Toàn cảnh buổi họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố các luật đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua - Ảnh: DANH TRỌNG
Sáng 10-7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức buổi họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố các luật đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua.
Cụ thể, 10 luật đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua gồm Luật giám định tư pháp, Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án, Luật thanh niên, Luật xây dựng, Luật phòng, chống thiên tai và luật đê điều, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật tổ chức Quốc hội.
Đáng chú ý, trong Luật đầu tư bổ sung nội dung "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Trả lời câu hỏi về việc số phận những doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ ra sao khi Luật đầu tư sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021, ông Vũ Đại Thắng - thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư - cho biết các doanh nghiệp đang được cấp phép kinh doanh đòi nợ vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi Luật đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.
Sau đó, các dịch vụ liên quan đến kinh doanh đòi nợ sẽ chấm dứt.
"Các doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ có nhiều loại hình kinh doanh, đòi nợ chỉ là một phần trong danh mục kinh doanh của họ. Các hình thức kinh doanh khác của những doanh nghiệp này vẫn tiếp tục hoạt động theo quy định của pháp luật" - ông Thắng thông tin thêm.
Theo ông Thắng, các doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ cũng phải thanh quyết toán tất cả các vấn đề liên quan đến dịch vụ này từ nay đến ngày 1-1-2021.
Ông Vũ Đại Thắng, thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, thông tin về nội dung "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh - Ảnh: DANH TRỌNG
Trả lời câu hỏi "Luật PPP chủ trương dừng thực hiện các dự án BT trong giai đoạn tới, trong khi nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế nguồn tiền để thực hiện các dự án như thế nào?", lãnh đạo Bộ Kế hoạch - đầu tư cho hay trước đây chúng ta đưa ra hình thức BT để nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền ra xây dựng các công trình hạ tầng sau đó Nhà nước sẽ trả quỹ đất để họ phát triển quỹ đất đó để cân bằng 2 chi phí.
Trong quá trình thảo luận Luật PPP, có nhiều ý kiến cho rằng hình thức này không có việc hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân trong đầu tư nên không thể coi đó là hình thức đầu tư PPP.
Về nguyên tắc, Luật PPP có hợp đồng giữa Nhà nước và tư nhân. Còn việc xây dựng công trình xong đổi lấy đất thì hoàn toàn không phải PPP do đó không nằm trong nội dung của Luật PPP.
Về băn khoăn nguồn lực đầu tư các dự án, đại diện Bộ Kế hoạch - đầu tư cho rằng đất đai chúng ta đã có, pháp luật cho phép đấu thầu, đấu giá. Do vậy có thể đấu giá mặt bằng để lấy kinh phí thực hiện dự án đầu tư theo nhu cầu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
“Tạm dừng thực hiện hợp đồng theo hình thức BT cũng là một trong những điểm để quản lý hiệu quả hơn nữa quỹ đất trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp” - Thứ trưởng Thắng nói.
"Thành lập Bộ Thanh niên trong giai đoạn hiện nay chưa phù hợp"
Liên quan đến Luật thanh niên, nói về đề xuất thành lập Bộ Thanh niên, đại diện Bộ Nội vụ cho hay trong quá trình thảo luận, Quốc hội có đề nghị nghiên cứu thành lập Bộ Thanh niên.
Tuy nhiên, Quốc hội thấy trong giai đoạn này chưa phù hợp nên đã quy định trong Luật thanh niên năm 2020 là Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Chính phủ giao Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề về công tác thanh niên.
"Đặc biệt trong điều kiện chúng ta đang thực hiện nghị quyết 18 hội nghị trung ương VI về tinh gọn bộ máy để các cơ quan hoạt động có hiệu quả, vì vậy vấn đề thành lập Bộ Thanh niên trong giai đoạn hiện nay chưa phù hợp nên không có nghiên cứu để xây dựng Bộ Thanh niên", đại diện Bộ Nội vụ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận