Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng - Ảnh: Xuân Long |
Sử dụng quá mức rừng, diện tích đất ngập nước, khai thác quá mức cát sẽ là đe dọa làm gia tăng rủi ro thiên tai |
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng |
Tại hội nghị phòng phòng, chống thiên tai khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc do Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai sáng 1-6, ông Tăng Quốc Chính - phó cục trưởng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) - thẳng thắn chỉ ra các hạn chế.
Đó là kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai còn mang tính hình thức, chưa sát với thực tế, chưa chi tiết và phân công cụ thể.
Phát triển không bền vững làm tăng nguy cơ thiên tai
“Công tác thông tin cảnh báo, chỉ đạo mới chỉ tập trung từ tỉnh xuống các huyện, xã qua đường công văn và điện thoại, fax. Việc truyền tin từ xã đến người dân gặp nhiều hạn chế, nhiều nơi chưa thực hiện truyền tin xuống cộng động do không có hệ tống truyền tin dưới cơ sở về thiên tai” - ông Chính nói.
Ông Trần Quang Hoài - ủy viên thường trực Ban chỉ đạo - cho rằng thiệt hại về người và của từ thiên tai là vô cùng lớn.
“Vẫn còn những thiệt hại về người rất đau xót, trong đó có nguyên nhân do tình hình hình thiên tai có diễn biến phức tạp, nhưng cũng có nguyên nhân do vấn đề phát triển kinh tế xã hội quá mức, không bền vững đã tác động làm tăng nguy cơ thiên tai” - ông Hoài nêu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng - phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - cũng cho rằng dưới tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan liên tiếp gia tăng.
Thời gian suất hiện thiên tai bất thường, thậm chí có mưa lũ ngay trong mùa khô. Thiên tai tăng độ dày về tần suất xuất hiện, bão lớn hơn, và mưa ở cường độ cực cao rất khó ứng phó.
“Chúng ta đã chứng kiến những trận mưa kỷ lục tới gần 1.000mm/trận mưa như trận mưa ở Quảng Ninh năm 2015, rồi trận mưa trong năm 2016 ơ Lào Cai và sau đó là lũ quét. Những trận mưa cực lớn nhưng không phải ở diện rộng là vấn đề rất mới đặt ra với chúng ta.
Những tiêu chuẩn về kỹ thuật, về ứng phó với thiên tai của các công trình xây dựng ở vùng như vậy là chưa đáp ứng được. Vì thế, khi mưa lớn với cường độ như vậy rơi vào khu vực nào là nguy cơ cho khu vực đó” - ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, gần đây còn nóng lên việc khai thác quá mức cát dưới lòng sông, ngoài làm sạt lở còn làm hạ thấp lòng sông dẫn tới khó khăn cho việc cung cấp nguồn nước.
“Vì thế, thiếu nước tương tương đồng với hạn hán có thể xảy ra ở các năm mưa thuận gió hòa” -ông Thắng chỉ rõ.
Cả xã hội phải ứng phó với thiên tai
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng cho rằng thiên tai đang đe dọa sự phát triển bền vững của VN.
“Năm 2016 thiên tai diễn ra hết sức phức tạp. Trước đây thiên tai chỉ tập trung trong mùa mưa bão, nhưng gần đây thiên tai xảy ra từ đầu năm đến cuối năm. Rồi đầu năm rét đậm rét hại, cuối năm lại hạn hán, giữa năm mưa bão ngập lúa diện rộng.
Hay chỉ trong 6 tháng cuối năm 2016 đã xảy ra những sạt lở nghiêm trọng ở phía Bắc, rồi lụt nghiêm trọng ở miền Trung. Đó là những vấn đề rất nóng, đe dọa phát triển kinh tế rất lớn” - ông Thắng cho hay.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng chỉ rõ trong số các nguyên nhân làm gia tăng rủi ro thiên tai, có nguyên nhân bắt nguồn từ tất cả quá trình phát triển kinh tế xã hội thiếu bền vững, khai thác tài nguyên quá mức.
“Sử dụng quá mức rừng, diện tích đất ngập nước, khai thác quá mức cát sẽ là đe dọa làm gia tăng rủi ro thiên tai” - ông Thắng nói và khẳng định rừng kém thì lũ sẽ nhanh hơn rất nhiều, còn nếu rừng tốt thì lũ về hạ du sẽ chậm hơn.
“Thiên tai bây giờ cũng khác đòi hỏi cách ứng phó không thể như ngày xưa nữa, mà cả xã hội phải ứng phó với thiên tai. Tất cả các hoạt động phải chủ động ứng phó với thiên tai, từng ngành, từng cấp phải thay đổi tư duy về ứng phó với thiên tai, có vậy mới giảm thiểu được thiệt hại” - ông Thắng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận