Cột mốc số 0 - A Pa Chải (Điện Biên), cực Tây Tổ quốc, nơi phân định ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc - Ảnh: TRẦN THẾ DŨNG
Việt Nam tiếp giáp ba nước Campuchia - Lào - Trung Quốc với đường biên giới trên đất liền là 4.550km. Ngoài những cột mốc biên giới nằm ở vị trí các cửa khẩu Việt Nam, nơi buôn bán sầm uất và khách du lịch xuất nhập cảnh đông đảo, phần lớn số mốc giới còn lại ở nơi xa xôi, heo hút.
Riêng các cột mốc chủ quyền trên đảo tiền tiêu đều được xây dựng kiên cố, ghi rõ vĩ độ, kinh độ bên cạnh cột cờ uy nghi nơi đầu sóng ngọn gió.
Đứng ở vị trí cột mốc ngắm nhìn vùng biên ải ở đâu cũng đẹp, cũng hoang sơ, tĩnh lặng. Từ bãi biển hòn Từ, hòn Nhạn, Thổ Châu (Kiên Giang) phía cực Tây Nam Tổ quốc không một dấu chân người, cho đến mốc 1378 cuối cùng đường biên giới Việt - Trung nằm ngay cửa sông Bắc Luân - Trà Cổ - Móng Cái quanh năm sóng gió, địa đầu cực Đông Bắc của đất nước.
Biển đảo Việt Nam hiện có 92 ngọn hải đăng trải dài từ đảo Vĩnh Thực - Móng Cái - Quảng Ninh đến Hà Tiên - Kiên Giang, phần lớn nằm trên các đảo ngoài khơi, ở vị trí cao nhất trên đảo với tầm nhìn không gian bao la xanh ngắt của biển trời quê hương. Nhiều nơi còn được nhìn thấy mặt trời mọc và lặn, trở thành tâm điểm thu hút du khách.
Nhiều năm qua, các địa phương cùng lực lượng bộ đội biên phòng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho du khách người Việt được ra thăm cột cờ, cột mốc, hải đăng nhằm thể hiện tình cảm đối với non sông đất nước và thưởng ngoạn cảnh sinh hoạt, giao thương với các nước láng giềng.
Một số địa phương đã tận dụng vị thế độc đáo của cửa khẩu, cột mốc để khai thác du lịch nhằm phát triển kinh tế địa phương.
Chẳng hạn, tỉnh Hà Giang với cột cờ Lũng Cú trên cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở vùng núi cực bắc Tổ quốc linh thiêng, hùng vĩ. Bình Liêu (Quảng Ninh) giới thiệu hành trình khám phá hàng loạt cột mốc và săn mây trên cung đường tuần tra được ví là "sống lưng khủng long".
Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) nổi tiếng với ngã ba Đông Dương qua cột mốc số 0 hình trụ tam giác giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia...
Đồn biên phòng A Pa Chải huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đã xây dựng một đội ngũ toàn những chiến sĩ trẻ thông thạo địa hình, kinh nghiệm đi rừng để dẫn đường các đoàn khách ở miền xuôi lên đỉnh Khoang La San trên độ cao 1.864m so với mặt nước biển, thăm cột mốc số 0 phân định biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, điểm cực Tây của đất nước.
Với việc khai thác du lịch, chất lượng cuộc sống người dân tại nhiều địa phương được nâng cao, cơ sở hạ tầng cũng phát triển. Tuy nhiên, dù tiềm năng đa dạng và phong phú nhưng số lượng du khách đến với vùng biên ải, đảo tiền tiêu chưa nhiều do hệ thống giao thông, cơ sở dịch vụ du lịch vừa thiếu vừa kém, sản phẩm du lịch đơn điệu.
Nhiều địa phương chỉ khai thác tuyến tham quan biên giới, cột mốc chứ chưa kết hợp khai thác các loại hình du lịch sinh thái, lịch sử và tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số với nhiều phong tục, nghi lễ lạ lẫm, độc đáo.
Thiết nghĩ, đã đến lúc ngành du lịch và cơ quan hữu trách cần hoạch định những khu vực được phép khai thác du lịch dựa trên tiềm năng du lịch và thông báo rộng rãi đến các hãng lữ hành, địa phương... để liên kết phát triển du lịch. Từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng để tăng sức hấp dẫn, thu hút du khách nhiều hơn và góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận