. (55 tuổi) ở Thanh Hóa sắp xếp công việc ra Hà Nội từ ngày hôm trước. Chưa đến 6g sáng 15-10, bà T. đã có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai để xếp hàng lấy số và phải chờ đến khoảng 8g mới đến lượt khám. Tuy nhiên, việc khám bệnh diễn ra chưa đầy một phút khiến bà rất băn khoăn.

“Bác sĩ chỉ hỏi tôi đau thế nào, đã đi khám ở đâu, kết quả ra sao? Sau đó bác sĩ kết luận tôi bị thoái hóa xương và cho tôi đi đo loãng xương mà không giải thích gì thêm” - bà T. nói.

Chỉ phải đo độ loãng xương nên bà T. nhanh chóng lấy được kết quả, nhưng theo quy định của bệnh viện, từ sau 10g30 các bác sĩ mới đọc kết quả nên bà T. lại phải chờ.

Đến hết buổi trưa vẫn còn bệnh nhân khám, bà T. lại được hẹn đến chiều. Chờ đợi tiếp đến khoảng 15g30 bà T. mới được vào phòng khám ban đầu để bác sĩ đọc kết quả và cho thuốc.

“Tôi đã điều trị tại bệnh viện huyện và bệnh viện tỉnh nhưng không khỏi, đau sưng xương khớp nhiều hơn nên mới đi khám ở tuyến trung ương, tuy nhiên bác sĩ ở đây khám “sơ” quá, lại không được giải đáp cụ thể, cặn kẽ khiến tôi không yên tâm” - bà T. nói.

Tương tự bà T., chị N.T.N. (22 tuổi) ở Hà Nam phải đi một quãng đường xa từ Hà Nam lên Hà Nội từ sáng sớm để khám bướu cổ tại Bệnh viện Nội tiết trung ương với mong muốn được bác sĩ tại đây giải đáp cặn kẽ tình trạng bệnh cũng như được tư vấn sức khỏe, nhưng chị “chưng hửng” trước cách khám bệnh của bác sĩ.

“Bác sĩ không khám mà chỉ hỏi cụt lủn: Làm sao? Từ bao giờ? Sau đó bảo tôi đi làm xét nghiệm máu và siêu âm. Bác sĩ cũng không hề hỏi tôi dùng thuốc thế nào, ăn uống ra sao?” - chị N. kể.

Khảo sát của chúng tôi tại Bệnh viện Nội tiết trung ương, trung bình thời gian khám và đóng tiền dịch vụ ngay tại phòng cho một bệnh nhân khoảng một phút rưỡi.

Bệnh nhân thường chỉ được hỏi vài câu ngắn ngủi sau đó được chỉ định đi làm các xét nghiệm khác là kết thúc 1/2 khâu khám bệnh (1/2 còn lại là đọc kết quả và kê đơn thuốc), nhưng tổng thời gian chờ đợi của bệnh nhân lại rất lâu, có bệnh nhân chỉ làm xét nghiệm máu, siêu âm vùng cổ nhưng phải chờ từ sáng sớm đến tận chiều mới xong.

Khi được hỏi, nhiều bệnh nhân bày tỏ sự không hài lòng với việc khám bệnh chóng vánh hoặc có thắc mắc muốn được giải đáp nhưng đã không hỏi bác sĩ được.

Trả cho bệnh nhân sự hồi phục trọn vẹn?

Theo một bác sĩ của Bệnh viện Nội tiết trung ương, hiện mỗi ngày tám bàn khám tại cơ sở 1 của bệnh viện này đón tiếp chừng 600 bệnh nhân.

Còn trước đó, khi cơ sở 2 ở Thanh Trì (Hà Nội) chưa hoàn thành thì số lượng bệnh nhân đến khám đông hơn, cao điểm có ngày lên đến 1.500 bệnh nhân. Tính trung bình với 600 bệnh nhân thì mỗi bác sĩ phải khám cho xấp xỉ 80 bệnh nhân/ngày.

“Tùy theo từng bệnh, nhưng những bệnh như Basedow, tiểu đường... khám lần 1 thì thời gian tối thiểu cần 5 phút/bệnh nhân để bác sĩ có thể hỏi tiền sử bệnh, chế độ dinh dưỡng và bệnh nhân có thời gian để kể. Một bác sĩ nếu chỉ phải khám 30-35 bệnh nhân/ngày mới có thời gian để hỏi bệnh cặn kẽ và dặn dò bệnh nhân” - bác sĩ Hóa chia sẻ.

Con số 30-35 bệnh nhân/bàn khám/ngày cũng là hướng dẫn cách đây hơn hai năm khi bắt đầu triển khai thực hiện viện phí mới. Tuy nhiên nhiều bệnh viện vẫn quá tải, người bệnh vẫn đổ về tuyến trung ương và tuyến tỉnh do tuyến huyện quá yếu kém, khiến con số 30-35 bệnh nhân/bàn khám/ngày dần dần chẳng ai nhớ tới.

Bệnh viện Bạch Mai hiện đang đón tiếp khoảng 1,2 triệu lượt bệnh nhân khám ngoại trú/năm, gấp đôi so với năm năm trước, vì vậy việc bố trí 75 bàn khám (cũng tăng gấp đôi so với trước) chỉ là giải quyết số bệnh nhân tăng thêm chứ chưa giải quyết được vấn đề quá tải.

Tình trạng này cũng xuất hiện ở tất cả bệnh viện chuyên khoa đầu ngành như Bệnh viện K, Bệnh viện Nhi trung ương...

Theo ông Phạm Lương Sơn - trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội VN), bên cạnh việc được khám bệnh, bệnh nhân tìm đến bác sĩ khi họ rất cần sự chia sẻ, tư vấn, cảm giác ấm áp khi được người có chuyên môn động viên.

“Thời gian khám 1-2 phút/bệnh nhân chỉ đủ hỏi họ tên bệnh nhân và đọc kết quả xét nghiệm. Đành rằng y học dựa trên bằng chứng cho phép chẩn đoán nhiều loại bệnh dựa trên kết quả xét nghiệm, chụp chiếu nhưng tối thiểu mỗi bệnh nhân cần được khám và hỏi bệnh 5-6 phút, tạo cho người bệnh cảm giác tin cậy, tư vấn cho người bệnh cách phòng ngừa và nguy cơ tái phát, trấn an người bệnh để họ đỡ lo lắng về bệnh tật của mình và rất nhiều bệnh có thể khỏi nhờ yếu tố tâm lý” - ông Sơn đánh giá.

Khi gặp gỡ 42 thủ khoa và cựu thủ khoa khối ngành y dược tại Hà Nội hôm 25-10, GS Nguyễn Vượng, chuyên gia đầu ngành về giải phẫu bệnh, cho rằng thầy của ông đã dạy ông khi điều trị cho bệnh nhân là phải trả cho họ sự hồi phục nguyên vẹn như trước khi họ mắc bệnh.

“Tôi mong các em suốt đời hãy ca bài ca ấy khi hành nghề” - GS Vượng nói với các bác sĩ tương lai bài học về y đức, sự tận tâm với bệnh nhân. Nhưng ở bệnh viện, làm sao để mỗi bệnh nhân đến bệnh viện chờ trung bình sáu giờ (như con số thống kê ở Bệnh viện Bạch Mai) không chỉ được gặp bác sĩ tính bằng con số phút?

Đến năm 2015, mỗi bác sĩ khám không quá 50 bệnh nhân/ngày?

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 29-10, một đại diện Bộ Y tế cho biết không có cách gì giám sát thời gian khám bệnh của bác sĩ theo đúng hướng dẫn tối thiểu là 10 phút/bệnh nhân.

Đề án giảm tải bệnh viện mà bộ đang triển khai hướng đến mục tiêu đến năm 2015 mỗi bác sĩ khám không quá 50 bệnh nhân/ngày, đến năm 2020 mỗi bác sĩ khám không quá 35 bệnh nhân/ngày.

Với con số 35-50 bệnh nhân/ngày, mỗi bệnh nhân tối thiểu sẽ được bác sĩ hỏi bệnh, chẩn đoán, tư vấn trong năm phút.

LAN ANH - QUỲNH LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp